Vay 35 triệu của chị gái nhưng bị đòi 7 chỉ vàng giữa lúc giá lập đỉnh, cô gái có cách xử lý quá hay
Giải pháp này là hợp lý và được nhiều người đồng tình.

Điều khó xử khi vay tiền người thân
Vay tiền người thân là một trong những cách nhanh và hợp lý. Bởi trong nhiều trường hợp, người thân còn sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình và tính lãi ít hơn so với việc vay bên ngoài. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào vay tiền người thân cũng có cái kết tốt đẹp!
Như mới đây, cộng đồng mạng lại được phen bàn luận khi thấy cô gái kể chuyện vay tiền chị gái ruột. Cô gái tâm sự vay 35 triệu của chị gái, khi đó giá vàng là 6 triệu/chỉ. Cô gái định trả lại 40 triệu, nhưng người chị lại đổi quy đổi ra 7 chỉ vàng. Trong khi giá vàng đang tăng như hiện tại thì cô gái gần như "khóc thét" khi bị quy đổi ra như vậy.

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, cô gái tâm sự như sau:
"Lúc trước em có mượn của chị gái em 35 triệu (giá vàng lúc đó hơn 6 chỉ - em lấy TIỀN MẶT). Em làm ăn thua lỗ nên chưa trả được có hẹn chị sang năm em trả 40 triệu (xem như thêm chút tiền lời).
Chị đồng ý nhưng khoảng 2,3 tháng sau chị quy ra vàng kêu em trả vàng. Em có năn nỉ nhưng chị nói chị bán 7 chỉ vàng cho em mượn. Thực tế em không biết thiệt hay không. Lúc cho mượn chị cũng không nói gì, mà thời điểm đó em đang điều trị hiếm muộn vừa lo tiền trả nợ, vừa lo tìm con nên có bao nhiêu dồn hết vào tìm con của tụi em.
Tới lúc có bầu em không đi làm được 1 mình chồng gồng nuôi 2 mẹ con và trả được 2 chỉ vàng còn 5 chỉ nữa. Mà bây giờ con em mới 4 tháng, em cũng chưa đi làm được mà giá vàng tăng lên hơn 11 triệu rồi. Em định vay ngân hàng 60 triệu trả 5 chỉ vàng cho xong, rồi cho chồng đi làm từ từ trả nợ lại được không ạ? Cho em xin ý kiến với ạ".

Ảnh minh hoạ.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khuyên cho cô gái này. Đa số đều nhận xét cô chị gái khá tính toán với em gái. Nhiều dân mạng khuyên "vay tiền trả tiền, vay vàng trả vàng", song khi người chị đã tính toán như thế, nếu cô em gái không trả bằng vàng thì cũng sẽ khó sống về lâu này.
Netizen nhận xét đáng lẽ ban đầu thì em gái nên xác định sẵn và rõ ràng về việc nên trả tiền lại thế nào: Trả bằng tiền hay trả bằng vàng? Trả theo lãi ngân hàng hay không trả lãi?... - những điều này nên có cam kết và thoả thuận rõ ràng.
Nếu em gái đã xác định vay 60 triệu để trả, điều này cũng dễ hiểu và cũng giúp cô gái đỡ lằng nhằng chuyện tiền nong về sau. Tuy nhiên, nhiều người cũng khuyên cô gái nên hạn chế vay tiền người chị gái có tính cách khá tính toán với người thân thế này.

Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Nếu bạn nghĩ được như vậy thì cứ mạnh dạn vay 60 triệu trả cho xong đi bạn, tiền vẫn có thể kiếm lại được thôi. Dù gì chị ấy cũng đã giúp bạn vốn liếng làm ăn. (Mình không nói cách tính của chị ấy đúng, nhưng mình thấy cách suy nghĩ của bạn rất hay và văn minh, hãy làm như vậy cho gọn)".
- "Vay ngân hàng trả luôn đi bạn. Chứ vàng mấy hôm nay đang tăng, thì tiền lãi vay vẫn ít hơn vàng tăng. Đầu năm 2018 mình cho cậu (em trai mẹ) vay 1 cây vàng (lúc đó giá 36) để làm nhà. Đến cuối 2020 cậu làm ăn được nên sang trả, tính giá vàng là 53 triệu. Mà chồng mình thương cậu chưa vợ con vất vả lấy cậu 40 triệu tiền mặt. Đúng là mỗi người mỗi tính. Nhà mình lúc em gái mình khó khăn, chồng mình còn bảo mình cho dì tiền thêm thắt nuôi con, nhiều khi vay xong đến lúc trả mình cũng cho chứ không lấy".
- "Đúng là vay gì trả nấy, vay vàng trả vàng vay tiền trả tiền. Nhưng chị đã tính toán như thế thì thôi trả cho xong cho nhẹ người bạn ạ. Nhiều người hẳn sẽ nói chị em ruột sao lại tính toán như thế, nhưng đó là những người họ có anh chị e ruột tốt thật sự. Nhưng trên đời này không phải ai cũng được như thế, phải trả hết nợ cho nhẹ lòng bạn nhé và rút kinh nghiệm sau này có vay mượn gì nói rõ ngay từ đầu."
- "Chị em ruột thế này thì thôi bạn ạ. Trả xong cũng giãn dần ra. Nhà mình chị gái cho vay vàng lúc 35.5 triệu/lượng. Lúc chị cần thấy vàng cao quá lại còn lo cho mình cao quá. Quy ra tiền mặt 110 tr lúc đó thêm 30 triệu lãi. Tổng thể 140 triệu sau 5 năm vay. Mình thật sự biết ơn những người ruột thịt của mình lắm ấy."
- "Chưa hiểu lắm, vay tiền thì trả tiền chứ vàng liên quan gì ở đây. Chị bạn có giấy tờ gì không mà chị bảo là bán vàng cho em mượn. Nếu chị em tình cảm thì nhịn mà trả cho xong, rồi dừng mượn tiền thôi. Chứ bạn trả lãi 5 triệu, tương đương 15%/năm là cũng cao rồi".
- "Chị mà như vậy là cũng không coi bạn là em nữa rồi. Nếu không phải lo bố mẹ buồn lòng, chị em tan rã thì bạn cứ cư xử theo lý thôi. Nếu muốn quy ra vàng thì nói ngay từ trước khi vay (nói là vàng chắc gì bạn đã vay). Trả cho chị bạn theo lãi của ngân hàng cao nhất, thậm chí cao hơn cũng được trong thời điểm đó. Vay đi mà trả, thà vay ngân hàng còn tử tế với mình hơn. Còn nếu không muốn căng thẳng, bố mẹ ko buồn thì vay ngân hàng trả luôn, khỏi nghĩ ngợi. Chị gì tham của em vài chục triệu trong hoàn cảnh khó khăn như vậy trời".
Vay tiền người thân – Hành động cần sự cân nhắc kỹ lưỡng
Vay tiền từ người thân là một giải pháp phổ biến khi cần giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách, nhờ sự tin tưởng và linh hoạt hơn so với ngân hàng. Tuy nhiên, việc vay mượn này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình nếu không được xử lý khéo léo, dẫn đến hiểu lầm hoặc căng thẳng.
1. Chỉ vay khi thực sự cần thiết
Trước khi vay tiền từ người thân, bạn cần đánh giá xem nhu cầu vay có thực sự cấp bách và liệu bạn có khả năng trả nợ đúng hạn. Chỉ nên vay cho các mục đích thiết yếu, như chi phí y tế, học phí, hoặc sửa chữa nhà cửa, thay vì các nhu cầu không cần thiết như mua sắm xa xỉ hay tổ chức tiệc tùng.
Ví dụ, nếu cần 15 triệu để trả viện phí, hãy lập kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập, như trả 3 triệu/tháng trong 5 tháng từ lương 10 triệu/tháng. Nếu không có nguồn thu ổn định để trả, hãy tìm giải pháp khác, như tiết kiệm hoặc làm thêm, để tránh gây áp lực cho bản thân và người cho vay.
2. Chọn người thân vay cho phù hợp
Không phải mọi người thân đều là lựa chọn tốt để vay tiền, vì vậy hãy cân nhắc kỹ ai là người bạn nên tiếp cận. Ưu tiên những người có khả năng tài chính ổn định, mối quan hệ thân thiết, và sẵn lòng giúp đỡ mà không tạo áp lực. Ví dụ, vay từ bố mẹ hoặc anh chị em thường dễ dàng hơn so với cô dì chú bác, vì mức độ tin tưởng cao hơn.
Hãy tìm hiểu xem người đó có đang gặp khó khăn tài chính hay không, để tránh vô tình gây gánh nặng. Một cuộc trò chuyện chân thành về hoàn cảnh của bạn sẽ giúp đánh giá xem họ có thể cho vay mà không ảnh hưởng đến mối quan hệ.

Ảnh minh hoạ.
3. Ghi rõ điều khoản vay mượn
Để tránh hiểu lầm, bạn cần thỏa thuận rõ ràng với người thân về số tiền vay, thời hạn trả nợ, và có tính lãi hay không, tốt nhất là ghi thành văn bản đơn giản. Ví dụ, nếu vay 20 triệu từ chị gái với cam kết trả trong 6 tháng, hãy viết giấy vay nêu rõ "vay 20 triệu, trả hết trước 30/10/2025, không lãi hoặc lãi 6%/năm".
Nhiều người ngại lập giấy tờ với người thân vì sợ mất lòng, nhưng một biên bản thân thiện sẽ giúp cả hai bên hiểu trách nhiệm và tránh tranh cãi sau này. Nếu không dùng giấy tờ, hãy xác nhận qua tin nhắn để có bằng chứng. Minh bạch từ đầu sẽ giữ được sự tôn trọng và tin tưởng giữa hai bên.
4. Giữ thái độ trách nhiệm và trả nợ đúng hạn
Khi vay tiền từ người thân, bạn cần thể hiện trách nhiệm bằng cách trả nợ đúng hạn và duy trì giao tiếp cởi mở. Nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ, hãy thông báo sớm và đề xuất kế hoạch mới, như xin gia hạn hoặc trả dần.
Ví dụ, nếu bạn hứa trả 5 triệu/tháng nhưng mất việc, hãy nói rõ với người thân và cam kết trả 2 triệu/tháng cho đến khi ổn định. Tránh thái độ né tránh hoặc trì hoãn, vì điều này có thể làm mất lòng tin. Một cử chỉ nhỏ như cảm ơn hoặc cập nhật tiến độ trả nợ sẽ giúp người cho vay cảm thấy được tôn trọng, giữ mối quan hệ tốt đẹp.
5. Chuẩn bị cho rủi ro để bảo vệ tài chính và mối quan hệ
Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị cho khả năng trả nợ chậm hoặc không trả được, vì điều này có thể làm tổn thương mối quan hệ với người thân. Trước khi vay, hãy đảm bảo bạn có quỹ dự phòng hoặc nguồn thu nhập phụ để phòng rủi ro, như làm thêm để kiếm 2-3 triệu/tháng. Nếu tình huống xấu xảy ra, hãy ưu tiên trả một phần nhỏ để thể hiện thiện chí, thay vì im lặng.
Đồng thời, đừng để việc vay mượn trở thành thói quen, vì điều này dễ khiến người thân mất niềm tin hoặc cảm thấy bị lợi dụng. Cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ vay khi thực sự cần sẽ giúp bạn bảo vệ cả tài chính cá nhân lẫn tình cảm gia đình.