Vì thói quen ăn vải kiểu này, mỗi năm hơn 100 trẻ em ở miền bắc Ấn Độ đã tử vong
Các nhà khoa học Mỹ và Ấn Độ phát hiện nguyên nhân bí ẩn giết chết hơn 100 trẻ em mỗi năm ở miền bắc Ấn Độ do ăn quả vải.
Từ năm 1994, rất nhiều đứa trẻ khỏe mạnh ở vùng Bihar của Ấn Độ bị co giật đột ngột và bất tỉnh. Một phần ba trong số chúng tử vong, điều này khiến các bác sĩ vô cùng bối rối.
Sau hơn 2 thập kỉ, tới năm 2017, một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Ấn Độ nói rằng họ đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh bí ẩn đã giết chết hơn 100 trẻ em mỗi năm nói trên. Đó là do những đứa trẻ này đã ăn vải khi đói bụng. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet. "Cha mẹ ở các làng bị ảnh hưởng báo cáo rằng trong tháng 5 và tháng 6, trẻ nhỏ thường dành cả ngày để ăn vải ở các vườn cây xung quanh. Thậm chí, nhiều đứa trẻ trở về nhà vào buổi tối còn không ăn bữa tối nữa do quá no", các nhà khoa học viết.
Từ năm 1994, rất nhiều đứa trẻ khỏe mạnh ở vùng Bihar của Ấn Độ bị co giật đột ngột và bất tỉnh.
Theo nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm thấy trong quả vải, đặc biệt là những quả chưa chín, có chứa một loại axit amin ảnh hưởng đến mức đường huyết. Ở Đông Nam Á, những vụ dịch bệnh tương tự cũng được báo cáo từ các vùng trồng vải của Bangladesh.
Các nhà nghiên cứu cho biết tác dụng độc hại tiềm tàng của quả vải đã được ghi nhận trong văn học cổ đại từ Trung Quốc. Trong một bài báo về nghiên cứu trên Lancet, giáo sư Peter Spencer và tiến sĩ Valerie Palmer đã viết rằng: Trong các loại trái cây cùng họ như vải, chôm chôm, nhãn... có một loại axit amin có tên hypoglycin.
Đây là một độc tố nếu ăn nhiều sẽ ức chế khả năng sản sinh glucose của cơ thể, tác động đến nồng độ đường trong máu. Nồng độ đường trong máu của các trẻ nhỏ ở vùng Bihar của Ấn Độ vốn đã rất thấp do chúng không ăn tối, do vậy, kết quả là chúng thường thức giấc và la hét vào ban đêm trước khi trải qua những cơn co giật và mất ý thức vì bị phù não trước khi tử vong.
Trong các loại trái cây cùng họ như vải, chôm chôm, nhãn... có một loại axit amin có tên hypoglycin... ức chế khả năng sản sinh glucose của cơ thể, tác động đến nồng độ đường trong máu.
Để tránh nguy cơ này, các nhà nghiên cứu và cơ quan y tế khuyến cáo hạn chế cho trẻ ăn nhiều vải và cần ăn tối đầy đủ. Tuổi tác và tình trạng sức khỏe của trẻ cũng có thể là những yếu tố tác động đến sự phát tán của độc tố trên. Nếu trẻ không may rơi vào tình trạng này do ăn vải, trẻ nhanh chóng cần được điều chỉnh nồng độ glucose để ngăn ngừa thiệt hại lâu dài như suy yếu tinh thần, yếu cơ và rối loạn vận động.
Theo New York Times, cũng nhờ phát hiện này mà số lượng ca mắc bệnh giảm từ hàng trăm xuống khoảng 50 trường hợp mỗi năm.
Theo ABC