Vì sao nhiều người vẫn ham "thùng quà chứa nhiều tiền"?
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo tinh vi trên mạng, trong đó có việc tặng thùng quà chứa nhiều tiền, kim cương nhưng vẫn có người sập bẫy.
Là một nạn nhân trong vụ lừa đảo qua mạng, đến nay anh N.T.L. (SN 1993, quê Hậu Giang) đã thấm thía: "Không có gì là cho không, biếu không. Vạn sự trên đời đều có nguyên nhân của nó, mình sập bẫy và mất tiền là do mình tham lam thôi".
Giấy tờ được làm giả một cách dễ dàng
Trước đó, thông qua mạng xã hội Facebook, anh nhận được lời mời kết bạn của một người nước ngoài giới thiệu quốc tịch Anh. Một thời gian nói chuyện qua lại, anh L. được bạn hứa gửi về Việt Nam một thùng hàng có điện thoại, nước hoa và một phong bì 20.000 USD.
Tiếp đấy, một phụ nữ gọi cho L. yêu cầu đóng 18,3 triệu đồng tiền phí. Nghĩ bỏ ra 18,3 triệu đồng sẽ nhận được số tiền gần nửa tỉ quá hời nên anh L. không do dự chuyển khoản. Sau khi chuyển xong số tiền này, "người bạn Anh quốc" khóa Facebook còn nhân viên giao nhận cũng không thể liên lạc nên anh báo công an.
Đây là một trong số ít các vụ án mà lực lượng công an tìm ra được kẻ lừa đảo. Thông thường khi các nạn nhân vừa chuyển tiền, đối tượng đã nhanh chân rút sạch hoặc chuyển đi nhiều tài khoản khác để xóa dấu vết.
Vào cuộc điều tra, Công an TPHCM đã truy ra đường dây này do O.C.T. (SN 1989, quốc tịch Negeria) cầm đầu. O.C.T. có cả hệ thống chân rết làm thẻ ngân hàng, rút tiền và gọi điện cho các nạn nhân.
Công an TPHCM xác định O.C.T. đã chiếm đoạt gần 1,9 tỉ đồng của các nạn nhân thông qua 7 tài khoản ngân hàng. Đáng chú ý, trong vụ án này không chỉ các quý bà mà nhiều quý ông cũng nhẹ dạ, cả tin và ham quà tặng bị lừa số tiền lớn.
Cay đắng hơn, bà N.T.T.T. (SN 1967, ngụ TPHCM) đã mất toàn bộ số tiền dành dụm cả đời không dám tiêu xài.
Bà T. được một người tên Henry (quốc tịch Anh) gởi lời mời kết bạn trên Facebook và sau đó bà được người này ân cần hỏi thăm chuyện gia đình cũng như cuộc sống ở tuổi xế chiều.
Băng lừa đảo "câu" nạn nhân bằng những hình ảnh lừa đảo
Henry nói cuộc sống ở Anh quốc buồn chán, không còn người thân nên muốn đến Việt Nam kết hôn với bà T., đồng thời hứa sẽ gửi cho bà một thùng quà gồm những vật dụng có giá trị như trang sức, đồ điện tử... và nói bà cung cấp chứng minh nhân dân, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.
Nhiều ngày sau đó, một số đối tượng gọi điện nói có người tên Henry ở Anh gửi tặng bà T. thùng quà nhưng bên trong thùng quà chứa nhiều tiền nên yêu cầu bà chuyển phí hải quan.
Tưởng thật, bà T. đã 9 lần chuyển vào tài khoản chỉ định cho một đối tượng tên Hua Can Yen số tiền hơn 3 tỉ đồng. Ngoài ra, bà còn chuyển vào tài khoản khác cho Hua Can Yen 435 triệu đồng. Tổng cộng, bà T. đã 11 lần chuyển với số tiền 3,5 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM) nhìn nhận hầu hết các nạn nhân của những vụ án này là những người có dư dả tài chính nhưng thiếu thốn tình cảm, sống một mình muốn tìm người bầu bạn tâm sự.
Biết được tình trạng ấy, nhiều tội phạm đã đánh vào tâm lý của họ, thường xuyên tâm sự và hỏi han những khó khăn trong cuộc sống. Khi tình cảm bắt đầu chín muồi, các đối tượng này chuyển hướng sang vật chất với những hứa hẹn về tiền bạc, cưới hỏi khiến nạn nhân "sập bẫy".
Công an TPHCM khuyến cáo "bẫy tình" trên mạng
Công an TPHCM nhấn mạnh các đối tượng lừa đảo hay đóng giả thành người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội (bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ...), đưa các hình ảnh giới thiệu là thương gia đang sinh sống tại nước ngoài hoặc quân nhân đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria...
Sau đó, đối tượng ngỏ ý làm quen, kết bạn, hứa hẹn kết hôn trên các trang mạng xã hội; làm quen, kết bạn, hứa kết hôn và bảo lãnh đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà... có giá trị lớn (trong đó có nhiều tiền, vàng...) để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư kinh doanh...
Tiếp đến, khi nạn nhân tin tưởng, băng nhóm tội phạm sẽ cho người đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ... thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị nên phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót.
Sau đó các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền rồi bọn chúng rút ra để chiếm đoạt.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội.
Đồng thời, không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế...; tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng trên dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển tiền, thì báo ngân hàng phong tỏa ngay).