"Vì sao tháng 7 lại mưa ngâu?" và quan niệm dân gian của người Việt về thời tiết trong tháng cô hồn

Xuân Nguyên,
Chia sẻ

Nếu như Thất tịch gắn liền với câu chuyện tình buồn, thì chuyện "ông Ngâu bà Ngâu" của người Việt lại gửi gắm thêm quan niệm dân gian về thời tiết trong tháng cô hồn.

Ngày 7/7 Âm lịch được biết đến phổ biến với cái tên Thất tịch, đôi khi ngày này còn được gọi là Valentine Châu Á hay Valentine phương Đông do nó gắn liền với một câu chuyện cổ tích tình yêu xuất phát từ Trung Quốc. Theo quan niệm này, ngày Thất tịch chính là ngày Ngưu Lang và Chức Nữ gặp lại nhau sau khoảng thời gian xa cách. Ở Việt Nam, quan niệm này cũng rất phổ biến, tuy nhiên trong văn hóa của người Việt, ngày 7/7 Âm lịch còn mang một ý nghĩa khác.

Thất tịch và câu chuyện về mưa ngâu tháng 7 Âm lịch - Ảnh 1.


"Ông Ngâu bà Ngâu"

Nếu như Thất tịch gắn liền với câu chuyện tình buồn, thì "ông Ngâu bà Ngâu" lại gửi gắm thêm quan niệm dân gian về thời tiết trong tháng cô hồn. Trong văn học, sự tích về vợ chồng nhà Ngâu nổi tiếng qua những vần thơ trong bài Vợ chồng Ngâu của Trần Tế Xương, như thế này:

"Tục truyền tháng Bảy mưa Ngâu,

Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.

Một là duyên, hai là nợ,

Mối xích thằng, ai gỡ cho ra.

Vụng về cũng thể cung nga,

Trăm không nghìn khéo chẳng qua mục đồng!"

Kể về chuyện tình dang dở của ông bà Ngâu, cuốn Nếp cũ: Tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ) của tác giả Toan Ánh có nhắc, bà Ngâu vốn xuất thân là con gái của Ngọc Đế, tên Chức Nữ. Nàng Chức Nữ không chỉ có nhan sắc xinh đẹp mà còn giỏi may vá, thêu thùa. Nàng ái mộ chàng trai tên Ngưu Lang, nhưng chàng ta chỉ là một kẻ chăn trâu. Dẫu vậy, chàng Ngưu lại có tài thơ ca, thi phú và cũng rất đỗi yêu thương nàng. Hai người nặng tình với nhau, lại vì thương con gái mà Ngọc Đế tác thành cho đôi trẻ.

Đôi uyên ương cùng nhau trải qua những tháng ngày hạnh phúc, sớm tối bên nhau. Mải mặn nồng tình chàng ý thiếp, đôi vợ chồng quên mất đi công việc của mình. Mặc dù có đôi bàn tay vàng, khéo léo thêu dệt nhưng Chức Nữ đã sớm biếng dệt lười khâu. Chàng Ngâu bỏ bê đèn sách, đến đàn trâu là tài sản lớn cũng chẳng buồn đoái hoài.

Thất tịch và câu chuyện về mưa ngâu tháng 7 Âm lịch - Ảnh 2.


Ngọc Đế biết tin bèn nổi giận, đày hai người ở hai bên bờ sông Ngân Hà và mỗi năm nhờ đàn quạ đen bắc cầu, gọi là cầu Ô Thước, gặp nhau được một lần mà thôi. Sống ở hai bên bờ, chàng Ngưu chăn trâu chăm chỉ đợi ngày tái ngộ người thương, còn Chức Nữ phải may vá dệt lụa để hối lỗi.

Mỗi năm, khi đến ngày 7 tháng 7, hai người được gặp nhau, nước mắt tủi hờn, nhớ nhung cứ thế tuôn trào. Nước mắt ấy rơi xuống hạ giới gây nên những cơn mưa liên tiếp. Người ta gọi đó là mưa ngâu. Tục cũng nói rằng, hôm ấy, dưới trần gian không có quạ vì quạ đã lên sông Ngân Hà bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Theo quan niệm dân gian, khoảng thời gian từ mùng 3 đến mùng 7 thường có các đợt mưa ngắn, đó là nước mắt của vợ chồng Ngâu trong ngày hội ngộ. Từ mùng 8 trở đi đến trung tuần tháng 7 mưa dầm dề hơn, tương truyền là nước mắt chia ly.

"Hàng năm tháng Bảy tới, đôi bên gặp nhau. Gặp nhau nước mắt tràn lời nói, và những dòng nước mắt của đôi bên rơi xuống cõi trần gây nên những ngày mưa liên tiếp: ấy là mưa Ngâu.

Hai bên gặp nhau ngày mồng 7 tháng Bảy, ngày Thất Tịch. 

Tục nói ngày hôm đó ở trần gian không có quạ, quạ đã lên sông Ngân Hà bắc cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau", trích Nếp cũ: Tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ).

Chuyện về mưa ngâu

Nói về thời tiết, cũng lắm cái thú vị. Để phân biệt thời tiết trong năm, từ xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân, ngày này qua tháng nọ, người ta chia một năm làm 24 tiết, những tiết này được gọi là nhị thập tứ khí. Có tiết khí bắt đầu cho những ngày lễ, mỗi lễ đều có nguồn gốc và đánh dấu một điều gì đó trong năm hoặc kỷ niệm một việc gì lớn của đất nước.

Những tiết lễ này phần nào phản ánh phong tục của người Việt, qua đó, thể hiện những tục lệ cổ truyền do ông cha để lại. Đồng thời, lễ tiết này in dấu trong tín ngưỡng của người Việt ta. Chẳng hạn như Tết Nguyên đán là Tết đầu năm, Tết Thanh minh (15 ngày sau tiết Xuân phân, có tục tảo mộ) hay đến tháng 7 Âm lịch, cụ thể ngày 7/7 có lễ Ngâu. Mặc dù lễ Ngâu này không lớn, cũng không có tục lệ gì đặc biệt, nhưng đó lại là thời điểm đánh dấu thời tiết có nhiều thay đổi và hướng người ta nhớ đến một ngày lễ lớn hơn: Rằm tháng 7 (Lễ Trung nguyên).

Thất tịch và câu chuyện về mưa ngâu tháng 7 Âm lịch - Ảnh 3.


Tháng 7 Âm lịch ở miền Bắc là một khoảng thời gian đặc biệt. Tháng 7 Âm lịch mưa nhiều, mưa rả rích suốt ngày nọ tháng kia. Ngoài dân gian có truyền câu tục ngữ "Vào mùng 3, ra mùng 7", ý chỉ mưa sẽ có vào các quãng ngày từ mùng 3 đến mùng 7. Mưa ồn ào, rả rích từng cơn, đột ngột xuất hiện rồi thoắt cái dừng. Có ngày đến ba bốn lượt như vậy. Trong tích thoại của dân gian thì đó là nước mắt vui mừng khi đoàn tụ của vợ chồng Ngâu.

Từ khoảng mùng 8 trở đi đến trung tuần tháng 7 vẫn còn mưa như vậy nhưng thường là cơn mưa nhỏ dầm dề, đôi khi xen kẽ những đợt to. "Nước mắt của vợ chồng Ngâu" nhiều đến mức mưa thành cơn dài, mưa ngập cả phố xá, mưa "thối đất thối cát". Người ta lại gọi đó là nước mắt của chia ly. Tháng có mưa ngâu này có loài niềng niễng đến mùa sinh nở, chúng nhả ra hàng mớ tơ trắng ngần, hòa lẫn với nước mưa, bị gió cuốn, vương vãi khắp nơi. Nhìn cảnh tượng này, thực như trong tích dân gian, những mối tơ này hòa với mưa ngâu như cảnh nàng Chức ngồi quay tơ kéo sợi và khóc vào ngày chia ly vậy.

Nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai cũng nói về mưa ngâu của đất Bắc nghe có chút sầu lắm. "Bắc Việt từ đầu tháng Bảy, mưa thối đất: mưa lai rai, mưa dầm dề, mưa lê thê, và tự nhiên thấy mưa ai cũng não nề là vì không ai bảo ai mà đều biết đó là mưa ngâu". 

Thất tịch và câu chuyện về mưa ngâu tháng 7 Âm lịch - Ảnh 4.


Sau trận mưa, cây cỏ ướt sũng, phố xá ngập nước cho người ta "linh cảm như sắp có một cái gì làm cho ta bứt rứt, làm cho ta tấm tức", "cái mưa gì mà buồn không chịu được", "nó lai rai như muốn cứa vào thần kinh ta, nó tạnh một lát rồi mưa, mưa đều đều trên mái nhà, mưa đều đều trên bụi cây đồi cỏ, có lúc im phăng phắc nhưng có lúc lại trút xuống rào rào, rồi lại mưa đều đều, và cứ mưa như thế hết ngày ấy sang ngày khác, hết đêm nọ đến đêm kia, chán không để đâu cho hết, mà rầu rĩ trong lòng không biết bao nhiêu". Ấy là nỗi nhớ của người con xa quê như Vũ Bằng, ở đất Nam mới thấy mưa ngâu tháng 7 nó không chỉ là mưa, mà nó còn là hương vị của quê hương, nó là mùi quê, nó là nỗi nhớ.

Tháng 7 mưa ngâu sập sùi mà đọc được những dòng thơ côi cút trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du rồi lại nhìn màu trời đang đùng đục thoắt cái kéo sập cái màn mây đen xuống rồi ào ào một trận rả rích thì ai mà chịu cho nổi. Mưa sập sùi dường như còn chưa đủ, khi có gió heo may nữa ấy mới đủ bộ khiến người ta tự nhiên lòng nặng trĩu.

"Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng..."

Cái thời tiết như vậy, làm người ta nghĩ đến tháng 7 của cô hồn, của lễ xá tội vong nhân, của Vu Lan Bồn mà thôi… Chẳng mấy ai còn nhớ đến Thất tịch hay Ngưu Lang Chức Nữ nữa.

Dường như cả tháng 7 Âm lịch người ta hướng về ngày Rằm tháng 7, để họ được thể hiện trọn tấm lòng thơm thảo của con cháu với trời Phật, với tổ tiên và cả sự thương xót với cô hồn dã quỷ.

Chia sẻ