Vì sao các vụ tử vong trong ô tô, ngạt khí là nguyên nhân chủ yếu gây chết người?

Thiên Kim,
Chia sẻ

Theo bác sĩ, khi bệnh nhân hít khí có nồng độ CO cao, áp lực với Hemoglobin sẽ gây ra thiếu oxy, hôn mê hoặc nặng hơn là ngưng hô hấp tuần hoàn.

Mới đây, vụ việc một bé trai 6 tuổi tên L.H.L. tử vong sau khi bị bỏ quên trên ô tô của Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) gây xôn xao lẫn phẫn nộ dư luận.

Không chỉ bức xức trước sự chủ quan, tắc trách của nhà trường, câu hỏi được đặt ra là vì sao khi được phát hiện trên xe, bé trai có dấu hiệu ngạt thở nguy kịch và tử vong dù đã được nỗ lực cấp cứu?

ngatkhi2

Bệnh viện E, nơi đang khám nghiệm tử thi điều tra nguyên nhân cái chết của bé L.

Ngồi trên xe ô tô lâu có thể tử vong vì ngạt khí

Trước trường hợp của bé L., vào tháng 9/2018 cũng đã xảy ra một sự việc đau lòng liên quan đến ngạt khí trên xe ô tô.

Theo đó, một người đàn ông là một giám đốc trẻ đã tử vong khi ngồi trong ô tô đỗ trước nhà tại phường Đằng Hải, quận Hải An (Hải Phòng). Thời điểm phát hiện, chiếc xe đóng kín cửa, nổ máy và có bật điều hòa. Nguyên nhân tử vong sau đó được xác định là ngạt khí.

Một trường hợp tử vong trên xe ô tô khác là ông N.T.B. (39 tuổi, ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định). Ông B. được phát hiện bị ngạt khí khi đang ngủ trên xe đoan thuộc Quốc lộ 20B thuộc địa phận xã Trạm Hành (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Hai trường hợp trên và các sự việc ngạt khí đáng tiếc khác khi ngồi trên xe ô tô được các chuyên gia lý giải là ngạt hệ thống.

Theo lý giải từ một kỹ thuật viên ô tô, hệ thống điều hòa trong xe tự lấy gió ngoài để cân bằng không khí.

Tuy nhiên khi xe nổ máy và đóng kín cửa, điều hòa sẽ hút khí trực tiếp quanh xe. Lúc này xung quanh người ngồi trong xe sẽ toàn khí CO từ ống pô xả ra khiến việc mất oxy diễn ra nhanh chóng hơn.

Càng nhiều người ngồi trong xe thì oxy càng mau hết. Người ngồi trong xe không thể hô hấp, mất nước sẽ dẫn đến ngạt khí và theo thời gian sẽ lịm dần.

Tiến sĩ Babu Shershad, chuyên gia y tế Dubai giải thích khi đóng cửa ôtô để ngủ bên trong, mức oxy bên trong xe sẽ giảm và khí carbon monoxide (CO) tăng lên do rò rỉ khí thải.

Gia tăng nồng độ khí độc CO trong xe sẽ làm giảm lượng O2 đi vào máu, dẫn đến cơ thể bị sốc. Thậm chí, khí CO có thể khiến nạn nhân ngạt thở tử vong trong chưa đầy một giờ.

Ngoài ra, ở trong xe hơi đóng kín thì cơ thể cũng dễ bị tích tụ nhiệt. Đối với trẻ em, tử vong do sốc nhiệt có thể xảy ra vì thân nhiệt của trẻ có thể tăng nhanh hơn gấp 3-5 lần so với người lớn. Khi thân nhiệt vượt quá 40-42 độ C có thể dẫn đến tử vong.

DSCF6375

Bác sĩ Hồ Thanh Phong (phải), Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Cũng liên quan đến chuyện ngạt khí, bác sĩ Hồ Thanh Phong, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho biết, tại bệnh viện thường tiếp nhận các bệnh nhân ngạt khí trong nhà, có trường hợp nổ xe máy trong nhà nhưng đóng kín cửa, ngạt khí khi đang phun sơn...

Khi vào viện, bệnh nhân thường trong trạng thái hít khí có nồng độ CO, áp lực với Hb (Hemoglobin) cao dẫn đến thiếu oxy nặng, hôn mê hoặc nặng hơn là ngưng hô hấp tuần hoàn.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như sa sút trí tuệ, ảnh hưởng thần kinh...

Điều trị thế nào khi bị ngạt khí CO?

Thông thường khi bị ngạt khí CO, bệnh nhân sẽ có biểu hiện như đau ngực, co giật, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nhìn mờ, rối loạn hành vi. Nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê.

Các bác sĩ cho biết khi nghi ngờ bệnh nhân bị ngạt khí, điều đầu tiên là phải đưa bệnh nhân ra khỏi vùng nhiễm độc, tìm mọi cách làm thông thoáng không khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh có thể hô hấp nhân tạo.

Bệnh nhân cần được thở oxy càng sớm càng tốt ngay sau khi lấy máu định lượng HbCO.

ngodoc

Cần đưa nạn nhân ra khỏi vùng nhiễm độc rồi chuyển đến bệnh viện sớm. (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Phong cho biết, nếu bệnh nhân thiếu oxy nặng sẽ được thở oxy liều cao. Nếu hôn mê, nhân viên y tế sẽ hỗ trợ đặt ống thở, thở máy.

Ngoài ra bệnh nhân được điều trị triệu chứng: điều trị huyết áp tụt, đặt Catheter, dùng thuốc vận mạch tuỳ theo mức độ của rối loạn huyết động, điều trị toan chuyển hóa (khi nồng độ PH < 7.1).

Cách phòng ngừa ngộ độc khí CO nói chung là tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn khí này.

Riêng với người ngồi trên xe ô tô, điều cần thiết là đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài xe lưu thông. Tránh đỗ xe ở không gian chật hẹp, oi bức và tuyệt đối không bỏ quên trẻ con trên xe.

Chia sẻ