Vì họ cần có nhau

Hoài Nguyễn,
Chia sẻ

Sau những mưu toan và lọc lừa của người vợ trước, chắc hẳn người phụ nữ thô kệch và cục mịch giờ đây đã mang lại cho Thắng một cảm giác bình yên thực sự...

Cô bạn cùng lớp với tôi và Thắng hào hứng kể về vợ thứ hai của Thắng: “Chị ấy già và xấu. Nhưng mà tôi thấy lão Thắng lại yêu và có vẻ quý trọng lắm. Đúng là cuộc đời, ngày xưa bao nhiêu đứa lớp mình ao ước lão ấy vậy mà giờ… Hay là lão ấy tiêu cực với đời?”.

Nếu nói ngày xưa tôi yêu Thắng thì không hẳn thế, nhưng có cảm tình đặc biệt thì đúng. Cả cái lớp đại học năm ấy hiếm có cô gái nào không bị ấn tượng bởi Thắng. Anh hơn bọn tôi hai tuổi. Đẹp trai, dáng như người mẫu, nhất là đôi mắt. Dù là mắt con trai nhưng hàng lông mi dài và đen mượt. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt ấy, không cô gái nào là không xao lòng.

Thắng không chỉ đẹp trai, học giỏi mà còn có nhiều tài lẻ. Khi thì anh nghêu ngao một khúc ca tự sáng tác bên chiếc ghi ta. Khi lại thủng thẳng buông vài câu thơ tình lãng mạn. Bọn con gái chúng tôi ngày ấy cô nào cô ấy chết đứ đừ. Và tôi cũng không tránh khỏi cái luồng “cuốn hút” đó.

Nhưng ngày đó, thích thì cũng chỉ để trong lòng, tôi chẳng bao giờ mơ tưởng điều gì. Xung quanh anh có quá nhiều vệ tinh mà tôi biết mình chẳng thể nào vượt qua được họ. Những năm tháng đại học dần trôi qua, anh cứ hiện diện như một mẫu bạn trai mà con gái chúng tôi hằng ao ước. Thắng cũng chưa yêu ai, anh nói muốn tìm một công việc ổn định sau khi ra trường mới tính đến chuyện đó. Nhưng cuộc đời Thắng rẽ sang một con đường khác mà đến chính anh cũng không thể ngờ.
 

Trong số những người “mê” Thắng có Trang, một cô gái nhà Hà Nội. Ngày liên hoan của lớp Trang chỉ đợi cho Thắng say là thực hiện kế hoạch của mình. Hai tháng sau, Trang hân hoan cầm tờ khám thai đến lớp, trình vào mặt lớp trưởng và Thắng, báo cái “tin mừng”. Trang còn kèm theo một lời hăm dọa đầy êm ái: “Nếu anh mà không cưới, tôi sẽ kiện, anh cũng chẳng mơ mà học hành hẳn hoi được”. Một chàng trai tỉnh lẻ như Thắng, chẳng còn cách nào khác, cực chẳng đã, anh lấy vợ khi đang học năm thứ 4 đại học.

Ngày cưới Thắng, ai cũng nhận thấy gương mặt như đưa đám của chú rể bên cạnh cô dâu mừng vui như bắt được vàng. Cưới xong, Thắng đi học tiếp, còn Trang bỏ học chờ sinh. Ai cũng nghĩ rồi đây, một cô vợ nhà Hà Nội, gia đình khá giả sẽ là giấy thông hành giúp Thắng trụ lại được ở Thủ đô. Nhưng anh quyết định về quê lập nghiệp. Trang buộc phải khăn gói theo chồng.

Trang vốn là gái thành phố, không quen được với cuộc sống quê mùa nông thôn. Mới ra trường lại về quê làm việc, lương của Thắng chỉ ba cọc ba đồng. Không quen với vất vả và thiếu thốn, Trang xỉ vả Thắng bất tài, không nuôi nổi vợ con. Những cuộc cãi vã diễn ra càng nhiều, cuối cùng, Trang bỏ làng quê ấy, về Hà Nội để lại cho chồng một đứa con và tờ giấy li dị.

Thắng ôm con lên Hà Nội tìm vợ. Anh muốn níu giữ cuộc hôn nhân này không hẳn vì yêu mà vì muốn giữ gìn một tổ ẩm cho con. Nhưng Trang nhìn thấy anh, nói những lời chua ngoa: “Ngày xưa tôi tưởng anh tài giỏi thế nào mới quyết định hi sinh nhường ấy, chứ biết anh vô dụng thế này tôi chẳng hám. Giờ tôi phải đi tìm người lo được cho cuộc đời tôi. Con anh thì anh phải có trách nhiệm. Thế thôi, gặp anh tại tòa”.
 

Thắng từ một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết hăm hở vào đời để làm việc, chuyện kết hôn vội vã vì một “sự đã rồi” làm anh trở nên ngượng ngùng trước đồng nghiệp. Giờ lại thêm li hôn quá sớm dần biến Thắng trở nên chán nản và bi quan trước cuộc đời. Thời điểm đó anh cảm thấy sợ phụ nữ, bởi nói cho cùng cuộc đời anh tới nước này âu cũng vì sự tính toán của Trang mà ra.

Nhưng rồi trái tim người đàn ông bị thương ấy như gặp phải một sự an ủi từ người đàn bà vụng về và có phần ngờ nghệch trong tình yêu. Chị hơn Thắng 4 tuổi, làm cấp dưỡng ở cơ quan anh. Chị thô, cục mịch, có lẽ vì thế mà hơn 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Những ngày đầu, anh phải đưa con đến chỗ làm vì không có ai trông. May nhờ có chị mà đứa bé được ăn uống và chăm nom.

Chị giúp bố con Thắng rất nhiều, từ việc giặt giúp vài bộ quần áo hay nấu hộ bữa cơm. Chị đưa đón con đi học giúp Thắng. Dần dần, tình cảm của chị với gia đình Thắng trở nên gắn bó hơn. Anh bắt đầu kể cho chị về cuộc đời éo le của mình. Chị ôm lấy đứa con bé bỏng của Thắng vào lòng mà khóc: “Tội nghiệp, đứa bé dễ thương thế này sao lại nỡ bỏ nó thế cơ chứ. Tại sao không cho con một ngôi nhà chứ? Cô mà có con như con, cô sẽ không bao giờ để con khổ”. Anh tự nhiên thấy khoảng cách về tuổi tác và cả ngoại hình không còn nữa. Có gì đó chạy qua tim anh, một sự xúc động và rung cảm thực sự.

Ít tháng sau Thắng cưới chị trong sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng của mọi người. Không nhiều người lí giải nổi điều đó. Chỉ có Thắng và chị ấy biết rằng, họ thực sự thấy cần nhau...

Chia sẻ