Vì sao mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa và sự khác biệt trong mâm cỗ truyền thống 3 miền

K.P,
Chia sẻ

Không chỉ là món ngon cho gia đình sum họp mà mâm cỗ Tết còn thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên.

Một trong nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực ngày Tết của người Việt chính là mâm cỗ Tết. Ở mỗi vùng miền do điều kiện địa lý, thói quen ăn uống khác nhau mà lại có những cách bày mâm cỗ Tết khác nhau. 

Vậy mâm cỗ Tết truyền thống gồm những gì, bạn đã biết chưa? Cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa các mâm cỗ truyền thống trong ngày Tết ở 3 miền đất nước.

1. Mâm cỗ Tết truyền thống miền Bắc

Mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc theo lệ là 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… tượng trưng cho phát lộc, phát tài.

Vì sao mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa và sự khác biệt trong mâm cỗ truyền thống 3 miền - Ảnh 1.

Bốn bát gồm có bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, bát canh bóng thả nấm, bát miến, bát chim hầm. Bốn đĩa gồm có đĩa xôi gấc, đĩa giò lụa/ đĩa thịt nấu đông, đĩa nem rán, đĩa thịt gà luộc. 

Mâm cỗ miền Bắc không thể thiếu thêm đĩa bánh chưng ăn kèm với dưa hành muối. 

Với mâm cỗ Tết, việc trình bày cũng không thể qua loa, các món ăn đều được bày biện khéo léo và đẹp mắt. 

Vì sao mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa và sự khác biệt trong mâm cỗ truyền thống 3 miền - Ảnh 2.

Ví như, đĩa xôi gấc đỏ tươi được nén gọn gàng, như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới. Các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. 

Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 Tết và năm mới). Cái rét lạnh đặc trưng vào mùa đông của miền Bắc cũng khiến những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món ăn gắn liền với mâm cỗ ngày Tết. 

2. Mâm cỗ Tết truyền thống miền Trung

Miền Trung khí hậu khắc nghiệt nên văn hóa ẩm thực cũng giản dị hơn và đặc biệt chú trọng đến khả năng bảo quản thực phẩm.

Vì sao mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa và sự khác biệt trong mâm cỗ truyền thống 3 miền - Ảnh 3.

Những món mặn gồm có thịt gà tiềm hạt sen, thịt heo hầm, tôm rim, măng khô xào thịt, thịt heo hoặc thịt bò ngâm nước mắm, chả bò... 

Ngoài ra phải kể đến các món cuốn, hay món trộn khai vị giúp món ăn bớt ngấy. Và Bánh Tổ được cho là chiếc bánh không thể thiếu của người miền Trung dâng lên ông bà, tổ tiên, những người đã phù hộ cho "khúc ruột" quê hương vượt qua những thiên tai khốn khó nhất.

3. Mâm cỗ Tết truyền thống miền Nam

Đối với miền Nam, mâm cỗ không có bánh chưng mà thay vào đó là những đòn bánh tét được gói kỹ càng, tròn trịa. 

Cũng như bản tính dân dã, giản dị của người miền Nam mà mâm cơm cúng nơi đây có phần giản đơn hơn.

Vì sao mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa và sự khác biệt trong mâm cỗ truyền thống 3 miền - Ảnh 4.

Vậy nhưng những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ miền Nam bao gồm thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, lạp xưởng, dưa kiệu, dưa hấu. 

Nghe có phần hơi lạ lẫm, nhưng món canh khổ qua nhồi thịt cực được ưa thích. Bởi trong quan niệm của người phương Nam, món ăn này có ý nghĩa giống như cái tên của nó – mong cho cái khổ mau qua đi. 

Tạm kết:

Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến nhiều gia đình không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. 

Thế nhưng những mâm cỗ ấy vẫn luôn là biểu tượng của lòng thành kính thiêng liêng dâng lên tổ tiên và hình ảnh đại gia đình quây quần bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết luôn là hình ảnh đẹp và sẽ còn mãi theo thời gian.

Chia sẻ