Vì sao bão nhỏ nhưng Đà Nẵng hứng chịu đại hồng thủy?
Mưa quá lớn trong một thời gian ngắn, triều cường dâng cao làm chậm quá trình thoát lũ khiến Đà Nẵng phải hứng chịu trận đại hồng thủy lịch sử vào đêm qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Đà Nẵng là nơi hứng chịu lượng mưa lớn nhất do bão số 5 kết hợp với không khí lạnh và gió Đông gây ra.
Lượng mưa từ 19h ngày 13/10 tới 7h sáng 15/10 tại Đà Nẵng phổ biến 550-600mm. Trong đó, thời gian mưa tập trung từ 1 giờ ngày 14/10 đến 1 giờ ngày 15/10 với lượng mưa ghi tại Trạm Đà Nẵng lên tới 697.6mm, tại Suối Đá là 775.2mm.
Đáng lưu ý, cường độ mưa là đặc biệt lớn khi lượng mưa lớn nhất trong một giờ lên tới 150.2mm, lượng mưa lớn nhất trong 3 giờ là 406.6mm, lượng mưa trong 6 giờ lớn nhất ghi được lên tới 567.8mm.
Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn nên Đà Nẵng đã xuất hiện ngập sâu trên diện rộng, đặc biệt là các quận/huyện Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn.
Lý giải nguyên nhân mưa rất lớn dù bão nhỏ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung chịu tác động của tổ hợp đa thiên tai gồm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 5), không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông. Ngoài ra, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.
Bên cạnh đó, trong tối và đêm 14/10, triều cường dâng cao tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có thành phố Đà Nẵng đã làm chậm quá trình thoát lũ.
Dự báo hôm nay và ngày mai (15-16/10), Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa từ phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 120mm. Từ đêm mai, mưa giảm nhanh.
Ngoài ra, hiện nay (15/10), một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở khu vực phía Đông của Philippines. Dự báo áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển vào Biển Đông ngày 16-17/10. Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục cảnh báo nguy cơ xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và lũ dồn dập tại khu vực miền Trung từ nay đến cuối năm 2022.