Vén màn bí mật chuyện tình cảm giữa thái giám và cung nữ: Sống như vợ chồng, đánh ghen, xử lý tình địch dữ dội như bao người
Họ thường hẹn hò dưới ánh trăng, ước hẹn sẽ bên nhau trọn đời trọn kiếp, không nảy sinh cảm tình với người khác. Nếu thái giám phát hiện cung nữ mình yêu thương đem lòng yêu người khác thường sẽ rất đau khổ, thậm chí là lên kế hoạch đánh ghen, xử lý tình địch.
Trong chốn cung đình ngày xưa, sự tồn tại của thái giám và cung nữ là điều hết sức cần thiết. Nếu như các thái giám đều bị hoạn mất bộ phận sinh dục thì các cung nữ lại được coi là nữ nhân của hoàng đế và luôn phải giữ thân mình trong sạch. Tuy nhiên ít ai biết được trong chốn hậu cung, có không ít thái giám và cung nữ có quan hệ tình cảm với nhau, thậm chí là kết thành vợ chồng.
Trong lịch sử hàng nghìn năm của các triều đại phong kiến Trung Quốc, sự tồn tại của các cung nữ và thái giám được coi là bằng chứng cho sự tàn nhẫn của giai cấp thống trị. Giữa một hoàng cung rộng lớn có đến hàng ngàn người đàn ông không được phép cưới vợ, hàng nghìn người phụ nữ phải chịu kiếp không chồng. Việc này đã gây nên những thay đổi tâm lý của họ theo hướng tiêu cực và khiến thái giám, cung nữ trở nên cay nghiệt, ích kỷ và tham lam hơn. Vì lý do này mà một số triều đại đã để thái giám và cung nữ kết thành tình nhân nhằm giảm bớt sự cô đơn, bức bối trong sinh lý, gọi chung là "đối thực".
(Ảnh: Internet)
Theo ghi chép trong nhiều sử sách, đối thực dùng để chỉ những mối quan hệ ngắn hạn mang tính tạm thời của thái giám và cung nữ. Còn những ai thật lòng yêu thương nhau, muốn kết thành vợ chồng thì được gọi là "thái hộ". Cho dù là đối thực hay thái hộ thì những mối quan hệ này vẫn được nhiều người thừa nhận và công khai. Thái giám dù bị mất bộ phận sinh dục, không còn khả năng giường chiếu nhưng vẫn có nhu cầu sinh lý. Chính vì vậy họ và cung nữ thường chỉ có thể thông qua thị giác hay xúc giác để thỏa mãn nhu cầu sinh lý mà thôi.
Nếu như vào thời Đông Hán hay Đường, địa vị của thái giám tăng cao nên việc đối thực hay cưới vợ không còn là chuyện lạ. Nổi tiếng nhất là thái giám Cao Lực Sĩ của Đường Huyền Tông. Sau khi vô tình gặp được cô con gái xinh đẹp của Lã Huyền Ngộ đã sinh lòng ái mộ và đòi cưới làm vợ. Lã Huyền Ngộ sau này nhờ con rể mà được thăng quan tiến chức.
Sang đến đầu triều Minh, Chu Nguyên Chương lại cực kỳ căm ghét chuyện đối thực nên đã ra lệnh cấm nghiêm ngặt. Bất cứ ai vi phạm đều bị xử phạt nghiêm khắc, nếu thái giám cưới vợ thì sẽ bị lột da, róc thịt. Tuy nhiên sau nhiều đời vua nhà Minh đến thời Vạn Lịch đế, địa vị thái giám lại được tăng cao, kết quả là lệnh cấm lại bị bãi bỏ và thái giám có thể theo đuổi bất cứ cung nữ nào mà mình có tình cảm. Sang đến triều nhà Thanh, mối quan hệ này vẫn được duy trì dù không công khai.
Theo Vạn Lịch Dã Hoạch Biên ghi chép, thái giám và cung nữ sau nhiều lần tiếp xúc sẽ nảy sinh tình cảm. Lúc này thái giám sẽ là người chủ động theo đuổi bằng cách giúp cung nữ mua quần áo lấy cơm, mua đồ trang sức hay vật dụng hàng ngày để thổ lộ tình cảm. Nếu cung nữ vừa ý với người này thì có thể kết thành đối thực hoặc thái hộ. Sau khi đối thực hay thái hộ, thái giám và cung nữ sẽ coi nhau như vợ chồng thật sự. Dù sống trong cung cấm nhiều quy tắc và áp lực nhưng các cặp thái giám cung nữ này vẫn rất lãng mạn, đặc biệt là những người còn trẻ. Họ thường hẹn hò dưới ánh trăng, ước hẹn sẽ bên nhau trọn đời trọn kiếp, không nảy sinh cảm tình với người khác. Nếu thái giám phát hiện cung nữ mình yêu thương đem lòng yêu người khác thường sẽ rất đau khổ, thậm chí là lên kế hoạch đánh ghen, xử lý tình địch.
Nhiều thái giám có quyền lực và địa vị còn tận hưởng cuộc sống "tam thê tứ thiếp" hệt như những người đàn ông khác. (Ảnh: Internet)
Vụ đánh ghen nổi tiếng nhất trong giới thái giám ngày xưa là đại thái giám Ngụy Trung Hiền và Ngụy Triều vào thời Minh Hi Tông của nhà Minh. Ngụy Trung Hiền rất si mê cung nữ Khách thị vì tài năng và dung mạo. Tương truyền, Khách thị là vú nuôi của Minh Hi Tông Chu Do Hiệu, sau khi hoàng đế lên ngôi đã phong bà làm Phụng Thánh phu nhân. Dù địa vị tôn quý nhưng Khách thị lại rất si mê chuyện chăn gối. Trong chốn hậu cung ấy bà chỉ có thể lựa chọn thái giám để thỏa mãn nhu cầu sinh lý của mình và lén lút qua lại với 2 người nổi tiếng nắm nhiều quyền lực nhất hậu cung bấy giờ là Ngụy Trung Hiền cùng Ngụy Triều. Sau khi biết chuyện, Ngụy Trung Hiền và Ngụy Triều đã nổi cơn ghen đánh nhau ngay Càn Thành cung khiến Minh Hi Tông giật mình tỉnh giấc. Biết chuyện, Minh Hi Tông không giận mà còn cho Khách thị được lựa chọn người mình thương. Cuối cùng phần thắng thuộc về Ngụy Trung Hiền còn Ngụy Triều đành phải tiu nghỉu rời cung, cùng một lúc chịu 2 nỗi đau thất tình và thất nghiệp.
Hay trong thời Vạn Lịch đế, Trịnh Quý phi có một cung nữ thân cận là Ngô thị, nàng cùng thái giám Tống Bảo yêu nhau sau lại ngoại tình với Trương Tiến Triều. Tống Bảo biết chuyện đau lòng đến mức xin hoàng đế được ra cung, cạo đầu làm sư từ giã trần tục. Thật ra đây là trường hợp hiếm hoi mà các cung nữ ngoại tình. Vì thông thường các thái giám mới là người "có mới nới cũ". Chỉ cần địa vị tăng cao hay có nhiều tiền, họ cũng giống những người đàn ông khác có thêm vợ bé, tình nhân. Thậm chí có nhiều thái giám còn là khách quen của kỹ viện, lầu xanh.
Trong nhiều bộ phim sau này về đề tài hậu cung cũng có nhắc đến mối quan hệ tình cảm giữa thái giám và cung nữ. Ngoại trừ Đại Thái Giám của TVB thì bộ phim Diên Hi Công Lược cũng nhắc đến chuyện kết duyên của thái giám và cung nữ thông qua mối "gian tình" giữa Anh Lạc và Viên Xuân Vọng ở Tân Giả Khố. Dù không kết làm đối thực nhưng vẫn có rất nhiều khán giả đồng cảm và ủng hộ cả 2 đến với nhau.
Anh Lạc và Viên Xuân Vọng trong Diên Hi Công Lược. (Ảnh: Internet)
Tạo hình nhân vật thái giám Lý Liên Anh và cung nữ Thiện Dung trong phim Đại Thái Giám, chuyện tình cảm của hai người cũng đã lấy được nhiều tình cảm của khán giả (Ảnh: Internet)
Dù thế nào đi nữa thì thái giám hay cung nữ cũng đều là người và khao khát được yêu thương, được sẻ chia, tìm được chốn nương thân dựa dẫm sau khi về già. Chính vì vậy mà trong nhiều triều đại cấm thái giám và cung nữ yêu nhau thì họ vẫn lén lút qua lại bất chấp sự nguy hiểm về tính mạng. Và họ chính là những bằng chứng sống cho những quy tắc khắt khe, thiếu nhân đạo của các triều đại phong kiến khi hàng ngàn, hàng triệu con người phải hi sinh cuộc sống, hạnh phúc cá nhân chỉ để thỏa mãn, phục vụ cho nhu cầu của một bộ phận rất nhỏ nắm quyền.
(Nguồn: sina + quwenlieqi)