Vi phạm pháp luật, suýt mất mạng vì... làm theo TikTok
4 em nhỏ vô tư thi nhau ném đá vào các phương tiện đang di chuyển trên cao tốc, em bé 10 tuổi gặp vấn đề sức khỏe... Tất cả chỉ vì học theo các trào lưu trên TikTok.
Suýt chết vì... bắt chước các video trên mạng
Chỉ mới ra đời cách đây 7 năm nhưng TikTok đã hoạt động tại hơn 150 thị trường. Theo số liệu trên trang Statista, nếu như năm 2017, mạng xã hội này chỉ có khoảng 65 triệu người dùng thì con số này đã tăng lên hơn một tỷ tài khoản vào tháng 1/2022. TikTok hiện là một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.
Việt Nam xếp thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok nhiều nhất thế giới (khoảng gần 50 triệu người dùng). Theo số liệu của DataReportal, đến tháng 2/2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet. Như vậy, có đến 64% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng TikTok.
Chúng ta không phủ nhận những lợi ích nhất định mà mạng xã hội này mang lại. Tuy nhiên, đây cũng là nơi lan truyền những thông tin độc hại, tiêu cực. Chỉ cần lướt TikTok một thời gian ngắn, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những trào lưu phản cảm, thậm chí là độc hại như: Sex jokes (trò đùa tình dục); nhảy múa khoe thân; quảng cáo phim 18+, thuốc kích dục; giả vờ nghiện ma túy; kỳ thị vùng miền, truyền bá mê tín dị đoan...Trên TikTok ngày càng có những "trend" bây bức xúc cho công chúng.
Có thể kể ra một số trào lưu phản cảm của TikTok tại Việt Nam như giữa năm 2022, một người phụ nữ ở TP.HCM khoe clip đi chợ chỉ với 20,000 đồng. Ngay sau đó, các TikToker khác thi nhau làm clip đi chợ với 5,000 đồng.
Vốn dĩ việc chi tiêu bao nhiêu là quyền của mỗi người, nhưng hàng loạt TikToker đổ ra chợ rồi đưa ra mức giá “thấp không tưởng”, yêu cầu người bán hàng phục vụ đã khiến không ít người khó chịu. Để có được clip câu view cho mình, các TikToker này đã mặc kệ quy tắc ứng xử, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của người khác.
Sau trào lưu vô bổ nhưng gây bức xúc nói trên, các nhà sáng tạo nội dung của TikToker Việt lại có “trend” mới ở sân bay. Đầu tiên là việc TikToker đình đám Lê Bống kéo tấm che cửa sổ trên máy bay và đặt điện thoại lên đó để ghi lại quang cảnh những đám mây trong suốt chuyến bay. Clip của TikToker này đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem.
Sau khi clip này “viral” trên TikTok, hàng loạt nhà sáng tạo nội dung khác cũng đổ xô đi “đu trend” này. Hàng trăm người bắt chước Lê Bống. Điều này khiến Cục Hàng không Việt Nam phải lên tiếng khuyến cáo rằng đây là việc làm gây ảnh hưởng đến an toàn bay.
Ngay sau trào lưu “săn mây trên máy bay”, tháng 6/2022 TikTok lại có clip cô gái nhảy múa trên đường băng với hậu cảnh là chiếc máy bay đang di chuyển. Hành động này nhanh chóng bị lên án vì gây nguy hiểm cho bản thân và hàng trăm hành khách đang ngồi trên máy bay phía sau cô nàng.
Tháng 7/2022, một TikToker khác tiếp tục gây bức xúc khi khoe cảnh cô vô tư ngồi trên băng chuyền vận chuyển hành lý tại sân bay. Chưa kể đến việc có thể bị kết tội cố ý gây rối tại cảng hàng không sân bay, hành động này của cô gái bị đánh giá là phản cảm, câu view bất chấp.
Tháng 11 cùng năm, TikToker Nờ Ô Nô có những lời nói, hành động mang tính chất xúc phạm, miệt thị một cụ già nghèo khó trong một clip núp dưới danh nghĩa đi làm từ thiện. Sự việc này khiến dư luận dậy sóng. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng về hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Tài khoản TikTok của Nờ Ô Nô cũng bị khóa.
Tuy nhiên, điều đó không thể xóa đi được những hậu quả mà nó để lại đối với những người dùng mạng xã hội. Một bộ phận khán giả, trong đó đáng chú ý là khán giả trẻ, trẻ em lại rất yêu thích những câu nói mang tính chất xúc phạm của Nờ Ô Nô và sử dụng nó trong đời sống thường ngày.
Cuối tháng 8/2022, TikToker Hoàng Minh khiến nhiều người bức xúc khi tung clip nói người miền Trung "keo kiệt, bủn xỉn", "không có tinh thần cống hiến cho xã hội". Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 10 triệu đồng đối với Hoàng Minh. Thế nhưng cũng giống như với trường hợp Nờ Ô Nô, Hoàng Minh đã bị xử phạt nhưng rất nhiều người con của miền Trung đã bị tổn thương, sự khác biệt về vùng miền bị khai thác theo một chiều hướng không tích cực.
Thậm chí, nhiều trào lưu trên TikTok còn đặt người tham gia vào nguy hiểm khi bày ra những thử thách chết người. Chẳng hạn, "Thử thách bất tỉnh" (blackout challenge) khuyến khích người chơi tự bóp cổ mình bằng các vật dụng trong nhà cho đến khi bất tỉnh và quay lại toàn bộ quá trình đó, chia sẻ trên mạng xã hội. Trên thế giới, thử thách này đã khiến ít nhất gần 20 trẻ em thiệt mạng. Và chắc chắn, sẽ có những người dùng ở Việt Nam biết tới thử thách này.
Tháng 6/2021, nhiều lái xe khi đi trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai qua địa phận huyện Tam Dương bị một số đối tượng ném đá gây hư hỏng phương tiện, gây nguy hiểm nghiêm trọng tới tính mạng. Khi công an vào cuộc điều tra, mọi người té ngửa ra khi biết thủ phạm là 4 học sinh đang học cấp 2. Các em này hoàn toàn không ý thức được sự nguy hiểm từ hành động của mình mà chỉ đơn thuần là làm theo các video đang lan truyền trên TikTok lúc bấy giời.
Lời khai vô tư của các em khiến nhiều người giật mình: “Khi xem các video đó, em cảm thấy rất vui và hứng thú nên đã rủ các bạn thân của mình lên đường cao tốc ném đá. Các bạn được rủ nghe xong cũng rất hào hứng. Cả nhóm chọn những viên sỏi, đá, gạch cứng nấp ở ven đường, lùm cây chờ các phương tiện đi qua thì hô to để cùng nhau ném”.
Một bé trai 10 tuổi ở TP.HCM phải nhập viện trong tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên chỉ vì bắt chước một trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội.
Văn hóa TikTok đầu độc giới trẻ
Trước khi nở rộ trên TikTok, các trào lưu độc hại cũng xuất hiện trên Youtube, Facebook. Tuy nhiên, khác với hai "đàn anh" đi trước, TikTok cung cấp cho người dùng một chế độ xem tự do và đơn giản hơn. Người dùng không cần lựa chọn hay tìm kiếm nội dung xem. Chỉ cần bật ứng dụng, hàng loạt các video với âm thanh, hình ảnh bắt mắt sẽ hiện ra. Nếu người dùng không thích nội dung đang phát, chỉ cần một cái vuốt nhẹ lên màn hình, các video khác lập tức xuất hiện thay thế.
Sử dụng các thuật toán, TikTok có thể tự động đo được sở thích của người dùng. Và kể từ đó, hàng loạt các video với nội dung tương tự sẽ đổ về để phục vụ các "thượng đế", khiến họ dần mất đi thói quen suy nghĩ, phân tích, sàng lọc thông tin. Các thông tin độc hại sẽ ngấm vào họ một cách vô thức.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: Bây giờ chúng ta đang chứng kiến một thứ văn hóa có thể gọi là văn hóa Tik Tok. Ở đó, một số chủ nhân kênh TikTok thì bất chấp thủ đoạn tung ra những nội dung giật gân, thậm chí là phản cảm để câu view, câu like. Còn khán giả, đa phần là người trẻ lại thích những gì mới lạ, hấp dẫn, thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và ít có khả năng đề kháng với những thông tin xấu, tiêu cực. Đây là điều khiến rất nhiều người lo lắng.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định những vi phạm của TikTok trong thời gian gần đây gây ra nhiều hệ lụy, tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội, khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện TikTok ở Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm. Công chúng hy vọng, với động thái này từ phía cơ quan quản lý, "rác" trên TikTok và mở rộng hơn là trên các nền tảng xã hội sẽ được quét dọn.