Vị sư phụ đứng sau chế độ bảo hành của loạt thương hiệu luxury tại Sài Gòn, đến bà Giám đốc đi đôi giày Dior chục triệu cũng chấp nhận ngồi vỉa hè để chờ
Ngoài sửa giày, đóng giày cho người nổi tiếng, chú Văn còn đứng sau "chế độ bảo hành" của nhiều hãng đồ hiệu lớn.
"Giày của em có chưa anh Văn"
"Chưa đâu chưa đâu, mai quay lại nha, thông cảm gần Tết khách đông quá"
"Trời, em ghé mấy lần rồi"
"Mai, chắc chắn mai có, thông cảm nha"
Vừa "dỗ" khách này xong, chú Văn thoăn thoắt tay, cẩn thận lau chùi đôi giày da của khách, nhìn mũi giày bóng loáng, mùi keo khiến nó mới toanh như vừa được mang ra từ trong một cửa hàng cao cấp, tất cả được bỏ gọn vào một chiếc giỏ bìa cứng bên ngoài là tên hiệu giày. Công việc, cảnh ngộ ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, ngày nào ông chú này cũng phải "dỗ" khách vì khách... quá đông.
Và câu chuyện được kể khi tôi biết chú Văn là người đo ni đóng giày cho rất nhiều người nổi tiếng, đứng sau chế độ bảo hành của các hãng giày lớn, giới chơi đồ hiệu Sài Gòn hầu như đều phải biết đến ông chú này!
Nữ đại gia đi xế sang vẫn ngồi bệt trên vỉa hè để chờ sửa đôi giày hiệu.
Ở góc đường 95 Lê Thánh Tôn, chú Văn là "sư phụ" chuyên "trị bệnh" cho đồ hiệu
"SƯ PHỤ GIÀY" ĐỈNH NHẤT ĐƯỜNG LÊ THÁNH TÔN, LÀ NGƯỜI ĐỨNG SAU "CHẾ ĐỘ BẢO HÀNH" CỦA NHIỀU STORE GIÀY HIỆU Ở SÀI GÒN
Không nhà, không bày trí cầu kỳ, tất cả mà chú Nguyễn Hữu Văn có là một chiếc máy đóng giày trên 40 năm tuổi, cộng thêm bộ dụng cụ chẳng có thứ nào trắng tinh tươm, ấy vậy mà "tiệm sửa giày" này đã tồn tại gần 50 năm qua.
Chú Văn quen mặt đến nỗi người ta chỉ chậc lưỡi và điềm nhiên khi nghe nhắc qua "ông chú sửa giày ở gần chợ Bến Thành": "À ông sửa giày trên đường Lê Thánh Tôn hay sửa giày cho mấy người giàu giàu, người mẫu, diễn viên chứ gì, biết chứ!".
Cầm trên tay đôi giày da đồng, chú Văn nhanh nhẹn dùng một mũi kim, tháo nhẹ phần chỉ viền đang đứt lưng chừng bên ngoài để vá chúng lại. Thao tác nhuần nhuyễn trên đôi giày vài chục triệu đồng khiến không ít người nể phục.
"Hứa Vĩ Văn, Diễm My,... đóng giày ở chỗ chú không đó. Hồi đó thì là Minh Vương, người mẫu Bằng Lăng, Trang Đài…", chú Văn dõng dạc nói.
"Mấy người đó đem một lần chắc cũng phải 3 4 đôi. Sửa miết rồi chú quen ni, có cái cốt rồi tập đóng tới bây giờ là đóng được ngon lành. Giày của Hứa Vĩ Văn là chú đóng không đó. Đảm bảo hàng chú đóng trên thị trường không có đôi thứ 2".
Bằng cách thêm thắt, thiết kế trong đầu mẫu mã rồi vẽ ra giấy, sau đó cắt lên da, nhờ chiếc máy cũ mà cha để lại, chú Văn giờ đã đóng được giày ngon lành cho người nổi tiếng.
Những hiệu giày của dân sành chơi giày hiệu, khách chỉ cần nói qua, ông chú này biết tất
Một người sửa giày lâu năm ở chỗ chú Văn tiết lộ: "Đại gia Q.C toàn sửa giày ở chỗ này thôi. Lâu lâu hai vợ chồng xách ra vài đôi, giày mua ở nước ngoài thôi, sửa mà khó quá là kêu ổng đóng cho một đôi vài triệu mang đi dự sự kiện. Cứ ngồi quán nước bên kia đường một buổi là thấy chừng 2 3 chiếc xe hơi ghé lại, xe xịn xịn".
Câu chuyện chú Văn đóng giày cho người giới siêu giàu được chính mắt chúng tôi kiểm chứng. Họ chẳng bao giờ lộ mặt, từ xa xa cứ hễ thấy bóng xe quen thuộc, chú Văn lại nhắc lính: "Khách kìa". Cứ nghe "sư phụ" nhắc nhẹ, một trong số đó đứng lên nhanh nhảu lấy bọc giày rồi nghe lời dặn. Toàn cảnh chỉ diễn ra không đến 10 giây. Và hàng chục năm qua, "tiệm" này đã là nơi dừng chân tân trang của hàng chục đôi giày hiệu đắt đỏ.
Chú Văn từng cầm trên tay đôi giày cả trăm triệu và "nó cũng là chuyện bình thường thôi"...
Một điều mà có lẽ ít ai biết, chú Văn chính là người đứng sau "chế độ bảo hành" của các hãng đồ hiệu nổi tiếng.
"Làm ở đây còn về nhà làm nữa, nhận bảo hành giày túi, giày cho mấy hãng.... Giày ở hãng nhận giày bảo hành của khách rồi giao cho chú không đó, không làm ở nhà là không xuể. 10 người vậy đó mà vẫn thiếu".
Chú Văn không phải là tuýp người nói nhiều, như cách chú làm việc ngay cả dân văn phòng cũng phải nể. Ban ngày chú Văn nhận sửa cho khách vãng lai. Rất dễ phân biệt đâu là khách lạ, đâu là khách quen khi đến đây, khách quen đôi khi ghé qua còn chẳng thèm tắt máy xe, để lại giỏ giày kèm câu nói: "Anh Văn xem giùm em, tuần sau em đi ngang em ghé lấy" cứ thế tăng ga chạy đi. Đến lúc lấy giày, cứ chìa hình giày là có thành phẩm.
LỜI ĐỒN: "NHÌN MẶT BÁO GIÁ, SỬA GIÀY MẮC NHẤT SÀI GÒN"
Những ngày cuối năm, cả gia đình "không thân thích" vội vã thu gom đồ nghề. Trong không gian chật hẹp ấy, mỗi người bưng một hộp cơm ăn như vừa bỏ bữa sáng.
Đắt khách và được lòng giới chơi đồ hiệu ở Sài Gòn là thế, thế nhưng câu chuyện chú Văn mang tiếng là "nhìn mặt báo giá" không phải là không có, nhất là khi sư phụ giày này nhận cả hàng hiệu của dân sành chơi giày và cả những đôi giày rất bình thường trên thị trường.
Nhìn số giày trị giá cũng vài trăm triệu nằm dài trên lề đường chờ qua tay chú Văn chỉnh sửa
"Khách của chú thường không kì kèo. Một đôi giày da thật chú đóng nhiều khi chỉ cần báo giá 1 lần. Giá thì tuỳ đôi 500 có, 700 có, hơn 1 triệu cũng có. Giỏ xách cũng vậy, khách muốn thì đưa mẫu chú báo giá cũng tầm vài triệu mỗi cái vì loại da chú đóng là da thật, kiểu mẫu cũng không có trên thị trường, thành phẩm thế nào khách cảm nhận chứ đảm bảo khách đến đóng 1 lần chắc chắn sẽ có lần 2. Có khách từ miền Tây gửi giày lên đây đóng, có khách từ Bình Dương, Bình Phước,... nhiều lắm", chú Văn nói.
Mỗi đôi giày chú Văn sửa có giá từ 50.000 đồng trở lên tuỳ theo mức độ hư nặng hoặc nhẹ. Câu chuyện chú Văn nhìn mặt báo giá cũng không phải là không có cơ sở. Thế nhưng nhiều người chấp nhận bỏ thêm chút tiền để được đích thân "sư phụ" này tân trang lại đôi giày cho mình.
LÀ CHA CỦA HƠN 10 ĐỨA "KHÔNG RUỘT THỊT": "DẠY NGHỀ KHÔNG LẤY PHÍ MÀ CÒN TRẢ LƯƠNG, NUÔI CƠM, LẤY VỢ CHO TỤI NÓ"
Trên khuôn mặt đen loang lổ bởi những vệt xi đánh giày, chú Văn không ngại bắt đầu câu chuyện về cái "cơ ngơi" vỉa hè đã và đang nuôi sống gia đình chú và cũng là lối thoát cho khoảng chục đứa trẻ bụi đời. Chú Văn kể:
"Ông cha ổng làm cho ông Mỹ - ông chủ tiệm giày ở chợ Bến Thành hồi năm 1975. Từ hồi giải phóng, ông Mỹ bỏ tiệm đi. Cha chú từ thợ làm cho ông Mỹ, ra riêng tới nay. Ngồi ở ngã tư này, kết bạn với xe cộ, bụi đường, mùi keo, mùi da từ thời đó".
Vừa tiếp chuyện chú Văn vừa cầm chiếc boots nữ đóng lại phần đế. Đôi giày chục triệu cũ kỹ tưởng chừng không còn đường sửa nhưng người đàn ông hơn 50 tuổi này chỉ mất khoảng 20 phút.
Chú Văn ít nói, lãng tai nhưng theo ý khách mà hiểu, khách mối ít nhất cũng phải 5 6 năm...
Hiện chỗ của Văn có khoảng 10 thợ đang làm, lớn nhất là chú Văn, tiếp đến là vợ, sau đó là hơn 8 người thợ: "Giày dép, giỏ xách, thắt lưng sửa hết. Làm từ 8h sáng tới 5h chiều. Chiều dọn ở đây rồi về nhà làm tiếp giày của hãng gửi bảo hành, mấy đứa nhỏ thì phụ. Làm ở đây về nhà tối về còn phải làm. Tụi này giờ là thợ rồi, mới vô nuôi cơm nó rồi nó ở với mình. Lớn lên lấy vợ cho tụi nó luôn. Có đứa có lấy vợ có con rồi".
Đám học trò của chú Văn đa phần là những thanh thiếu niên tuổi ngoài 20, điều đáng nói là chúng đã dành cả thời niên thiếu của mình bám trụ với "tiệm sửa giày không cửa" này.
"Chuyện cơm nước, quần áo, chỗ ngủ, sư phụ lo hết. Một tháng sư phụ cho vài triệu, đứa nào còn gia đình thì gửi về cho gia đình, có vợ con thì lo cho vợ con, còn đứa nào một mình thì giữ phòng thân.
Ở đây không có đứa nào lành lặn hết, đứa thì cha mẹ li dị, đứa thì là bụi đời, đứa may mắn lắm thì cha mẹ nghèo nên gửi cho theo sư phụ học nghề. Lớn lớn sư phụ đích thân đi hỏi vợ, giờ người được nhất cũng có vợ, con, công việc khác ổn định".
"May mắn lắm là ba mẹ nghèo nên gửi con đi học", cái may mắn khó tưởng tượng ấy vậy là trở thành cả câu chuyện ở lề đường Lê Thánh Tôn. Bài học ở đời của đám thanh niên này bỗng dưng trở thành thứ quý giá.