Vì sao CĐV Qatar lại dùng ảnh của Ozil để đáp trả hành động lấy tay bịt miệng của đội tuyển Đức?

Hạ Khương,
Chia sẻ

Có nhiều người cho rằng Ozil chính là nhân tố quan trọng góp phần quyết định cho chiến thắng của Đức ở World Cup 2014.

Trong trận đấu giữa Đức và Tây Ban Nha tại sân vận động Al Bayt tối 27/11 (rạng sáng 28/11 giờ Hà Nội), một nhóm cổ động viên Qatar đã cùng nhau giơ ảnh chân dung Mesut Ozil trên khán đài. Đây được coi là sự đáp trả cho hành động lấy tay che miệng khi chụp ảnh tập thể của đội tuyển Đức trước mỗi trận đấu tại World Cup 2022.

Hành động che miệng của toàn bộ thành viên đội tuyển Đức nhằm tỏ thái độ trước việc Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) không cho phép cầu thủ đeo băng tay mang thông điệp “One Love” - một chiến dịch ủng hộ cộng đồng LGBTQ tại World Cup 2022. Đức là đội bóng có phản ứng mạnh nhất trong các đội tuyển tham dự, thậm chí Liên đoàn Bóng đá Đức còn dọa kiện FIFA.

Quốc gia Hồi giáo Qatar coi LGBTQ là bất hợp pháp, không công nhận hôn nhân đồng giới. Do vậy, tuyên truyền thông điệp về “One Love” ở World Cup 2022 là thiếu phù hợp và mang tính công kích. Nhằm tỏ thái độ bất bình của đội tuyển Đức, cổ động viên Qatar dùng ảnh Mesut Ozil để lên án việc người Đức từng có thái độ phân biệt chủng tộc.

Vậy Mesut Ozil là ai và đã đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc như thế nào?

Mesut Ozil sinh ra ở nước Đức vào năm 1988, trong một gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cả cuộc đời anh đã gắn bó với bóng đá Đức. Mesut Ozil từng khoác áo U19, U21 rồi trở thành trụ cột của đội tuyển Đức. Khi còn đá cho đội tuyển Đức, Ozil cùng đồng đội đã giành được những thành tích đáng chú ý là huy chương đồng World Cup 2010 và cao quý nhất là cúp vàng World Cup 2014. Có nhiều người cho rằng anh chính là nhân tố quan trọng góp phần quyết định cho chiến thắng của Đức ở World Cup 2014.

Vì sao CĐV Qatar lại dùng ảnh của Ozil để đáp trả hành động lấy tay bịt miệng của đội tuyển Đức? - Ảnh 1.

Trên trang cá nhân, Ozil tỏ ra không hài lòng với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Reinhard Grindel và cổ động viên vì hành vi phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, sau màn trình diễn thất vọng của Đức ở World Cup 2018, Ozil lại trở thành người “hứng mũi chịu sào” - anh bị đổ lỗi cho thất bại của đội tuyển, những chỉ trích không chỉ nhắm vào năng lực mà còn nhắm vào xuất thân và chủng tộc của anh. Năm 2018, anh quyết định chia tay đội tuyển Đức. Trên trang cá nhân, Ozil tỏ ra không hài lòng với Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Reinhard Grindel và cổ động viên vì hành vi phân biệt chủng tộc.

“Cách đối xử của Liên đoàn Bóng đá Đức và các bên liên quan khiến tôi không còn muốn khoác áo đội tuyển Đức nữa. Tôi thấy mình như bị ruồng bỏ. Cống hiến của tôi kể từ năm 2009 dường như bị lãng quên hoàn toàn. Được chơi cho đội tuyển Đức từng là vinh dự và tự hào đối với tôi, nhưng giờ thì không còn nữa”, Ozil tuyên bố.

Trước đó, anh còn nhận nhiều chỉ trích khi có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước thềm World Cup 2018. Các cổ động viên Đức và những nhân vật truyền thông có tiếng tại Đức đã nổ ra những tranh cãi dữ dội xoay quanh cuộc gặp này.

Ozil và đội tuyển Đức đã có kỳ World Cup thất bại khi bị loại từ vòng bảng với vị trí cuối. Đức thua Mexico 0-1, thắng Thụy Điển 2-1 và thua Hàn Quốc 0-2. Sau thất bại, Ozil bị Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Grindel quy trách nhiệm trên phương tiện truyền thông. Grindel còn yêu cầu Ozil lý giải hành động chụp ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

“Trong con mắt của Grindel và những người ủng hộ ông ta, tôi là người Đức khi đội tuyển Đức thắng cuộc, còn khi thất bại tôi chỉ là kẻ nhập cư”, Ozil viết.

Vì sao CĐV Qatar lại dùng ảnh của Ozil để đáp trả hành động lấy tay bịt miệng của đội tuyển Đức? - Ảnh 2.

Ozil lên tiếng chỉ trích những bất công nhắm vào mình.

Ozil thừa nhận đưa ra quyết định rất khó khăn, bởi anh luôn cống hiến hết mình cho các đồng đội và trên hết là đội tuyển Đức. Nhưng khi các quan chức cấp cao đối xử không công bằng, không tôn trọng gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ của anh, thậm chí biến điều đó thành thông điệp chính trị, anh quyết định phải rời đi.

“Đó không phải là lý do tôi chơi bóng. Phân biệt chủng tộc không nên được chấp nhận”, cựu tiền vệ khẳng định.

Mesut Ozil và sự phân biệt chủng tộc trong thể thao

Phân biệt chủng tộc từ lâu đã xuất hiện trong thể thao thế giới và càng nhìn thấy rõ khi các tuyển thủ người da màu được “xướng tên” trong các kỳ thi quốc tế. Cầu thủ da màu người Pháp Kylian Mbappe đã bị chỉ trích khi thủ môn người Thụy Sĩ Yann Somer cản phá thành công quả phạt đền của anh trong cuộc đụng độ ở trận Euro 2020. Kết quả khiến đội tuyển Pháp không thể bước tiếp vào vòng trong. Chỉ trích của anti-fan nhắm vào màu da, chủng tộc, xuất thân của anh chứ không nói riêng về thể lực.

Để giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc, nhiều Liên đoàn Bóng đá trên thế giới đã ban hành bộ luật chống phân biệt chủng tộc. Thủ tướng Vương quốc Anh năm 2021, ông Boris Johnson nói rằng những người hâm mộ truyền bá phân biệt chủng tộc trực tuyến có thể bị cấm tham gia các trận đấu.

Trong giải đấu Ngoại hạng Anh năm rồi, nhiều thành viên của 20 đội tham gia đã quỳ gối trước trận đấu như một phương thức ủng hộ phong trào “Black Lives Matter”, chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử ngày càng tràn lan ở giải đấu tại Anh.

Vì sao CĐV Qatar lại dùng ảnh của Ozil để đáp trả hành động lấy tay bịt miệng của đội tuyển Đức? - Ảnh 3.

Nhiều cầu thủ châu Âu quỳ gối trước trận đấu như một phương thức ủng hộ phong trào "Black Lives Matter".

Thực tế, trong quá khứ, nhiều lần thể thao gánh vác cả trách nhiệm chống phân biệt chủng tộc và tôn vinh chủ nghĩa đa văn hóa (multiculturalism). Điển hình là chiến thắng của Nam Phi tại cúp bóng bầu dục thế giới năm 1995. Chiến thắng mang tính biểu tượng rất lớn vì là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của người Nam Phi trên mặt trận quốc tế kể từ sau khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid sụp đổ (1994). Còn ở Pháp, sau khi giành được chiến thắng World Cup năm 1998 và 2019, đội tuyển bóng đá nam của Pháp thúc đẩy niềm tự hào về chủ nghĩa đa văn hóa - thể hiện qua việc đội tuyển này tập hợp các thành viên có chủng tộc khác nhau.

Hay xa hơn một chút là Thế vận hội Berlin năm 1936. 18 vận động viên da màu trong đội Hoa Kỳ tự hào giành được 14 huy chương Olympic. Những chiến thắng của họ không chỉ tỏa sáng trong lĩnh vực thể thao, mà còn là đòn giáng mạnh vào hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc của xã hội lúc bấy giờ.

Tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra khá phổ biến ở châu Âu, may mắn là ở Việt Nam, theo lãnh đạo Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), lại chưa từng xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc. Tuy vậy, quy định kỷ luật VFF vẫn rất quan tâm đến vấn đề này và đã bổ sung các điều khoản xử lý cá nhân hay tập thể có hành vi phản cảm tại mùa giải V-League 2022.

Có thể thấy, không chỉ ở các nước xảy ra tình trạng phân biệt chủng tộc mà cả thế giới đều đang hướng về sự công bằng, văn minh nhất trong thể thao. Bởi chúng ta đều hiểu trên sàn đấu thì kỹ năng, sức bền và tinh thần mạnh mẽ mới là thứ đáng được tôn vinh nhất.

Vì sao CĐV Qatar lại dùng ảnh của Ozil để đáp trả hành động lấy tay bịt miệng của đội tuyển Đức? - Ảnh 4.

Chia sẻ