Vì sao thí sinh đạt điểm cao 'từ chối' đại học?
Trong khi nhiều thí sinh đang băn khoăn không biết lựa chọn trường đại học nào vì điểm thi tốt nghiệp THPT không đạt như mong muốn thì có không ít thí sinh quyết định đăng ký học nghề.
Cơ hội việc làm lớn
Hiện thí sinh đang thực hiện việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT. Theo quy định, thời gian thực hiện sẽ kéo dài đến 17h ngày 30/7.
Trong khi nhiều thí sinh đã xác định được ngành học, trường học thì có không ít thí sinh đang băn khoăn, lo lắng không biết chọn ngành học nào vì điểm thi tốt nghiệp THPT không đạt như mong muốn.
Nguyện vọng đỗ Trường Đại học Kinh tế hoặc Học viện Tài chính nhưng với số điểm thi tốt nghiệp THPT là 21 điểm, thí sinh Hoàng Ngọc Bích lo ngại rằng, số điểm này không đủ điểm trúng tuyển. Vì thế, Bích đang phân vân, tính toán sẽ đặt nguyện vọng ở ngành học có điểm chuẩn trúng tuyển năm ngoái thấp hơn hay một số trường đại học top dưới.
“Dù không thích ngành học, trường học này nhưng bố mẹ em động viên, trường gì cũng được miễn có tấm bằng, cứ đỗ đại học đi đã rồi sau ra trường tính toán xin việc sau”, Bích chia sẻ.
Số thí sinh có tâm lý như Bích không phải là hiếm. Thể nhưng trên thực tế đã có rất nhiều sinh viên phải bỏ dở việc học hành bởi chọn ngành, chọn trường không đúng với sở thích, năng lực bản thân. Hện nay, tỉ lệ sinh viên học trái ngành, trái nghề hoặc thất nghiệp ngày càng tăng.
Khác với suy nghĩ của Bích, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Đức Anh (Gia Lâm, Hà Nội) đã quyết định đăng ký vào một trường cao đẳng nghề.
Đức Anh cho hay, em đã cân nhắc kỹ khi chọn học nghề và được bố mẹ đồng tình, phần vì phù hợp với năng lực của em, phần vì theo tìm hiểu cơ hội việc cũng rất lớn.
“Nhiều người định kiến học nghề là không có tương lai nhưng thực tế không phải như vậy. Em muốn rút ngắn thời học tập và sớm có được một việc làm ổn định”, Đức Anh nói.
Ở đợt nhập học đầu tiên, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã có gần 700 thí sinh nhập học. Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Lê Danh Quang, Trưởng khoa Công nghệ ô tô cho biết, trong số thí sinh nhập học có rất nhiều thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cao từ 22-26 điểm.
“Một hai năm trở lại đây, việc lựa chọn học nghề hay học đại học được nhiều phụ huynh, học sinh nhận thức rõ hơn khi thực tế có nhiều sinh viên phải cất bằng đại học để đi học nghề. Bởi vậy, nhiều em đã xác định học nghề từ rất sớm. Với các sinh viên này, nhà trường có chính sách học bổng, giảm học phí để động viên các em”, TS Lê Danh Quang thông tin.
"Chạy đua" tuyển sinh
Để thích ứng sự cạnh tranh ngày càng cao với các trường đại học, nhiều trường nghề đã chủ động đổi mới chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, đưa ra nhiều chính sách học bổng; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đây được xem là giải pháp giúp các trường cao đẳng, trung cấp nghề thu hút học sinh.
Năm nay là năm đầu tiên, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội tuyển sinh chương trình tiên tiến. Theo đó, quá trình tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng sẽ được tạo thành 1 vòng khép kín. Thí sinh sẽ được cam kết có việc làm ngay từ khâu nhập học.
“Nhà trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra có việc làm với thu nhập từ 8-20 triệu đồng/tháng và có thể tự tạo việc làm”, đây là thông tin trong thông báo tuyển sinh năm học 2023-2024 của Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội.
Sở dĩ có cam kết công khai này bởi theo Trưởng khoa Công nghệ ô tô Lê Danh Quang, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, có nhiều nghề đạt chuẩn quốc tế. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, nhiều doanh nghiệp thường tuyển dụng sinh viên của trường ngay từ khi các em nhập học năm thứ nhất. Các em vừa được doanh nghiệp trả học phí vừa được thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp và được trả lương.
TS Lê Danh Quang nhận định, hệ thống giáo dục nghề nghiệp muốn cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học, thu hút người học chỉ có cách duy nhất là tạo ra những con người có chuyên môn, năng lực lao động thực tế. Bên cạnh đó là học phí phải được hỗ trợ tối đa như: có các chính sách học bổng, giảm học phí.
Theo TS Lê Danh Quang, xu hướng “nhà nhà vào đại học, người người vào đại học” đang đi ngược với thế giới. Hiện, tỉ lệ người học đại học chiếm 70 % - 80%. Do đó, thị trường lao động ở Việt Nam đang thiếu trầm trọng người tham gia trực tiếp quá trình lao động, sản xuất, tạo ra sản phẩm, đặc biệt người có kỹ năng tay nghề cao.
Từ nhu cầu xã hội, TS Quang khẳng định, người học nghề và có kỹ năng tốt thì không bao giờ lo thất nghiệp. Tuy nhiên, chuyên gia đưa lời khuyên: “Dù lựa chọn bất kỳ môi trường học nào, thí sinh hãy chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường trước khi chọn trường. Sau khi chọn trường yêu thích, các em cũng cần tính đến năng lực tài chính”.