Vị tướng tình báo và hai bà vợ qua lời kể của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Những ai hiểu về cuộc sống của nhà tình báo Đặng Trần Đức, nhắc đến ông, họ đều nói đến một gia đình không bao giờ thấy mặt. Đó là gia đình bà Thanh - vợ đầu của ông.
Tư liệu phỏng vấn cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Vị tướng tình báo và hai bà vợ. (Video: Media 21)
Báo Điện tử VTC News trích một số thông tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng trả lời phỏng vấn khi Media 21 sản xuất seri tài liệu "Nhà tình báo Đặng Trần Đức".
Khổ mấy tôi vẫn chịu được, miễn 'ông Ba' an toàn trở về
Đây là một gia đình mà ai cũng kính trọng, nhưng lại ít người có cơ hội gặp gỡ, không chỉ trước năm 1975 mà ngay cả sau giải phóng và cho đến lúc ông Ba Quốc mất. Lý do là vì ông Ba Quốc không muốn mở rộng đời sống xã hội đối với gia đình ông hết mực yêu thương.

Ông Ba Quốc bên gia đình người vợ ngoài Bắc sau 21 năm xa cách được đoàn tụ.
Bà Thanh, vợ đầu của ông Ba Quốc, từng là một điệp báo viên của Công an Hà Nội, cấp dưới của ông Tạo Doãn (sau này là Thứ trưởng Bộ Nông lâm), cũng là giao thông viên truyền tin cho ông Tạo Doãn.
Trong khi làm nhiệm vụ theo dõi và tham gia vào vụ án phố Ôn Như Hầu năm 1946, ông Ba quen biết và nảy sinh tình cảm với bà Thanh. Họ nên duyên chồng vợ năm 1947 với sự mai mối và chứng kiến của ông Tạo Doãn cùng ông Trần Hiệu (Cục trưởng Cục Tình báo đầu tiên).
Sau khi kết hôn, ông bà có hai người con: Chị Giang và anh Thành. Tuy nhiên, khi được điều động vào miền Nam công tác, ông buộc phải lập một gia đình khác để làm “bình phong” an toàn cho hoạt động tình báo. Ngoài Bắc, bà Thanh cùng các con phải chấp nhận mang tiếng là gia đình có người chồng bỏ đi theo địch, bị buộc phải rời Hà Nội lên Phú Thọ, sống trong điều kiện hết sức khổ cực ở một nông trường chè.
Cuộc sống khó khăn ấy kéo dài suốt 20 năm, từ 1954 đến 1974. Dù chịu cảnh thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, bà Thanh vẫn kiên trì nuôi dạy con cái học hành, tiếp tục phục vụ Nhà nước và giữ trọn vẹn niềm tin, tình yêu với ông Ba, chờ ngày đất nước thống nhất.
"Nhắc lại câu chuyện khi ông Ba cưới người vợ thứ 2, ông Trần Hiệu nói chuyện và xin ý kiến bà Thanh là bây giờ ông Ba cần lấy danh nghĩa của một bà vợ để đi vào Sài Gòn hoạt động. Khi đó, bà Thanh viết một tờ giấy với nội dung:
'Tôi đồng ý cho chồng đi lấy vợ mới để phục vụ hoạt động. Tôi chỉ có một điều kiện là khi thống nhất đất nước và có độc lập rồi thì trả chồng tôi về với tôi'.
Năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng ông Ba lại phải lên đường đi công tác và chiến đấu ở Campuchia. Cứ kéo dài như thế nên ông cũng không quay trở lại được với gia đình", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể.
Ông Vịnh nhận định cuộc sống của gia đình này gần như chỉ là chuyến thăm của ông Ba chứ chưa bao giờ ông Ba sống với gia đình theo đúng nghĩa.
Cho đến khi bà Thanh mất, ông Nguyễn Chí Vịnh vẫn còn nhớ có lần đã hỏi bà:
- Cô à, chú Ba chú ấy đi như thế, cô biết là chú có gia đình trong Nam. Cuộc sống cô khổ như thế, các anh, các chị vất vả như thế, cô buồn chú Ba không?
- Buồn chứ, giận chứ, sao không giận được.
- Sao cô lại để yên? Cô có oán trách tổ chức không?
- Không, tổ chức tôi không oán trách. Tôi chỉ buồn thôi.
- Thế sao cô lại để yên?
- Tôi biết tôi khổ lắm, tôi biết các con tôi cũng khổ lắm. Người ta không nói thẳng hết với tôi đâu nhưng mà chúng tôi vẫn quyết định sống như thế. Tôi chịu khổ, khổ thế chứ khổ nữa tôi vẫn chịu được, miễn là ông Ba an toàn để trở về.
Ông Vịnh bày tỏ sự xúc động và luôn ám ảnh với câu trả lời của bà Thanh. Khổ bao nhiêu thì cũng chịu được, khổ thế chứ khổ nữa cũng chịu được, miễn là an toàn, bí mật cho ông Ba để ông ấy trở về. Có lẽ đấy là một tấm lòng, một người vợ, một gia đình vĩ đại.
Chính sự hy sinh thầm lặng ấy đã góp phần giúp ông Ba yên tâm công tác, lập nên những chiến công xuất sắc trong ngành tình báo. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nếu không có sự cam chịu và hy sinh của gia đình ngoài Bắc, đặc biệt là bà Thanh, thì sẽ không thể có một tình báo viên xuất sắc như ông Ba Quốc.
"Tôi cho đấy là một tấm gương trong thời chiến. Gia đình người ta chồng con hy sinh thì được liệt sĩ, còn không được gần chồng gần con thì không được một danh hiệu gì cả, mà còn phải mang một danh hiệu rất xấu, chịu một cuộc sống rất khổ nhưng người ta vẫn chịu.
Tôi có hỏi ông Ba nhiều lần về câu chuyện của bà Thanh, ngoài tình cảm yêu thương vợ chồng, lòng biết ơn thì tôi thấy ông Ba dành sự kính trọng thực sự, kính trọng trước nhân cách của bà Thanh, kính trọng trước sự kiên định của bà Thanh và kính trọng trước đức hy sinh của bà Thanh", ông Vịnh bộc bạch.
Sự vĩ đại của hai người phụ nữ
Trong quá trình hoạt động tại miền Nam, yêu cầu nghiệp vụ đòi hỏi ông Ba phải có một gia đình với thân phận không cách mạng và có liên hệ với chính quyền Pháp thời kỳ 1945-1954. Tổ chức đã bố trí cho ông Ba cưới bà Xuân - con gái một gia đình công chức lương thiện ở Hà Nội. Ban đầu chỉ là một cuộc hôn nhân nhằm che mắt địch, nhưng sau này hai người thực sự nảy sinh tình cảm.
Cái bình phong của tình báo có hai yêu cầu tương đối mâu thuẫn nhau. Thứ nhất là phải có thân phận không cách mạng, gần với địch. Nhưng thứ hai lại là gia đình không có "nợ máu" với cách mạng.

Ông Ba Quốc bên gia đình tại Sài Gòn khi đang hoạt động bí mật.
Với gia đình này, ông Vịnh bày tỏ thắc mắc rằng ông Ba làm tình báo không bị lộ cũng thật là lạ. Vì ông Ba không nói với cả nhà là ông ấy làm tình báo, ông không hề nói với bà Xuân là ông ấy làm tình báo. Nhưng ông cứ đi đi, về về như thế thì tự khắc bà Xuân đặt nghi vấn: "Ngoài việc làm cho chính quyền Sài Gòn thì cậu còn làm ở đâu mà cứ đi đi về về thế?".
"Hàng mấy chục năm như thế liệu bà Xuân có biết không? Rồi sau này khi các con lớn lên, ông Ba lại nhờ các con chụp tài liệu mật để làm thư mật gửi ra chiến khu, các con cũng phải làm. Các con ông ấy làm thì vợ ông ấy phải biết chứ, các con ông ấy biết chứ?
Thế mà họ im lặng suốt mấy chục năm. Họ không lộ bí mật của ông ấy. Họ không ngăn cản ông ấy làm những việc mà họ hiểu là rất nguy hiểm cho gia đình. Và họ cũng coi như là không biết. Cuộc sống gia đình mà ông chồng làm việc như thế, bố làm cái việc như thế mà cả vợ con biết thừa như vậy nhưng coi như không biết, nhắm mắt quay đi để ông ấy hoạt động cho cách mạng", ông Vịnh nói.
Ông Nguyễn Chí Vịnh đánh giá điều đó là vĩ đại. Một sự đe dọa thường trực 20 năm trời. Biết ông Ba làm cho tình báo cách mạng, có nghĩa là con dao đang treo lơ lửng trên đầu cả gia đình mà vẫn phải chịu. Vì thương ông ấy và cũng vì yêu nước.
Khi thân phận ông Ba bị lộ năm 1974 và phải ra chiến khu, vợ con ông bị bắt, bị giam riêng rẽ. Đặc biệt là anh Vũ - người con chụp ảnh tài liệu mật cho ông Ba - đã kiên quyết giữ kín bí mật dù bị thẩm vấn khốc liệt.
"Anh Vũ là người chụp tài liệu cho ông Ba, anh ấy là người gói ghém những cái phim cho ông Ba gửi ra theo dạng thư mật.
Khi ông Ba buộc phải chạy trốn, trong nhà vẫn còn những tang chứng, máy ảnh, chân máy ảnh vẫn còn. Chính quyền Sài Gòn sau đó đã bắt và thẩm vấn anh Vũ. Trước đó, ông Ba đã dặn dò kỹ: 'Ông Ba bảo làm như thế, còn mục đích là gì thì không biết'. Anh Vũ dĩ nhiên biết rất rõ, nhưng vẫn nghiến răng không khai ra điều gì, chỉ lặp lại đúng lời dặn: 'Bố tôi bảo chụp thế thì tôi chụp'. Sau một thời gian không khai thác được gì thì chúng thả anh ra", ông Vịnh kể.
Gia đình phía Nam của ông Ba gồm bốn người con: Anh Phong, anh Vũ, chị Hạnh và cậu Quang. Trong đó, anh Vũ tham gia quân đội từ khi vừa tròn 18 tuổi và từng cùng công tác với ông Nguyễn Chí Vịnh ở Campuchia.
Anh Vũ từng tâm sự rằng, anh biết rất rõ công việc nguy hiểm mà cha mình làm, nhưng chủ động không hỏi để tránh liên lụy và giữ vững tinh thần khi bị bắt.
"Anh Vũ kể với tôi là: 'Suốt ngày tôi phải chụp ảnh cho ông già. Mà tôi biết ông làm gián điệp cho cách mạng, mà tôi đâu có hỏi. Tôi hỏi lỡ ông nói với tôi, rồi tới lúc mà tôi bị bắt thì tôi biết nói làm sao, lờ đi không được. Và đến khi bị bắt thì đúng là chưa bao giờ tôi hỏi bố tôi cả và chưa bao giờ bố tôi nói với tôi cái gì cả'. Có thể nói, gia đình ở phía Nam của ông Ba khi làm nhiệm vụ cũng vô cùng vĩ đại", ông Vịnh khẳng định.
Qua những câu chuyện ấy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng ông Ba Quốc là người vô cùng may mắn khi có được hai người vợ - hai hậu phương vững chắc. Bà Thanh chịu đựng cảnh chia ly, thiếu thốn, chịu tiếng xấu để giữ trọn bí mật. Bà Xuân chấp nhận làm ngơ suốt mấy chục năm để ông Ba hoạt động, và khi bị bắt cũng nhất quyết không khai ra.
Ông Vịnh thường xuyên gặp gia đình phía Nam của ông Ba, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy bà Xuân kêu ca về câu chuyện ấy.
"Tôi nghĩ ông Ba là người rất may mắn có được hai người vợ mà cả hai người đều phải hy sinh. Nói cho cùng là vì đất nước, nhưng mà cũng bởi vì con người của ông Ba nữa, họ rất yêu quý và kính trọng ông Ba.
Chúng ta phải nhìn thấy sự vĩ đại của cả hai người phụ nữ trong cuộc đời ông Ba. Nếu không, sẽ dễ khiến người ta nghĩ rằng người vợ trong Nam chỉ là một 'sản phẩm nghiệp vụ', lấy bà ấy cho có, sinh con với bà ấy chỉ là bình phong thôi.
Thứ nhất, bà ấy chịu để ông này làm bình phong. Thứ hai là bà ấy chịu làm ngơ cho ông ấy 20 năm làm một việc nguy hiểm nhất. Và thứ ba là khi bị địch bắt thì vẫn không khai", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể.