Vì sao cứ sau Tết Trung thu là tỷ lệ ly hôn tại Hàn Quốc lại tăng vọt?
3 ngày Tết Trung thu đôi khi là "cơn ác mộng" của nhiều người ở xứ sở kim chi.
Sau khi dành 3 ngày nghỉ lễ với gia đình vào dịp Chuseok (Tết Trung thu), người dân Hàn Quốc vừa no bụng vì ăn uống tiệc tùng, vừa mệt mỏi vì phải di chuyển nhiều. Và rồi nhiều người cũng ly hôn.
Tỷ lệ ly hôn tăng vọt sau Trung thu
Hàng năm ở Hàn Quốc, số lượng đơn ly hôn được nộp lên tòa án vào tháng 3 và tháng 10 luôn tăng so với những tháng trước đó. Sự gia tăng có thể dự đoán được này không phải do thời tiết thay đổi mà là do đây là những tháng sau hai ngày lễ quốc gia lớn nhất của Hàn Quốc: Chuseok (Tết Trung thu) và Seollal (Tết Nguyên đán).
Trong khi một số người coi những kỳ nghỉ này là dịp tuyệt vời để nghỉ ngơi cũng như đoàn viên với gia đình, thì có thể nó lại không mấy vui vẻ với nhiều người đã kết hôn, nhất là phụ nữ. Họ coi 3 ngày Trung thu này là một truyền thống phân biệt giới tính và áp bức, không thích nghi được với xã hội đang thay đổi.
“Cuộc chiến gia đình” diễn ra khi mọi người phải “nhồi nhét” hai cuộc họp mặt gia đình lớn và một bữa cỗ quá phức tạp, gọi là charye để cúng tổ tiên, tất cả gói gọn trong 3 ngày.
Điều gì đã biến thời điểm vui vẻ và ăn mừng này thành cuộc chiến giữa các giới tính và thế hệ?
3 ngày ác mộng của phụ nữ Hàn Quốc
Những người theo chủ nghĩa truyền thống cho rằng theo thông lệ, các gia đình sẽ tụ họp với gia đình bên chồng trước, sau đó mới đến gặp gia đình bên vợ. Trong khi đó, nhận thức ngày càng tăng về quyền bình đẳng đã khiến những người vợ đòi hỏi sự đối xử giống như bạn đời của mình.
Đối với một gia đình Hàn Quốc điển hình gồm cha mẹ và con cái, việc họ đến thăm nhà ông bà nội vào ngày trước lễ Chuseok và nghỉ qua đêm được coi là bình thường.
Những người phụ nữ sẽ chuẩn bị hàng chục món ăn cho cỗ charye, trong khi đàn ông và trẻ em chỉ việc thưởng thức mâm cơm thịnh soạn đã được những người phụ nữ bận rộn trong bếp chuẩn bị.
Vào ngày lễ, nghi lễ charye được tổ chức vào buổi sáng và đồ ăn được phục vụ cho mọi người vào bữa trưa. Chỉ sau khi dọn dẹp xong bàn ăn và rửa bát đĩa, các bà vợ mới bắt đầu nghĩ đến việc đi thăm họ hàng bên ngoại.
Vì họ không phải chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn tại nhà ngoại, nên cặp đôi hoặc gia đình thường trở về nhà vào đêm Chuseok sau bữa tối và sau đó dành ngày cuối cùng của kỳ nghỉ để nghỉ ngơi tại nhà.
Một bàn charye thông thường cần ít nhất hai chục món ăn khác nhau được phục vụ theo các quy tắc tỉ mỉ dựa trên màu sắc, thành phần và giới tính của tổ tiên được thờ cúng.
Một bàn ăn đủ tiêu chuẩn phải có: 5 món chiên ngập dầu phủ trứng, 2 loại cá hấp khác nhau, 5 loại namul (rau nêm gia vị), cơm, súp, 5 loại trái cây có màu sắc khác nhau và 2 món tráng miệng khác nhau, 1 đĩa tteok (bánh gạo) mới làm, đồ uống và sikhye (đồ uống gạo ngọt truyền thống) cũng cần được chuẩn bị.
Sau đó, các món ăn được bày theo các quy tắc bao gồm: thịt ở phía tây và cá ở phía đông; đuôi cá hướng về phía tây và đầu hướng về phía đông; namul ở phía tây và kimchi ở phía đông; quả đỏ hướng về phía đông và quả trắng hướng về hướng tây. Bộ thìa và đũa được bày ở đầu đối diện của bàn. Một bàn cỗ charye được chuẩn bị vào bữa sáng của ngày Chuseok hoặc Seollal. Việc chuẩn bị cho nó mất nhiều ngày, từ việc mua nguyên liệu đến nấu nướng, bày biện hai chục món.
Vấn đề lớn nhất là phụ nữ phải chuẩn bị tất cả để làm cỗ charye, đồng thời cũng phải chăm lo mọi thứ khác cho mọi người khác, bao gồm cả việc nấu mọi bữa ăn còn lại trong kỳ nghỉ lễ, kiêm luôn việc rửa bát dọn dẹp.
Trong thời gian này, đàn ông không được yêu cầu tham gia và thường dành thời gian uống rượu cùng nhau trong phòng khách. Ngày nay, nhiều đàn ông đã cố gắng hỗ trợ trong bếp, nhưng người vợ, người con dâu vẫn được kỳ vọng sẽ đảm đương chính.
Không ai vui vẻ
Đối với phụ nữ Hàn Quốc, những nghi thức truyền thống mất cân bằng phải xoay quanh đàn ông khiến họ mệt mỏi. Trong khi đối với đàn ông, gánh nặng tài chính trở thành nguồn cơn căng thẳng của họ.
Trong khi phụ nữ được yêu cầu dành kỳ nghỉ của mình trong bếp, thì đàn ông thường là người chịu trách nhiệm lái xe và lo chuyện xã giao, đi thăm hỏi họ hàng.
Vào kỳ lễ lớn như Trung thu, giao thông trở thành cơn ác mộng khi mọi người phải dành nhiều giờ mắc kẹt trên những con đường cao tốc. Trung thu năm 2023, có khoảng 8,15 triệu người ra đường vào ngày 29 tháng 9, theo Viện Giao thông Hàn Quốc.
Tình trạng tắc nghẽn và số lượng lớn ô tô kéo dài thời gian lái xe gấp đôi, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Vào ngày lễ Chuseok, dự kiến sẽ mất 10 giờ để lái xe từ Seoul đến Busan, gấp đôi thời gian trung bình.
Người Hàn Quốc thực sự ly hôn nhiều hơn sau lễ Trung thu hoặc Tết Nguyên đán. Năm 2022, số vụ ly hôn tăng vọt từ 7.100 vào tháng 2 lên 7.900 vào tháng 3 sau Seollal. Đối với lễ Chuseok, diễn ra vào ngày 10 tháng 9, số vụ ly hôn là 7.500 rồi tiếp tục tăng vọt lên 8.500 vào tháng 11. Đây là thống kê theo báo cáo về số lượng các cuộc hôn nhân và ly hôn năm 2022 do Cục Thống kê Hàn Quốc công bố.
Theo dữ liệu do cơ quan thống kê biên soạn từ năm 2012 đến năm 2021, số vụ ly hôn trung bình thường tăng theo tỷ lệ phần trăm cao nhất từ tháng 2 đến tháng 3 và từ tháng 9 đến tháng 10.
Mặc dù lý do tại sao các cặp đôi ly hôn không được nêu rõ và khẳng định, nhưng nhiều cuộc khảo sát đã cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về câu chuyện này.
Theo 1 cuộc khảo sát năm 2019, hơn một nửa trong số 1.004 người được hỏi cho biết họ cảm thấy căng thẳng với lễ Chuseok và Seollal. 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ lo lắng về số tiền phải chi trong kỳ nghỉ lễ - cho thực phẩm, xăng và tiền tiêu vặt cho cháu trai, cháu gái và cha mẹ - tiếp theo là 44,4% phụ nữ đã kết hôn cảm thấy không thoải mái vì cha mẹ chồng. Lý do thứ ba là việc chuẩn bị cho bàn tiệc cúng rất tốn kém, chiếm 38,9%.
Một cuộc khảo sát do các công ty môi giới hôn nhân Only You và Bien Aller thực hiện từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 9 năm 2024 đã hỏi 264 người đàn ông đã ly hôn trong độ tuổi 35-75 và 264 phụ nữ đã ly hôn trong độ tuổi 33-65. Kết quả cho thấy 28% số phụ nữ được hỏi cảm thấy căng thẳng nhất khi mẹ chồng cũ hỏi: "Năm nay khi nào con về dự lễ Chuseok?".
Theo Viện Y học Gia đình Hàn Quốc, các căng thẳng này gây ra cả triệu chứng về tinh thần lẫn thể chất ở phụ nữ.
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức rõ ràng về quyền bình đẳng, các chuyên gia cũng kêu gọi đơn giản hóa các nghi lễ truyền thống như làm cỗ charye để những dịp lễ Chuseok và Seollal thực sự có thể mang lại niềm vui thay vì căng thẳng.
Theo Cho Eun-suk, giáo sư phúc lợi gia đình tại Đại học Sangmyung, một điểm quan trọng khác là chấp nhận những thay đổi của xã hội và tham gia vào một cuộc thảo luận cởi mở, thân thiện xung quanh hiện tượng mới, thay vì coi tất cả đều là tiêu cực.
"Không phải Chuseok hay Seollal là vấn đề - vấn đề đã tồn tại từ lâu đối với các gia đình xung đột với nhau", cô nói. "Mọi người ngày nay dành kỳ nghỉ lễ theo nhiều cách khác nhau, vì vậy thật sai lầm khi nói rằng chính những dịp này là vấn đề. Vấn đề không phải là ai đến nhà nào trước hay ai làm việc nhà nào khi nào, mà mọi người nên học cách giao tiếp theo cách không làm tổn thương nhau và lắng nghe nhau".
Nguồn: Korea Joongang Daily