Vì sao sách giáo khoa điện tử ế ẩm?
Về hình thức và nội dung, sách điện tử được thiết kế giống y như sách giáo khoa giấy, tuy nhiên, sách giáo khoa điện tử hiện im lìm 'ế ẩm', ít ai ngó tới.
Thân phận ‘cascadeur’ cho sách in
Trước thực trạng sách giáo khoa bản giấy đang bị thiếu tạm thời như hiện nay, nhiều người cho rằng, tại sao không tìm đến sách giáo khoa điện tử như một giải pháp thay thế.
Có một sự thật, sách giáo khoa điện tử từng nở rộ trong thời kỳ COVID-19, khi các trường học bắt buộc phải dạy học online thì sách giáo khoa điện tử chỉ mang thân phận ‘cascadeur’ (đóng thế) cho sách in.
Năm 2021 khi dịch COVID-19 ở giai đoạn đỉnh điểm, cùng với việc đầu năm thiếu sách khi sách in chưa được phân phối đủ đến các trường, sách giáo khoa điện tử là một lựa chọn cho rất nhiều giáo viên, học sinh trên khắp cả nước. Vì thế, chỉ cần truy cập đường link https://hanhtrangso.nxbgd.vn, độc giả có thể chọn các bộ sách giáo khoa theo nhu cầu từ lớp 1 cho đến lớp 12.
Tuy nhiên, khi ở thời đại mà truyền thông nói ra rả về cách mạng 4.0 thì có một thực tế đau lòng, nhiều phụ huynh và học sinh khi được hỏi về sách giáo khoa điện tử đều tỏ ra khá ngơ ngác về sự tồn tại của loại hình này. Các trường học cũng hầu như không có chương trình học nào liên quan đến việc học online hay sử dụng sách giáo khoa điện tử.
Cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên một trường THCS ở ngoại thành, Hà Nội) cho rằng, cô biết sự tồn tại của sách giáo khoa điện tử. Tuy nhiên, nếu không có dịch COVID-19 năm ngoái với sự thiếu sách khoa học tự nhiên đầu năm thì cô chẳng bao giờ ngó ngàng tới sách giáo khoa điện tử.
Cô Hương cũng thừa nhận, về hình thức và nội dung, sách điện tử được thiết kế giống y như sách giáo khoa giấy, kèm thêm những tính năng thuận tiện như làm bài tập trực tiếp, phóng to hoặc thu nhỏ trang sách, sử dụng các phương tiện hỗ trợ khác để hấp dẫn hơn. Nhưng mấy chục năm qua, cả cô và học trò đều chỉ chăm chăm vào sử dụng sách bản giấy mà không sử dụng sách giáo khoa điện tử bao giờ trừ trường hợp đầu năm chưa mua được sách.
Giải thích về sự “ế ẩm” của sách giáo khoa điện tử với học sinh và cả ở giáo viên, cô Hương cho rằng, do thói quen sử dụng sách giấy. Và một khi có đủ sách giấy thì độc giả sẽ không bao giờ nhớ tới sách giáo khoa điện tử.
Là một nhà quản lý, cô Đỗ Thị Ngọc Minh, hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, nếu như có sách điện tử thì tốt hơn nhiều vì học sinh có thể mở rộng thêm được kiến thức, tiếp cận được lượng kiến thức vô biên như hiện nay.
Theo cô Minh, dù tốt như vậy nhưng ở nước ta sách giáo khoa điện tử ế ẩm và luôn nhận được sự thờ ơ của độc giả là vì nhiều giáo viên 7x hay 8x chắc chắn có ít thói quen đọc sách điện tử.
“Thử xem nếu như học sinh, giáo viên tiếp cận với sách giáo khoa điện tử cần phải có máy tính nối mạng và kĩ năng sử dụng internet. Ở các tỉnh thành lớn như ở Hà Nội, TP.HCM trong dịch COVID-19 đến máy tính học còn thiếu nhiều thì lấy đâu các tỉnh khác khó khăn hơn đủ trang bị cho từng học sinh một thiết bị để sử dụng sách giáo khoa điện tử được. Nên việc thay đổi thói quen sử dụng này còn khó khăn trăm bề”- vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.
Mặt khác theo bà Minh, cùng với việc coi sách giáo khoa ở mình như là pháp lệnh. Một lí do nữa là chính giáo viên và học sinh đều không có thói quen đọc sách, tìm tòi kiến thức nên việc sách giáo khoa điện tử tồn tại chẳng để làm gì nếu đã có đủ sách giấy.
Lâu dài nên có sách điện tử?
Về vấn đề sách giáo khoa điện tử có cần trong thời gian tới, GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho rằng, nếu có sách điện tử thì tốt hơn rất nhiều vì học sinh có thể mở rộng thêm được kiến thức, sẽ tiếp cận được rộng rãi mọi đối tượng.
"Tôi nghĩ lâu dài phải có sách điện tử vì ở đó có độ mở lớn hơn và dành cho nhiều đối tượng hơn”- ông Khoái nhấn mạnh.
Về việc trong thời gian tới nên triển khai sách giáo khoa điện tử hay không?, cô Đỗ Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hà Nội) đề xuất, các trường học ở Việt Nam nên duy trì mỗi tuần cố định vài buổi học online để cả giáo viên và học sinh quen dần với sách giáo khoa điện tử.
Tuy nhiên, cô Dung thấy khó có thể áp dụng được một cách đồng loạt hay "một sớm một chiều" vì điều kiện cơ sở vật chất như cần có máy tính nối internet thì nhiều học sinh chưa có trang bị một cách đầy đủ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, một giáo viên đang dạy học ở tỉnh Nara (Nhật Bản) cho rằng, ở trường tiểu học mà cô đang dạy học sinh và giáo viên ai cũng có một chiếc máy tính, có thể học và gửi bài online.
Cũng theo cô Thanh, ở Nhật môn nào, ở cấp học nào cũng có sách điện tử, có soạn sẵn slide để giáo viên chỉ cần dạy. Các tiết học vẫn dùng song song cả sách giáo khoa giấy và điện tử. Việc dùng cả hai loại hình sách này ở mức độ vừa phải cũng không lạm dụng, được phân bổ một cách khoa học.
Cô Thanh cho rằng cô thấy việc sử dụng sách điện tử rất có ích. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì theo cô sẽ rất khó áp dụng vì rất khó có đủ điều kiện trang bị cho mỗi học sinh một máy tính hoặc máy tính xách tay.
"Ở Việt Nam tính bảo mật còn kém nên việc phổ cập sách điện tử sẽ không phát huy tác dụng. Mặt khác, sách giáo khoa ở Việt Nam đang cải cách, chỉnh sửa nhiều nếu bây giờ làm đồng loạt e rằng lại gây lãng phí" - cô Thanh nêu quan điểm.