Vị thì là trong các món ăn

,
Chia sẻ

Canh cá diêu bông nấu thì là đã quá quen thuộc. Bạn hãy thử dọn món mới với gia vị chính là loại cây mang vị nồng nồng đặc trưng này.

Thì là (còn gọi là thìa là) có quanh năm, thân mọc thẳng, không rẽ nhánh, có bộ lá màu xanh tỏa ra giống như ren. Lá thì là dài khoảng 30cm, chia thành 3-4 lần với những phần nhỏ như sợi chỉ. Mỗi phần dài khoảng 2,5cm.

Cây thì là cao khoảng 0,9 - 1,5m. Hoa có màu vàng, tạo thành cụm tròn và lớn giống như chiếc ô, trong đó tất cả cuống hoa bắt đầu từ một diểm. Toàn bộ cụm hoa dài khoảng 25cm, một số hoa nằm trên bộ khung màu xanh rất đẹp.

Quả thì là có vỏ dẹt, dài khoảng 2,5cm. Tất cả các bộ phận trên cây thì là đều có mùi nồng khá mạnh.

Giống thì Dukat có lá rộng, trong khi giống Bouquet có đầu hạt to và thích hợp để làm các gia vị chua. Giống Fernleaf nhỏ, cao khoảng 0,5m chậm phát triển và thích hợp để cất trữ. Giống Long Island Mammoth là loại thì là phổ biến nhất và thích hợp để lấy lá, hạt.

Thì là có nguồn từ Tây Nam Á. Giờ đây, loài cây này đã có mặt ở nhiều quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đây là loại gia vị phổ biến ở các nước Bắc, Trung và Tây Âu nhưng ít có mặt ở Pháp và Ý.

Thì là rất cần thiết trong các món ăn của người Nga và Scandinavi. Ở Ấn Độ, thì là Sowa (loại cay nồng hơn thì là châu Âu và Mỹ) là một thành phần quan trọng trong món cà-ri trứ danh.

Cây gia vị này mọc nhanh và dễ trồng. Chúng sống tốt nhất trong môi trường đầy đủ ánh mặt trời. Nếu bạn trồng trong bóng râm, thì là dễ bị ngã rạp do thân yếu. Loại cây này mọc quanh năm. Trong thời tiết nóng, thì là nở hoa và kết hạt nhanh hơn.

Thì là thường được dùng tươi, nhưng bạn có thể trữ lạnh.

Người ta dùng thì là để tăng hương vị cho các món salad khoai tây, salad trứng và dưa cải bắp Đức (sauerkraut), thêm vị chua hoặc làm sốt cho món cá. Với vị nồng nồng đặc trưng, thì là giúp món ăn không còn cảm giác ngấy.

Tôm rán thì là

Nguyên liệu:

200g tôm sú, 10g thì là, 100g bột rán giòn, dầu ăn, 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1 thìa súp tương ớt.

Thực hiện:

Tôm rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu, chẻ sống lưng lấy chỉ đen, để ráo. Ướp tôm với hạt nêm, để khoảng 10 phút cho thấm. Thì là bỏ gốc, rửa sạch, thái nhuyễn. Cho bột rán giòn vào bát, trộn đều với ít nước, khuấy bột đến khi đạt độ sánh vừa phải, cho thì là vào trộn đều.

Đặt chảo dầu lên bếp, đun nóng. Nhúng tôm vào bột rán giòn thả vào chảo dầu, rán vàng đều hai mặt. Để trình bày món ăn thêm đẹp mắt và dễ dùng, bạn có thể xiên que tre qua thân tôm trước khi dọn ra đĩa. Trang trí thêm nhánh thì là. Món này dọn kèm với tương ớt, dùng nóng.

Bí quyết:

Khi trộn bột, bạn nên cho nước từ từ. Dùng thìa tán nhuyễn để bột không bị vón cục, đồng thời bạn biết được độ đặc, lỏng của bột.

Mực trộn thì là

Nguyên liệu:

200g mực ngâm, 200g mực tươi, 50g thì là, 1 thìa cà-phê ớt xay, 1 thìa súp tỏi xay, 1 thìa súp nước cốt đường, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa hạt nêm.

Thực hiện:

Mực tươi làm sạch, thái miếng vừa ăn, khía xéo, để ráo. Cho mực ngâm vào tô nước ấm, để khoảng 5 phút, thái miếng vừa ăn.

Trộn mực ngâm và mực tươi, ướp với hạt nêm, để 10 phút, sau đó cho vào xửng hấp chín. Cho ớt xay, tỏi xay, nước cốt chanh đường, nước mắm vào bát, hòa tan.

Thì là bỏ gốc và lá úa, rửa sạch, để ráo nước, thái khúc khoảng 3-4 cm. Khi mực tươi và mực ngâm đã nguội, cho ra đĩa, rắc thì là vào trộn đều, rưới nước mắm trộn vừa pha lên trên sao cho xăm xắp mực.

Trang trí thêm vài lát chanh. Dùng ngay sau khi dọn.

Bí quyết:

Để mực tươi bớt mùi tanh, bạn có thể rửa mực với giấm hoặc nước cốt chanh trước khi chế biến.

Chia sẻ