Vì sao quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 không đi du học Úc?

Hoàng Yên,
Chia sẻ

Mặc dù có suất học bổng du học Úc, nhưng quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19, Trần Thế Trung gây bất ngờ khi không đi du học Úc.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 là ai?

Vào sáng 15/9/2019, trận chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19 diễn ra với sự góp mặt của Trần Thế Trung (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Hải Đăng (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa), Nguyễn Bá Vinh (THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ) và Đoàn Nam Thắng (THPT chuyên Nguyễn Du, Đăk Lăk).

Với số điểm 245, Trần Thế Trung đã vượt qua 3 đối thủ còn lại, suất sắc giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19. Là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19, Trần Thế Trung giành được suất học bổng trị giá 35.000 USD. Trung cũng là thí sinh Nghệ An đầu tiên vô địch Olympia.

Vì sao quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 không đi du học Úc? - Ảnh 1.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19. Ảnh: Dân Trí

Vì sao quán quân Olympia không đi du học Úc

Sau khi trở thành quán quân Olympia, Trần Thế Trung lựa chọn không đi du học Úc mà ở lại Việt Nam. Hiện Trần Thế Trung đang là sinh viên năm cuối ngành thiết kế ứng dụng sáng tạo của Trường ĐH RMIT Việt Nam (cơ sở Hà Nội). Đây là ngành học mà Trung yêu thích từ những năm còn ở bậc THPT.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, quán quân Olympia 2019 từng cho biết: “Mình cũng từng chọn theo học ngành thiết kế đồ họa ở Trường ĐH Swinburne (Úc) nhưng học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau học kỳ 1, mình cảm thấy không phù hợp với ngành này nên quyết định dừng việc học”.

Tháng 6/2021, Trần Thế Trung quyết định rút hồ sơ ở Trường ĐH Swinburne và nộp vào Trường ĐH RMIT Việt Nam. Trung trang trải học phí bằng mức tiền thưởng dành cho Đường lên đỉnh Olympia trị giá 35.000 USD.

“Mình thấy học ở trong nước cũng tốt, Nếu mình cố gắng thì ở đâu cũng sẽ có cơ hội, quan trọng là bản thân biết chủ động nắm lấy hay không”, Trung nói.

Quán quân Olympia cho rằng, tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là ước mơ, đam mê của giai đoạn phổ thông. Trung suy nghĩ rằng bản thân bỏ lại phía sau ánh hào quang của cuộc thi để tiếp tục chinh phục mục tiêu khác trong cuộc sống.

“4 năm qua, mình học được rất nhiều thứ. Việc tham gia nhiều hoạt động ở môn bóng rổ và cờ Shogi, mình cảm thấy bản thân đang dần thoát khỏi "cái bóng" của một nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2019. Mình mong muốn một cuộc sống đúng nghĩa, chứ không phải theo kỳ vọng của bất kỳ ai”, Trung từng chia sẻ.

Vì sao quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 không đi du học Úc? - Ảnh 2.

Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 không đi du học Úc

Được biết, ngoài việc đam mê học tập và trau dồi kiến thức, Thế Trung cũng có tình yêu đặc biệt với môn bóng rổ. Thế Trung chơi bóng rổ khi còn là học sinh lớp 7 và gắn bó với bộ môn thể thao này cho đến bây giờ. Ngoài ra, Trung cũng hứng thú với công việc trọng tài và tìm hiểu luật bóng rổ quốc tế. Với trình độ tiếng Anh đạt 8.0 IELTS, Trung từng dịch luật thi đấu bóng rổ 3x3 do Liên đoàn Bóng rổ thế giới công bố. Thời gian vừa qua, Thế Trung tham gia làm trọng tài điều hành một số giải đấu bóng rổ có quy mô lớn tại Hà Nội như Hanoi Basketball Championship 2022, giải bóng rổ 3x3 sinh viên Hà Nội 2022, giải bóng rổ sinh viên toàn quốc 2022 khu vực miền Bắc.

Ngoài tham gia môn bóng rổ, Trung đang đảm đương vai trò Phó chủ tịch câu lạc bộ Shogi tại Việt Nam. Trung cùng với các bạn trong câu lạc bộ cố gắng phát triển cộng đồng người chơi bộ môn này thời gian tới.

Nói về dự định trong tương lai, Thế Trung cho biết: “Mình cố gắng hoàn thành chương trình đại học với một kết quả tốt, tìm được công việc ổn định, theo đuổi đam mê bóng rổ, phát triển môn cờ Shogi để mọi người biết đến nhiều hơn”.

Chia sẻ