Vbiz đầu năm 2013: Quá nhiều sự mất mát lớn
Làng giải trí Việt đầu năm 2013 phải chứng kiến sự ra đi của nhiều cây đại thụ. Họ đều là những nghệ sĩ gạo cội, có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật của đất nước.
Làng giải trí Việt đầu năm 2013 phải chứng kiến sự ra đi của nhiều cây đại thụ. Họ đều là những nghệ sĩ gạo cội, có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật của đất nước.
4 tháng đầu năm 2013, chúng ta có quá nhiều cuộc chia ly mãi mãi. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phạm Duy, đạo diễn Hải Ninh, nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSƯT Hồ Kiểng, nghệ sĩ Văn Hiệp là những cái tên khi nhắc đến đều nhận được sự kính trọng từ công chúng và các đồng nghiệp.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Từ trần ngày 9/1, nhạc sĩ đặt dấu kết cho cuộc đời 82 năm tồn tại đầy ý nghĩa và để lại một di sản đồ sộ cho nền âm nhạc nước nhà. Ông là tác giả của những ca khúc thuộc hàng kinh điển của âm nhạc Việt Nam như Nhớ về Hà Nội, Lá Đỏ, Trở về dòng sông tuổi thơ, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây,... Bấy nhiêu những ca khúc mang tính đại chúng đó cũng đủ thấy nhạc sĩ Hoàng Hiệp thực sự là một "kho báu" của làng nhạc Việt.
Chủ tịch nước và các cán bộ cao cấp đều gửi lẵng hoa, hàng trăm lượt người đến viếng trong 2 ngày tổ chức lễ tang đã cho thấy sự tiếc thương vô hạn của công chúng đối với ông. Hai nữ diva Hồng Nhung và Mỹ Linh - từng thể hiện thành công 2 ca khúc bất hủ của Hoàng Hiệp là Nhớ về Hà Nội và Trở về dòng sông tuổi thơ - đều lên báo ca ngợi về tài năng của ông. Hồng Nhung còn cho rằng tuy ông ra đi nhưng những giai điệu của ông là "bất tử".
Nhạc sĩ Phạm Duy
18 ngày sau khi nhạc sĩ Hoàng Hiệp ra đi, công chúng lại đón nhận thêm tin buồn: tượng đài của nền âm nhạc Việt Nam - nhạc sĩ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùngvào trưa ngày 27/1, hưởng thọ 92 tuổi. Nhạc sĩ ra đi sau khi nhập viện cấp cứu 3 ngày trước đó trong tình trạng nguy kịch. Theo một số nguồn tin, sức khỏe nhạc sĩ có phần xấu hơn do những ảnh hưởng tâm lí từ sự ra đi của con trai ông là ca sĩ Duy Quang hồi cuối năm 2012.
Ông ra đi để lại một kho tàng ca khúc thuộc vào hàng khổng lồ nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam: trên 1000 bài hát! Những ca khúc mang âm hưởng hoành tráng như Tình ca, Ngày Trở Về của ông luôn được cất lên ở những sự kiện âm nhạc tầm cỡ.
Sức ảnh hưởng của Phạm Duycó thể gói gọn trong lời phát biểu của Ánh Tuyết tại lễ tang của ông: "Một nhạc sĩ như Phạm Duy, tôi không biết phải bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ nữa mới có một vị nhạc sĩ vĩ đại như thế. Ông rất hoàn hảo trong âm nhạc". Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gọi đây là "mất mát quá lớn cho âm nhạc Việt Nam". Ngày cuối, đưa tiễn ông về với trời là sự có mặt của rất nhiều các nghệ sĩ lớn thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
Nếu xem Phạm Duy là cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam, thì đạo diễn Hải Ninh chính là người đặt nền móng cho nền điện ảnh Việt. Ông từ giã cuộc đời vào rạng sáng ngày 5/2 sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Vị đạo diễn tài hoa hưởng thọ 82 tuổi. Những đóng góp lớn nhất của ông cho đến giờ này là giá trị của nhiều bộ phim nổi tiếng từ thuở sơ khai của điện ảnh Việt như: Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mối Tình Đầu...
Ngày tiễn ông về cõi vĩnh hằng, những tên tuổi diễn viên lớn của điện ảnh Việt Nam như Như Quỳnh, Trà Giang, Minh Châu, Lan Hương đều có mặt. Đạo diễn cũng là tấm gương và có tầm ảnh hưởng lớn đến một thế hệ các đạo diễn điện ảnh sau này. Đặc biệt, con trai đạo diễn Hải Ninh là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân vàcon dâu ông - đạo diễn Nhuệ Giang hiện nay đều là những đạo diễn giỏi của nền nghệ thuật thứ 7.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu
Có thể nghệ nhân Hà Thị Cầu không được nhiều người biết đến bằng những tên tuổi lớn của các nền nghệ thuật đại chúng khác, nhưng với nghệ thuật hát Xẩm, bà là "báu vật nhân văn sống", là nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ 20. Nữ nghệ nhân từ trần vào ngày 3/3, hưởng thọ 82 tuổi - 82 năm bà sống lẻ loi, cô độc giữa cuộc đời. Nhưng với hát Xẩm, bà luôn sống với niềm đam mê như ăn vào máu thịt.
Thứ trưởng đến viếng đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu
NSƯT Hồ Kiểng
Chiều ngày 3/4, "ông già Nam Bộ" Hồ Kiểng trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở Tp.HCM, hưởng thọ 84 tuổi. Ông ra đi bất ngờ khi trước đó vẫn còn khỏe mạnh. Nhiều khán giả đã từng quen thuộc với Hồ Kiểng qua vai bác nông dân chất phác, hài hước trong những bộ phim đậm chất Nam Bộ đã bàng hoàng khi nghe tin ông không còn nữa. Diễn viên từng được ghi nhận kỉ lục đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam chưa bao giờ cảm thấy mất đi niềm tin yêu vào cuộc sống.
Vai diễn bác Ba trong "Đất phương Nam" của NSƯT Hồ Kiểng luôn nằm trong tim của người hâm mộ phim ảnh Việt
Những bộ phim kinh điển đậm chất Nam Bộ như Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Hòn Đất, Ván bài lật ngửa... không bao giờ có thể vắng mặt Hồ Kiểng. Ông là "linh hồn" không thể thiếu của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng mặc dù chỉ vào những vai phụ. Lễ tang của ông cũng tràn đầy cảm xúc từ những đồng nghiệp nhỏ tuổi kính trọng ông, hay người bạn già Mạc Can cũng chân chất như ông.
Nghệ sĩ Văn Hiệp
Trùng hợp đến đau lòng là chưa tới một tuần sau ngày "ông già Nam Bộ" Hồ Kiểng qua đời, "bác trưởng thôn" của làng quê Bắc Bộ cũng ra đi vĩnh viễn vào sáng hôm qua (9/4). Ông hưởng thọ 71 tuổi. Cũng giống như Hồ Kiểng, nghệ sĩ Văn Hiệp là hình ảnh quen thuộc của nhiều thế hệ khán giả yêu quý và trân trọng sự hóm hỉnh, giản dị của một người nghệ sĩ chân chính và yêu nghề hết mực.
Sự ra đi của Văn Hiệp cũng là một cú sốc lớn đối với giới nghệ sĩ. Nhiều cái tên nổi tiếng từ Bắc đến Nam đều đồng loạt thể hiện sự đau buồn và tiếc thương ông trên các phương tiện truyền thông và trang cá nhân của mình.
Văn Hiệp để lại cho đời cả một gia tài những vai diễn phong phú: có cả bi lẫn hài. Hầu hết các nghệ sĩ khi làm việc với ông đều đồng ý "Văn Hiệp là nghệ sĩ của nhân dân" khi hàng ngày ông vẫn lặng lẽ đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam những vai diễn để đời.
Bằng sự hăng say và hết mình cho công việc, ông lấy niềm vui của khán giả làm niềm an ủi trong cuộc sống. Tang lễ của nghệ sĩ Văn Hiệp sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới. Và chắc chắn sẽ có rất đông các nghệ sĩ đến tiễn đưa ông lần cuối, để cho ông một chút ấm lòng ngày ra đi.