Vì sao bạn bị thủng màng nhĩ?

,
Chia sẻ

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị thủng màng nhĩ và việc này có thể nguy hiểm cho người mắc phải.

Nguyên nhân và biến chứng

Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, chủ nhiệm khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện 175) cho biết:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thủng màng nhĩ. Do viêm tai giữa bao gồm: viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mãn, viêm tai giữa thể co lõm do tắc vòi nhĩ, khi ấy màng nhĩ sẽ thủng để cho dịch mủ từ tai giữa chảy ra ngoài.



Kế đến là do một số chấn thương: sức ép bom, mìn; bị đánh mạnh vào tai; vô ý chọc thủng màng nhĩ trong lúc ráy tai; áp lực khi lặn sâu; gặp tai nạn chấn thương sọ não...

Khi bị thủng màng nhĩ, nếu do chấn thương, người bệnh sẽ thấy ù tai, đau nhói trong tai, chảy máu tai dẫn đến nghe rất kém.

Nếu bị viêm tai giữa cấp, sau khi sốt, bệnh nhân sẽ thấy đau tai, ù tai và mủ sẽ chảy ra ống tai ngoài. Nếu viêm tai giữa mãn, người bệnh sẽ bị ù tai, sức nghe giảm dần. Khi ngậm miệng, bịt mũi thổi hơi thấy hơi thoát ra ống tai ngoài.

Khi màng nhĩ bị thủng làm cho ống tai ngoài thông với hòm nhĩ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, có thể gây viêm xương chũm cấp, viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm mê nhĩ, gây nguy hiểm đến tính mạng.


Điều trị

Về cách điều trị, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết: Nếu thủng màng nhĩ do chấn thương thường tự lành lại sau một thời gian điều trị.

Nếu thủng rộng, có thể bít lỗ thủng bằng màng tỏi để chống nhiễm khuẩn tai giữa, tạo điều kiện cho biểu mô hóa bít kín lỗ thủng. Trong viêm tai giữa mãn, lỗ thủng màng tai khó tự liền sẹo nên thường dùng biện pháp phẫu thuật.

Nếu viêm tai giữa mãn có khối u biểu bì trong tai làm tiêu hủy xương gây biến chứng nặng, bác sĩ phải phẫu thuật khoét rộng đá chũm, tái tạo tai giữa, tạo hình màng tai.

Nếu viêm tai giữa mãn ống thông hang kém lưu thông, phải phẫu thuật dẫn lưu sào bào, thượng nhĩ và tạo hình màng tai. Trong trường hợp màng tai bị thủng, xương con bị tiêu hủy phải phẫu thuật tạo hình chuỗi xương con và tạo hình màng tai.


Trường hợp màng tai bị thủng, tai khô, vòi nhĩ lưu thông tốt thì thực hiện tạo màng tai bằng các vật liệu tự thân như: sụn, màng sụn, cân cơ thái dương, mảnh cân cơ thái dương được ghép bịt lỗ thủng có thể nằm dưới lỗ thủng, hoặc nằm giữa 2 lớp của màng nhĩ.

Khi phẫu thuật tạo hình màng nhĩ phải đảm bảo bệnh viêm ở mũi, họng đã được chữa ổn định. Khi phẫu thuật xong, bệnh nhân tránh lao động nặng, tránh đi máy bay, tránh lặn sâu trong khoảng 2 tháng và không được uống rượu, bia, hút thuốc lá...

Theo Thanh Niên
Chia sẻ