Vì sao cụ già tàn tật 95 tuổi bị bê ra đường trong đêm mưa rét?
Đã 2 đêm nay, cụ bà 95 tuổi phải nằm ngoài đường trong cái lạnh buốt của tiết trời Hà Nội những ngày giáp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân xuất phát từ việc nợ nần của con cái.
Cảnh "màn trời chiếu đất" của cụ bà 95 tuổi
Trong cái lạnh buốt của Hà Nội những ngày Tết Nguyên đán cận kề, hình ảnh cụ Nguyễn Thị Cúc (95 tuổi) nằm trước cửa số nhà 21 Ấu Triệu (Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ với cái bạt che, chiếc chăn mỏng… khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Đã hai đêm nay, cụ Cúc nằm ngoài đường trong tình trạng như thế.
22h ngày 11/02, khi chúng tôi có mặt tại đây, cụ Cúc vừa uống xong viên thuốc trợ tim. Đôi mắt cụ thỉnh thoảng lại mở như để cố nhìn ai đang tới thăm mình, rồi cụ nằm im lặng mặc cho những cơn gió lạnh lùa qua tấm nilon quây xung quanh.
Toàn cảnh khu vực cụ Cúc đang nằm trước cửa số nhà 21 Ấu Triệu.
Cố đút cho bà những thìa cháo nóng, chị Nguyễn Thị Hương Giang (cháu dâu ngoại) không kìm được những giọt nước mắt khi chứng kiến cảnh Bà đã ở cái tuổi xế chiều lại chịu cảnh màn trời chiếu đất.
“Gia đình tôi có 5 người sống tại ngôi nhà 21 Ấu Triệu. Do một số tranh chấp mà giờ cả 5 thành viên đều không có nhà ở, cứ quanh quẩn ngoài đường.
Đau xót nhất là bà đã 95 tuổi, bị bệnh tim, cứ lên cơn đau tim là ngất, chân phù nề, bà bị liệt hơn 1 năm nay rồi, không đi lại được nhưng các đối tượng kia vẫn không chút tình người đưa bà ra nằm ở đây rồi khóa cửa nhà lại.
Giờ có hỏi gì bà cũng chỉ gật hoặc lắc đầu.
Gia đình cũng đưa bà đi chỗ khác nghỉ ngơi, nhưng có lẽ ngôi nhà này đã gắn bó với bà quá nhiều năm nên bà nhất định không đi mà chỉ biết gào khóc và nằm lại đây.
Dù có bất kỳ chuyện gì đã có pháp luật giải quyết. Nếu chỉ vì vài tỉ đồng mà mất đi cái nhà trị giá lên tới hơn 20 tỉ và đẩy cụ già gần 100 tuổi ra đường là không đáng” – chị Giang bức xúc.
Gương mặt khắc khổ của người phụ nữ đã ở cái tuổi gần đất xa trởi nhưng phải chịu nghịch cảnh xót xa.
"Tôi hối hận lắm!"
Là người trực tiếp cầm giấy tờ ngôi nhà 21 Ấu Triệu để vay nặng lãi và giờ chứng kiến cảnh người mẹ của mình phải ngủ lại trên vỉa hè, bà Hoàng Thị Trung Thu nói rằng mình rất hối hận.
Cũng đã hơn một ngày kể từ khi ngôi nhà của anh trai và mẹ bị đập phá tài sản, cảnh người thân bơ vơ không nhà cửa, bà Thu cũng không chợp mắt được phút nào.
Lo cho sức khỏe mình thì ít, bà lo nhiều cho người mẹ đang nằm co ro trong chiếc chăn bông đã cũ được mọi người nhượng lại.
Bà Cúc nằm co ro trong cái lạnh. Nhiều người khuyên bà vào nhà họ để nghỉ tạm nhưng bà nhất định không đi.
“Sự việc xảy ra quá bất ngờ. Đêm 10/2, mẹ tôi nằm ở đây còn không có bạt che, mãi sáng ra mọi người khi biết chuyện mới hô hào nhau mang bạt, mang chăn ra. Nhìn mẹ mà xót xa lắm.
Họ thực sự quá dã man với người già. Mà xưa nay, ở khu phố này, mẹ tôi sống hiền lành và không gây ra bất kỳ điều tiếng gì.
Bản thân những người trẻ còn không chịu được cái lạnh này huống chi một cụ già đã ở cái tuổi gần đất xa trời thì liệu cứ nằm đây, sương gió như thế bà có chịu được không” – nói rồi bà Thu nghẹn lại như cố ngăn những giọt nước mắt.
“Tôi hối hận lắm. Có chết tôi cũng không nhắm mắt được. Có lẽ từ kiếp này sang kiếp khác, tôi cũng không bao giờ trả hết sai lầm này” – bà Thu tự mắng bản thân mình bằng những lời chua chát.
Đôi chân của cụ Cúc bị phù, sưng tấy.
Cái sai lầm mà bà Thu nhắc tới chính là việc bà đã dùng giấy tờ của ngôi nhà mà mẹ bà đang sống để vay tiền làm ăn và dẫn tới nghịch cảnh ngày hôm nay khi bị siết nợ.
Tuy nhiên, theo thông tin bà Thu kể lại với phóng viên, bà đã có tiền trả nợ, nhưng do những vướng mắc từ thủ tục và những chuyển nhượng giấy tờ nên hiện tại thủ tục trả tiền để lấy lại giấy tờ ngôi nhà chưa được giải quyết.
Cũng theo bà Thu, sau thời điểm cụ Cúc bị các đối tượng đòi nợ mang ra đường nằm, cụ không có quần áo để thay, sữa, thuốc không có uống, thức ăn cũng không…
Bởi lẽ, tất cả đang nằm lại trong ngôi nhà khóa trái, cả gia đình lại tất tả đi mua mọi thứ cho cụ, thậm chí đi xin cả sữa.
Hiện tại, cụ Cúc phải dùng nhiều loại thuốc.
“Bây giờ, niềm mong mỏi của gia đình tôi là làm sao mở cửa cho mẹ tôi vào nhà. Cứ như thế này bệnh mẹ càng nặng thêm. Từ lúc sự việc xảy ra, mẹ chỉ biết tủi thân nằm khóc. Tôi cảm nhận được điều ấy.
Sai đâu đã có pháp luật và tòa án xử lý. Tết tới nơi rồi, đừng để mẹ tôi phải sống cảnh thế này ” – bà Thu xót xa.
Cả tổ dân phố từ Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ… cho tới các cá nhân đều tới động viên cụ Cúc vào tá túc tại một địa điểm nào đó. Thế nhưng, cụ không đi mà chỉ gào khóc. Đó là tâm sự của bà Thu Hòa (tổ trưởng tổ dân phố 18, phường Hàng Trống).
Bà Hòa cũng là hàng xóm thân thiết, nhà đối diện với số nhà 21 Ấu Triệu.
“Tối qua trời mưa lạnh, cụ nằm ở đây mà chúng tôi buốt hết ruột gan. Chúng tôi cũng tới khuyên cụ, đưa cụ vào Trạm y tế phường nằm nghỉ. Nhưng cụ không đi mà chỉ khóc đòi ở lại.
Vì với cụ, đây là nhà, là tài sản mà gia đình cụ đã gây dựng từ bao năm nay.
Giờ chúng tôi cũng hỗ trợ gia đình từ thức ăn, nước uống, thậm chí cả máy sưởi cho cụ. Tuổi cụ đã quá cao rồi. Nhiều lần thấy cụ chảy nước mắt mà tôi cũng không kìm lòng được” – giọng bà Hòa lạc đi khi nói về hoàn cảnh thương tâm của cụ Cúc.
Và, mỗi người đều không biết cụ sẽ còn phải nằm lại đây bao nhiêu lâu nữa.
Trước đó, một số người dân xung quanh kể lại, khoảng 10h30 ngày 10/2, một số người xuất hiện tại số nhà 21 Ấu Triệu khuân đồ đạc ra ngoài.
Khoảng 4 – 5 thanh niên bế xốc cụ Cúc đưa ra khỏi nhà và đặt nằm ngay trên vỉa hè, phủ nilon lên người.
Cụ Cúc có van xin nhưng các đối tượng vẫn không buông và khóa cửa ngôi nhà cụ đã sinh sống cùng con cháu nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngôi nhà số 21, phố Ấu Triệu trước đây thuộc quyền sở hữu của cụ Nguyễn Thị Cúc.
Năm 2010, cụ Cúc sang tên cho con trai là ông Hoàng Văn Hoan (59 tuổi).