Về quê nghỉ lễ 30/4, làm sao để tránh "nỗi ám ảnh" mang tên TẮC ĐƯỜNG?
Ngán ngẩm với tình trạng kẹt xe kéo dài hàng giờ, nhiều người đã tìm cách ứng biến để tránh bị "mắc kẹt", đồng thời lên kế hoạch kỹ lưỡng cho hành trình về quê.
"Nỗi ám ảnh" mỗi dịp nghỉ lễ và kinh nghiệm của những "tấm chiếu cũ"
Kết thúc ngày làm việc 29/4, cả nước chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Kỳ nghỉ lễ năm nay người dân sẽ có tối đa 5 ngày nghỉ. Đây là dịp để người dân tận hưởng những ngày nghỉ ngơi, sum họp gia đình hoặc lên kế hoạch du lịch sau thời gian làm việc căng thẳng. Điều này cũng dự báo về tình hình giao thông căng thẳng tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Hầu hết người dân chọn khởi hành vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ (29/4 hoặc 30/4) và quay lại vào ngày cuối (4/5), dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng tại các tuyến như Quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội),...
Tại Hà Nội những điểm đen ùn tắc như cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội hướng cầu Thanh Trì về Lạng Sơn, Bắc Giang, còn ra hướng Pháp Vân đi Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa... do lượng người về quê cũng như xe khách, xe cá nhân đổ về.
Trước "nỗi ám ảnh" không hồi kết đó, những kinh nghiệm dưới đây có thể sẽ giúp hành trình về quê của bạn thuận lợi hơn, đỡ vất vả hơn.

Ngay từ đầu giờ chiều ngày làm việc cuối cùng, nhiều tuyến đường, phố ra cửa ngõ thành phố đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh minh hoạ Gia Đoàn.
1. Khởi hành lệch giờ cao điểm
Tại những đô thị lớn như Hà Nội, khoảng thời gian ùn tắc kinh khủng nhất từ 15h đến 21h, bởi lượng người và xe rời Thủ đô về nghỉ lễ đông, đặc biệt trong ngày làm việc cuối cùng, do nhu cầu muốn nghỉ trọn vẹn cả 5 ngày nên nhiều người có ý định về sớm.
Để tránh tình trạng phải chờ thêm vài tiếng mới được lên xe hoặc nhích từng mét để di chuyển trên đường, nhiều người chọn xuất phát sớm hơn hoặc muộn hơn so với khung giờ đông đúc.
Đặc biệt, nhiều người rút kinh nghiệm từ những đợt nghỉ khác, họ chủ động sắp xếp công việc về quê từ sớm hơn 1-2 ngày để chuyến đi nhẹ nhàng hơn.
Thay vì đi vào sáng 29/4 hoặc 30/4, họ khởi hành từ tối 28/4 hoặc sáng sớm 29/4 để tránh dòng xe đổ dồn. Tương tự, khi quay lại thành phố, họ chọn ngày 3/5 hoặc sáng 4/5 thay vì chiều 4/5.
Tuy số ngày nghỉ ngắn hơn nhưng sẽ tránh được những khoảng thời gian mệt mỏi vì tắc đường, chờ đợi.
Nhiều tài xế xe khách khuyến cáo người dân để tránh bị mắc kẹt trên đường, hành khách nên đi chuyến muộn hẳn (21h-22h) hoặc lùi sang sáng sớm ngày hôm sau (4-6h) để đường thông thoáng, tránh mệt phải chờ đợi, mệt mỏi.

Tình trạng ùn tắc kéo dài đến tận đêm muộn khiến người dân mệt mỏi.
2. Theo dõi ứng dụng chỉ đường
Đối với những người dân lân cận Hà Nội, cách Hà Nội không quá xa như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên,... người dân có thể sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy. Tuy nhiên người dân cũng cần lưu ý khung giờ di chuyển và chuẩn bị kĩ phương tiện để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.
Bên cạnh đó, người dân sử dụng phương tiện cá nhân là ô tô có thể theo dõi những cập nhật mới nhất từ các ứng dụng chỉ đường, theo dõi được tuyến đường ít đông đúc hơn để di chuyển, góp phần giảm tình trạng ùn tắc tại những cung đường cố định khác.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng lựa chọn phương án nghỉ lễ theo phương án đơn giản hơn là ở lại Hà Nội, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Ùn tắc giao thông dịp lễ 30/4 là điều không thể tránh khỏi, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng người dân vẫn có thể làm chủ hành trình về quê của mình.

Phương án phân luồng giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 tại Hà Nội
Sở Xây dựng Hà Nội đã có thông báo hướng dẫn phân luồng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, cụ thể như sau:
Phương tiện từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Nam có thể theo các hướng: Trung tâm Hà Nội đi nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; trung tâm Hà Nội đi quốc lộ 1 cũ theo hướng Giải Phóng - Ngọc Hồi - quốc lộ 1 vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm hoặc nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên).
Phương tiện có thể theo quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - ngã ba Ba La đi đường 21B - quốc lộ 38 để ra quốc lộ 1 cũ (nút giao Đồng Văn), hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Một hướng khác là phương tiện đi quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - rẽ trái đi đường Phùng Hưng đến đường trục phía Nam rẽ trái đường tỉnh 427B ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Phương tiện từ phía Nam đi về TP Hà Nội có thể theo các hướng: Tại nút giao Liêm Tuyền trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi tỉnh lộ 494 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông). Tại nút giao Vực Vòng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, phương tiện đi theo hai hướng: Rẽ trái đi quốc lộ 38 - quốc lộ 21B - quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); hoặc rẽ phải đi quốc lộ 38 - qua cầu Yên Lệnh - quốc lộ 39A - đường tỉnh 379 - nút giao với vành đai 3 (cầu Thanh Trì).
Hướng phương tiện từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La...) và ngược lại như sau: Đại lộ Thăng Long - đường Tản Lĩnh - Yên Bài - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; quốc lộ 6 - thị trấn Xuân Mai - Hòa Bình.
Phương tiện từ TP Hà Nội đi các tỉnh phía Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương...) và ngược lại có thể theo các hướng: Đường Cổ Linh - nút giao vành đai 3 đường Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hoặc đường tỉnh 379 đi Hưng Yên, Hải Phòng; hoặc quốc lộ 5 cũ (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận) đi Hải Dương.