Văn phòng đang yên ắng thì vợ sếp đùng đùng lao vào với xấp giấy sao kê ngân hàng trên tay, chuyện xảy ra sau đó khiến tôi e sợ

Thanh Uyên,
Chia sẻ

Lúc đó, tôi thấy tiền bạc sao mà bạc đến thế.

Tôi là trợ lý riêng của sếp Minh. Và tôi biết ví của anh lúc nào cũng lép kẹp.

Nghe thì vô lý, vì anh là phó giám đốc chi nhánh – người đàn ông luôn bước vào công ty với sơ mi là lượt, giày Tây bóng loáng, đồng hồ Thụy Sĩ trên tay và điện thoại đời mới. Người ta nhìn vào tưởng anh giàu có, đĩnh đạc, tài chính vững vàng. Còn tôi – người sắp xếp lịch họp, người in hợp đồng, người cầm thẻ công ty đi cà phê thay anh – tôi biết sự thật không lấp lánh như bề ngoài ấy.

Đôi lần, anh bảo tôi ứng cho vài chục nghìn gửi xe, vì "quên không rút tiền". Rồi có lần khác, giữa cuộc gặp đối tác, anh ghé tai tôi thì thầm mượn một triệu để chuyển khoản gấp, nói chiều về sẽ hoàn. Nhưng chiều hôm ấy thường kéo dài sang... vài tuần sau, nếu tôi không nhắc.

Tôi không bận tâm lắm, cho đến khi số lần ấy nhiều lên. Tôi bắt đầu để ý. Lương anh không thấp – hơn 50 triệu chưa kể hoa hồng. Vậy tiền đi đâu?

Có lần anh say, tôi giúp anh mở điện thoại để gọi vợ anh – chị Trang – đến đón. Trong màn hình tin nhắn chưa xóa, tôi vô tình thấy vài dòng khiến mình chững lại. Đó là dòng tin nhắn anh gửi cho mẹ đẻ anh, dặn bà đừng cho vợ anh biết nguồn gốc số tiền dùng để xây nhà. 

Thấy tôi có vẻ suy đoán ra, anh liền nhân cơ hội say, kể lể chuyện nhà. Hóa ra, mỗi tháng, anh cắt đôi lương: một nửa đưa vợ, nửa gửi bố mẹ xây nhà mới ở quê. Tất cả đều được gói trong một kịch bản cẩn thận, miễn sao vợ không biết. Vì nếu biết, anh nói, sẽ "tan cửa nát nhà".

Tôi hiểu và thấy thương anh, một kiểu thương khó nói thành lời – vì giữa vẻ ngoài chỉn chu và sự khéo léo của một người đàn ông trưởng thành là một kiểu kẹt: kẹt giữa đạo làm con và nghĩa làm chồng.

Văn phòng đang yên ắng thì vợ sếp đùng đùng lao vào với xấp giấy sao kê ngân hàng trên tay, chuyện xảy ra sau đó khiến tôi e sợ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mọi thứ vẫn lặng lẽ trôi cho đến một ngày thứ Sáu. Một ngày tưởng như bình thường, cho đến khi chị Trang – vợ anh – xuất hiện ở văn phòng. Chị không cười. Trên tay là bảng sao kê ngân hàng, còn ánh mắt thì như muốn bóc tung mọi vỏ bọc.

Cửa phòng sếp đóng im ỉm nhưng tiếng chị Trang oang oang trong đó vọng ra thì ai cũng vểnh tai nghe ngóng. Tôi nghĩ, chắc chị Trang biết chuyện nên bực bội đến chất vấn chồng. Chị Trang là kiểu người nóng nảy, thế nên nhiều việc, sếp Minh phải giấu chị tuyệt đối. Như lần này, nếu là người khác sẽ chờ chồng về để ầm ĩ ở nhà, nhưng chị thì đùng đùng như thuốc súng, tới tận văn phòng hỏi thẳng, khiến nhân viên ai cũng hóng hớt.

30 phút sau, chị lại đùng đùng bỏ đi như lúc chị đến. Tôi phải ngồi chờ 20 phút rồi mới dám bước vào phòng sếp, chỉ thấy anh ngồi sụp trên ghế, tháo đồng hồ, đặt lên mặt bàn như một phản xạ vô thức. Rồi quay sang tôi, giọng khàn khàn, bảo nếu tôi còn tiền mặt, cho anh vay tạm vài trăm, tối anh sẽ trả.

Lúc đó, tôi thấy tiền bạc sao mà bạc đến thế. Trước mặt tôi là một người đàn ông đang độ tuổi tráng niên, có địa vị xã hội, thế mà trông như chẳng còn đủ sức để chống đỡ hai mái nhà cùng lúc – một mái là gia đình lớn anh cặm cụi lo lắng, một mái là cuộc hôn nhân đang có nguy cơ rạn nứt. Nhìn sếp, tôi rút ra một kinh nghiệm, có lẽ trong hôn nhân nên thành thật với nhau, dù bất cứ chuyện gì, cũng sẽ không đến nỗi phải đi vay lặt vặt vài chục, vài trăm nghìn mỗi tuần thế này.

Chia sẻ