Về nhà chồng là vui như Tết
Nhắc đến hai chữ "nhà chồng", có người rùng mình sợ hãi, có người e dè hơn thì xua tay "Không đời nào nhà chồng bằng nhà mình được"... Ấy vậy mà vẫn có những nàng dâu lại thích ở nhà chồng hơn cả nhà mình, đơn giản vì nhà chồng lúc nào cũng vui vẻ...
Là một nàng dâu lấy chồng xa, Nguyễn Hằng (31 tuổi, quê ở Hà Nội, lấy chồng ở Vinh - Nghệ An) mỗi lần nhắc đến nhà chồng, ánh mắt lại lấp lánh niềm vui và những câu chuyện kể về nhà chồng của cô dường như không bao giờ dứt. Bản thân Hằng là con một, làm dâu ở gia đình có 3 người con trai, chồng Hằng là con út. Cô cho biết, trước khi cưới nhau, bố mẹ cô đã phản đối kịch liệt vì không muốn con gái đi lấy chồng xa, lại phải chuyển hẳn công việc về quê chồng. Hai người đã bất chấp tất cả để đến với nhau. Hằng tâm sự: "Cho đến giờ phút này, khi vợ chồng mình đã có hai con, chưa bao giờ mình hối hận vì đã không nghe lời cha mẹ. Không phải vì chồng mình hoàn hảo mà bởi nhà chồng quá tốt, quá vui nên cuộc sống đi làm dâu của mình nhẹ nhàng lắm".
Bà mẹ hai con kể, sau khi cưới, thấy chồng bảo sẽ sống chung với bố mẹ chồng, hai gia đình anh trai chồng (mỗi nhà đều đã có 2 con) cùng một nhà luôn mà cô choáng. "Chỉ nói một từ thôi, lúc ấy 'sốc toàn tập'. Đại gia đình với tất cả 8 con người chưa kể trẻ con ăn uống cùng mâm, sinh hoạt cùng một nhà, sao không choáng được. Nhà mình trước giờ chỉ có 3 người, bước chân về nhà chồng lúc nào cũng đông đúc như có cỗ, mình lo lắng đến mức không thể ngủ", Hằng cho biết.
Nhưng cuộc sống ở nhà chồng lại khác xa với những lo lắng của cô gái này: "Đúng là nhà chồng mình sống chung mấy cặp đôi liền, nhưng chưa bao giờ có va chạm xảy ra. Mẹ chồng mình đã về hưu nên mẹ lo nấu nướng cho cả nhà. Các anh chồng, chị dâu và cả vợ chồng mình đều đi làm, mỗi khi về, thấy mẹ nấu dưới bếp lại xuống nấu cùng, người nhặt rau, người rửa bát. Ai cũng tự giác làm việc nhà, kể cả các anh chồng. Khi ăn cơm thì chuyện trò rôm rả, xong dọn dẹp tươm tất thì ai về phòng người nấy".
Cuộc sống ở nhà chồng lại khác xa với những lo lắng của cô (Ảnh minh họa).
Khi được hỏi có cảm thấy cuộc sống chung ở nhà chồng có phức tạp, Hằng thẳng thắn chia sẻ: "Thú thực là mình không thấy phức tạp, thật lòng đấy, không phải nói cho đẹp lòng nhà chồng đâu. Có lẽ do mình may mắn khi sống chung với mọi người trong gia đình chồng ai cũng dễ tính, thẳng thắn và vui vẻ. Việc gì không phải, mọi người đều góp ý nhẹ nhàng, kể cả là mẹ chồng, bố chồng cho đến con cháu. Nếp sống vậy quen rồi nên cả nhà lúc nào cũng thoải mái, tràn ngập tiếng cười mà vẫn nề nếp, không lộn xộn".
Nói về ý định sống riêng, Hằng cho biết cô chưa bao giờ nghĩ đến việc sống riêng: "Trước khi lấy chồng, mình nghĩ sống riêng là quyết định đúng đắn nhất. Nhưng từ ngày về làm dâu nhà chồng mình đã thay đổi suy nghĩ. Cuộc sống ở đó mang lại cho mình cảm giác sum vầy, đầm ấm mà những nhà con một như nhà mình không bao giờ có được. Hơn nữa nhà chồng mình rộng, ở chung nhưng nhà ai cũng có không gian riêng để không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của nhau. Lúc nào mình cũng bảo mẹ đẻ, bạn bè mình là 'Ở nhà chồng vui như Tết'. Mọi người cứ thử đến sẽ biết liền".
Không sống chung với đại gia đình chồng như Nguyễn Hằng nhưng chị Hạnh (Thái Thịnh, Hà Nội) cũng có chung cảm giác 'Về nhà chồng là vui như Tết'. Nhà chồng chị Hạnh có hai người con, đều đã lập gia đình và ở riêng. Cứ thành lệ, cuối tuần nào cũng vậy, hai cặp vợ chồng cùng con gái đưa nhau về nhà ông bà tụ tập, ăn cơm. "Khi thì thứ 7, khi là chủ nhật, bố mẹ chồng đã quán triệt tư tưởng ai bận việc gì cũng sắp xếp trước để đại gia đình được quây quần bên nhau trong một bữa cơm chung. Việc này duy trì từ ngày mình mới về làm dâu, đến nay đã hơn 10 năm", chị Hạnh kể.
Cứ rảnh rỗi hay tiện đường vợ chồng chị lại đưa con về nhà bố mẹ chồng (Ảnh minh họa).
Bố mẹ chồng chị Hạnh đều đã về Hưu song các cụ cũng bận rộn với hoạt động ở các hội nhóm, về quê... Dù đi đâu, làm gì ông bà cũng sắp xếp để có 1 ngày cuối tuần ở nhà đón con cháu đến rồi cả nhà cùng nhau bày biện nấu nướng món nọ, món kia. Kể về những cuộc vui ở nhà chồng, chị Hạnh tâm sự: "Thực sự là rất vui. Trước khi lấy chồng, mình không biết nấu nướng gì cả, nhờ những buổi gia đình tụ họp đó mà mình học được rất nhiều món tủ của mẹ chồng, những món Âu Á của chị chồng. Lần nào về nhà bố mẹ chồng, lũ trẻ nhà mình, nhà hai bác cũng háo hức được chơi với nhau; còn mình thì rôm rả bàn luận với mẹ với chị xem hôm nay thể hiện món gì... Cũng nhờ những buổi đó mà mình với mọi người trong gia đình chồng thân thiết, gần gũi chẳng khác nào ruột thịt".
Chị Hạnh thú thực, lúc đầu chị cũng thấy hơi khó chịu với thói quen tụ tập này, bởi đi làm cả tuần, chị muốn được ở nhà nghỉ ngơi. Dần dần, các buổi về nhà chồng đó vui vẻ, chị lại được tám chuyện của phụ nữ, được học nữ công gia chánh, thành ra lại thấy thích và coi đó chẳng khác nào một ngày nghỉ ngơi, không nghỉ ở nhà nhưng rất thú vị và thoải mái chẳng khác nào ở nhà. "Suy cho cùng ông bà có thương con quý cháu mới giữ được nếp sống như vậy. Bao năm nay từ ngày về nhà chồng, mình mới nghiệm ra rằng ai cũng bận rộn, cũng muốn riêng tư, thích nghỉ ngơi nên chẳng mấy nhà có ý định dành thời gian để sum họp gia đình đông đủ kiểu ấy. Nhiều nhà xa cách nhau cũng là vì vậy. Mình thực sự quý trọng bố mẹ chồng vì điều đó. Lúc nào mình cũng thích về nhà chồng, cứ rảnh rỗi hay tiện đường mình lại sà về nhà bố mẹ, khi thì một mình, lúc dắt díu cả hai con và hẹn chồng đi làm tạt về luôn", chị Hạnh cười vui kể.