Vật vã lo lương tháng 13

Ngọc Mai- Dương Hưng - Việt Linh,
Chia sẻ

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đang chật vật lo lương cũng như thưởng Tết. Năm nay, thưởng Tết cho lao động, nhân viên nhiều ngành nghề được dự báo là thấp chưa từng có do nhiều doanh nghiệp cũng trong cảnh "túng quẫn".

Thị trường bất động sản gặp khó khăn suốt từ giữa năm 2022 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các doanh nghiệp địa ốc hầu hết đều trong cảnh không có doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm rất mạnh. Tình hình kinh doanh èo uột khiến thưởng Tết năm nay được dự báo rất khó khăn.

Vật vã lo lương tháng 13 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp địa ốc không còn thưởng Tết bằng nhà lầu, xe hơi

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Địa ốc Đất xanh miền Bắc cho biết, 2023 là năm nhiều biến động nhưng doanh nghiệp ông may mắn khi hiện tại vẫn có dự án để phân phối. Tuy nhiên, doanh thu không thể bằng năm ngoái và hiện doanh nghiệp vẫn phải lo lương hằng tháng cho 400 nhân viên nên công ty không nghĩ đến thưởng Tết. “Chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất cao nên đã chia sẻ với nhân viên để mọi người hiểu và thông cảm. Năm ngoái, dù thị trường bất động sản còn khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn còn tiền tích lũy thì năm nay đã không còn.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho rằng, tiền thưởng Tết nhân viên bất động sản cao hay thấp dựa vào doanh số kinh doanh. Năm nay, nhìn chung các doanh nghiệp bất động sản doanh số đều sụt giảm.

“Hiện tại, doanh nghiệp còn khó khăn hơn năm ngoái. 2 năm nay, không có chuyện thưởng nhà lầu, xe hơi trong giới địa ốc. Nhiều doanh nghiệp bất động sản duy trì thưởng tháng lương thứ 13 là sự cố gắng lớn. Năm nay, các doanh nghiệp địa ốc thưởng Tết thấp chưa từng có”, ông Toản nói. Theo ông Toản, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn đến tận sang năm 2024. “Có những đơn vị phân phối, thậm chí cả chủ đầu tư phải giảm số lượng nhân viên rất lớn vì áp lực tài chính. Có những doanh nghiệp chịu tác động kép khi lãi suất cho vay của ngân hàng tăng và thời hạn đáo hạn trái phiếu đến. Nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động để lấy lại niềm tin của khách hàng chứ chắc chắn không có tiền thưởng Tết cho nhân viên”, ông Toản chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Cty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành 4, tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Giá gạo xuất khẩu có thời điểm cao. “Giá gạo tăng chỉ có lợi cho nông dân còn doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó. Năm nay, chúng tôi cố duy trì thưởng lương tháng 13 chứ không có sự đột phá. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, ngành xuất khẩu gạo cũng không tránh khỏi tác động”, ông Thành nói.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn của ngành dệt may. “Trong bối cảnh ấy, việc duy trì sản xuất, có việc làm cho 3.000 lao động không dễ. Quý IV hiện nay, chúng tôi đủ đơn hàng, nhưng tới quý I năm sau thì chưa, vẫn đang tiếp tục đàm phán. Dù tình thế ra sao, doanh nghiệp luôn cố gắng chăm lo đời sống cho anh chị em, bởi đây là ngành sử dụng nhiều lao động”, ông Hồng chia sẻ.

Chủ tịch May Sài Gòn 3 cũng cho biết, kế hoạch thưởng Tết, lịch nghỉ Tết đang được cân nhắc và chưa có số liệu chính thức. Tuy nhiên, lao động chắc chắn có thưởng Tết, và có chuyến xe đưa đón công nhân về quê.

Ông Phạm Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, dù tình khó khăn, nhưng năm qua, công ty chưa phải cắt giảm lao động. Dịp cuối năm, Việt Thắng Jeans cũng đang gấp rút xây dựng kế hoạch thưởng Tết. Dù chưa có con số chính thức nhưng ông Thắng tiết lộ, lao động ít nhất có lương tháng 13.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn

Ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đánh giá, tình hình kinh tế năm nay gặp nhiều khó khăn nên rất khó có thể dự báo về tình hình thưởng Tết. Nhiều khả năng vẫn phải chờ báo cáo tổng hợp từ địa phương, sau đó Bộ LĐ-TB&XH mới đưa ra thông tin cụ thể.

Theo ông Lai, Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp trong dịp giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Bộ yêu cầu các địa phương tổng hợp thông tin này và gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương trước ngày 25/12.

Ông Lai cho biết, hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiền thưởng Tết, việc thưởng Tết cho người lao động hiện nay áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Bộ Luật Lao động năm 2019.

Trước tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ông Lai cho rằng, trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, họ hoàn toàn có thể không nhận được thưởng Tết. “Bức tranh lương, thưởng Tết sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị nhất là quý IV/2023”, đại diện Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho hay.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đã đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn, hỗ trợ DN trên địa bàn phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định, nội dung đã thỏa thuận.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản nên vấn đề lương, thưởng của người lao động trong những ngành nghề này sẽ khó khăn hơn mọi năm. Ngoài tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện mà các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết như tặng tiền tàu xe về quê đón Tết, hoặc bố trí xe đưa người lao động về quê, bố trí hợp lý thời gian nghỉ Tết, đặc biệt là đối với lao động làm việc xa quê…
Chia sẻ