Vị ngon ngọt giúp dạ dày năng động

,
Chia sẻ

Vị ngọt thịt hối thúc dạ dày tích cực hơn trong việc vận động tiêu thụ thức ăn. Vị đó là gì?

100 năm tuổi

Các nghiên cứu cho thấy, glutamate – yếu tố tạo nên sự ngon ngọt có vai trò quan trọng với việc thúc đẩy dạ dày tăng tiết dịch vị, hữu ích cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Ngoài vai trò là chất tạo vị, glutamate còn được biết đến có tác dụng làm tăng sự tiết nước bọt ở miệng, tiết dịch vị ở dạ dày, góp phần tạo cảm giác ngon miệng hơn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.

Hội thảo khoa học vị umami và glutamate vừa được Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức tại Hà Nội. Theo ông Sadahiko Ogihara, cố vấn khoa học của Ủy ban Kỹ thuật glutamate quốc tế: Glutamate là một acid amin thiết yếu, góp phần cấu thành hơn 100.000 loại protein (chuỗi chất đạm) trong cơ thể sinh vật. Glutamate còn chiếm một hàm lượng trong sữa mẹ. Các thụ thể của glutamate khi có mặt trên lưỡi có vai trò kích thích làm tăng sự tiết nước bọt, từ đó chúng ta có cảm giác ngon.
 

Năm 1908, giáo sư người Nhật Kikunae Ikeda, trường ĐH Hoàng gia Tokyo là người tìm ra vị ngon ngọt thịt đặt tên là vị umami, vị ngọt thịt này được tạo bởi glutamate. Trong đời sống, glutamate có thể được tạo ra từ nguyên liệu mía đường, tinh bột sắn (khoai mì) bằng phương pháp lên men vi sinh vật. Đó là mì chính (bột ngọt), được sử dụng như là một chất điều vị, làm tăng cảm giác ngon. Mì chính hiện đã tròn 100 năm tuổi, kể từ khi ra đời đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1909.

Lưu ý

Trong 100 năm qua, chất điều vị này cũng từng gây tranh cãi. Nó từng bị cho rằng có thể gây tổn thương não, béo phì, còi xương (qua thử nghiệm trên chuột với liều cao). Nó cũng từng bị lạm dụng theo kiểu kinh nghiệm truyền miệng: ăn mì chính để chữa bệnh. Năm 1987, Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã đưa ra kết luận: không thấy bằng chứng của chế độ ăn có MSG (mì chính) gây ung thư, gây đột biến gien qua những nghiên cứu về độc tính trên các loài vật. Năm 1991, Ủy ban Khoa học về thực phẩm cộng đồng châu Âu cũng khẳng định, mì chính là an toàn và đặt mã số phụ gia thực phẩm cho nó là 621.

Theo TS-BS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại VN, mì chính đã được Bộ Y tế xếp vào danh mục các phụ gia thực phẩm an toàn, thuộc nhóm chất điều vị được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. JECFA cho rằng, không nên sử dụng mì chính cũng như các phụ gia thực phẩm cho trẻ dưới 12 tuần tuổi. Việc sử dụng bất kỳ phụ gia thực phẩm nào trong thực phẩm dành cho trẻ em cũng cần tuân theo khuyến cáo riêng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, dù có vị ngon ngọt nhưng không nên lạm dụng. Nên sử dụng mì chính như gia vị. Mì chính làm tăng vị ngon, đậm cho thức ăn nhưng cần lưu ý, trong mì chính có một lượng muối. Vì vậy, nếu sử dụng mì chính, cần giảm lượng muối từ nguồn thực phẩm, gia vị khác khi chế biến thức ăn.
 
Theo Nam Sơn
Thanh niên
Chia sẻ