Vị tỷ phú khiến mọi phụ nữ trên trái đất phải 'phát cuồng'
Vươn lên từ nghèo khó để trở thành người đàn ông giàu có thế giới, Ortega vẫn luôn duy trì một cuộc sống giản dị đến bất ngờ.
Vào tháng 10/2015, ông trùm bán lẻ người Tây Ban Nha Amancio Ortega đã bất ngờ soán ngôi vị của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Microsoft Bill Gates để trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới.
Ở thời điểm đó, giá trị cổ phiếu của công ty công ty Inditex của Ortega chạm mức 34euro, nâng tổng số tài sản mà ông sở hữu lên 80 tỷ USD.
Đây thực sự là thông tin khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó, họ vẫn chỉ quen mặt với những cái tên như Bill Gates, Warren Buffett hay Carlos Slim Helú chứ không hề quan tâm đến vị tỷ phú vốn quen với lối sống khiêm nhường và tránh xa giới truyền thông.
Khởi đầu khiêm tốn
Amancio Ortega sinh năm 1936 trong một gia đình nghèo ở Tây Ban Nha.
Không được học hành và đào tạo đến nơi đến chốn, ngay từ trẻ, ông đã phải đi làm tại một cửa hàng dệt may và tạp hóa nhỏ mang tên La Maja tại thành phố cảng Coruna.
Lúc đó, ông hoàn toàn chưa được học nghề, không hề có kiến thức về may mặc hay quần áo mà chỉ biết phụ việc vặt. Cuộc đời của ông đã có một bước ngoặt lớn khi kết hôn với con gái của chủ cửa hàng.
Đầu những năm 1970, với sự trợ giúp đắc lực của chị dâu và vợ, Amancio Ortega tự mở một xưởng may tư nhân nhỏ, nhận may quần áo theo đơn đặt hàng và sản xuất quần áo may sẵn.
Gia đình ông vừa thiết kế, vừa may và vừa bán các sản phẩm của mình.
Những nỗ lực mở rộng kinh doanh được Ortega được thực hiện từ năm 1968 sau khi ông đến thăm một hội chợ hàng dệt may ở Paris.
Năm 1975, Ortega lần đầu tiên cho ra đời một cửa hàng quần áo riêng. Tên ban đầu của thương hiệu Zara là Zobra - lấy cảm hứng từ phim 'Zobra The Greek'.
Tuy nhiên do sợ bị nhầm lẫn, Ortega quyết định đổi thành Zara. Từ một doanh nghiệp gia đình, công ty của ông chủ Zara đã trở thành một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực hàng quần áo.
Đến năm 1990, ở bất kỳ thành phố nào có từ 100.000 dân trở lên ở Tây Ban Nha đều có một cửa hiệu Zara.
Từ Địa Trung Hải, Zara không ngừng lớn mạnh và dần trở thành thương hiệu thời trang bình dân được phái nữ trên toàn thế giới ưa chuộng.
Phương châm kinh doanh lạ đời
Hiện tại, Inditex - công ty mẹ đứng đằng sau hàng loạt chuỗi thời trang bán lẻ như Zara, Pull & Bear, Bershka… chính là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất toàn cầu với 6.500 cửa hàng tại 88 quốc gia và doanh thu hàng năm lên tới hơn 20 tỷ USD.
Theo Ortega, bí quyết để công ty của ông đạt được thành công như ngày hôm nay chính là phương châm có tên gọi 'thời trang mỳ ăn liền'.
Nói cách khác, Inditex sẽ cung cấp cho khách hàng những trang phục thời thượng trong thời gian sớm nhất và tất nhiên, giá tiền cũng sẽ dễ chịu hơn rất nhiều so với các thương hiệu cao cấp khác.
'Đó là sự kết hợp giữa quá trình sản xuất, phân phối và bán lẻ', Ortega chia sẻ.
Nhờ vậy, sản phẩm của Zara có giá thành khá rẻ so với kiểu dáng, cách cắt may, xu hướng cũng như chất liệu mà hãng này cung cấp.
Đối với Zara, khách hàng không cần phải bỏ hàng nghìn USD và chờ đợi 6 tháng cho những món đồ thời trang đang gây sốt.
Bên cạnh đó, Zara liên tục thay đổi thiết kế. Hàng năm hãng cho ra đời 12.000 mẫu thiết kế mới, trong đó khoảng 1/4 mẫu được sử dụng để sản xuất.
Không như các thương hiệu thời trang khác mất trung bình là 5-6 tuần, Zara cho ra mắt sản phẩm mới và tung ra sản phẩm chỉ trong 2 tuần.
Cách làm của Zara đã tạo sự ảnh hưởng mạnh mẽ và thay đổi ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Zara đã phá bỏ vòng quay thời trang cũ kỹ, vốn chỉ 2 mùa chính trong năm.
Giờ đây các ông lớn như Prada, Louis Vuitton.. cũng phải cho ra từ 4 đến 6 bộ sưu tập mỗi năm thay vì chỉ 2 như trước đây.
Điều đặc biệt thú vị của Zara là không quảng cáo. Amancio Ortega cho rằng quảng cáo là 'không thực tế', lợi nhuận kiếm được để mở thêm càng nhiều cửa hàng càng tốt, trong khi các hãng bán lẻ thời trang khác chi khoảng 3,5% doanh thu vào việc quảng cáo thì cả công ty chỉ chi 0,3%.
Bên cạnh đó, Inditex mở những cửa hiệu lớn tại các khu vực mua sắm của nhiều thành phố vào hàng lớn nhất thế giới, làm giảm sự cần thiết phải bỏ thêm tiền cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo.
Cuộc sống giản dị
Một cửa hàng Zara
Trong suốt 40 năm kể từ khi thành lập Inditex, cuộc sống của Ortega không hề có nhiều thay đổi.
Vị tỷ phú 80 tuổi vẫn là khách hàng thường xuyên của một quán café nhỏ ở quê nhà, nơi ông đã dành phần lớn cuộc đời mình tại đây.
Mỗi ngày, Ortega vẫn tự mình vượt qua quãng đường gần 20km để đến trụ sở của công ty ở thành phố kế bên.
Đến trưa, ông cùng các nhân viên dùng bữa tại căng tin. Bản thân Ortega không hề có một văn phòng riêng mà ông chọn cách ngồi chung bàn với những chuyên gia, nhà thiết kế để thuận tiện cho công việc.
Nhưng có lẽ, điều kỳ lạ nhất đối với một người đàn ông làm việc trong lĩnh vực thời trang đó là Ortega không hề có hứng thú với việc chạy theo những xu hướng của làng mẫu.
Bộ quần áo của ông đơn giản chỉ là một chiếc áo khoác màu xanh, áo trắng và quần xám - tất cả đều không phải là sản phẩm của Zara.
Những lúc rảnh rỗi, người đàn ông giàu thứ hai thế giới theo thống kê của Forbes cũng không đắm chìm trong những bữa tiệc tùng hào nhoáng mà chọn cách trồng rau, nuôi nhà tại trang trại của gia đình.