Vấn nạn dạy thêm, học thêm: Kiệt sức học thêm
Học cả ngày ở trường chưa đủ, học sinh đang phải chạy “sô” học thêm ở các trung tâm buổi tối cũng như các ngày nghỉ. Cả xã hội chạy đua, phụ huynh cũng bước vào đường đua và điều thấy rõ nhất chính là tốn kém cả tiền bạc lẫn sức khỏe, thời gian của chính mình và con cái.
Ngày học 3 ca, cả tuần không có lấy một buổi trống lịch. Nhiều học sinh đang bị dồn ép học chính, học thêm từ sáng sớm tới đêm muộn dẫn đến kiệt sức.
Khoảng 6 giờ sáng, khi còn ngái ngủ, Nguyễn Vũ Hồng Anh, học sinh lớp 4, một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) được mẹ gọi dậy ăn sáng để đi học. Hồng Anh có em là học sinh lớp 1 cùng trường nên mẹ chở 2 chị em đến trường bằng xe máy. Nhà cách trường 5 cây số nên đúng 7 giờ, mẹ con phải ra đường bước vào cuộc đua đầu tiên, mà đích đến là cổng trường tiểu học trước 8 giờ kém 20 phút.
Theo thời khoá biểu nhà trường xây dựng, Hồng Anh học 7-8 tiết/ngày, chia làm hai buổi. Buổi trưa, con ăn cơm bán trú xong, lên bàn ngủ và đúng 2 giờ sẽ học buổi chiều. Thời gian kết thúc chương trình là 4 giờ 30 phút. Sau đó, mẹ sẽ tới trường đón hai chị em chở thẳng đến một trung tâm dạy tiếng Anh để kịp cho ca học từ 5 giờ 30 đến 7 giờ tối.
“Cả tuần, em gần như kín lịch. Về đến nhà kiệt sức, em chỉ muốn ngủ nhưng còn phải gồng gánh đống bài tập trước mắt. Ngày nào em cũng đi ngủ vào khoảng 11 giờ đêm, có hôm nhiều bài phải đến 12 giờ mới xong”. Em Nguyễn Quỳnh Chi học sinh lớp 9 một trường THCS ở Hà Nội.
Mỗi tuần, con có đến 4 ca học tiếng Anh như vậy và bữa cơm tối không khi nào kịp trước 20 giờ. “Cơm nuốt chưa trôi qua cổ, con lại phải vội vàng vào bàn làm bài tập về nhà, chuẩn bị bài cho ngày mai lên lớp cũng như bài tiếng Anh ở trung tâm học thêm. Ngoài ra, con còn học thêm 2 buổi gồm Toán, Tiếng Việt với chính giáo viên chủ nhiệm tổ chức dạy vào thứ 4 và thứ 7 gần trường với mức phí 150.000 đồng/ buổi”, mẹ Hồng Anh kể.
Theo phụ huynh này, chị làm nghề dịch vụ nhưng muốn đầu tư cho con học không thua bạn kém bè. Mỗi tuần con học chính, học thêm rất nhiều buổi, nhiều nơi nên ngoài tốn kém, gia đình rất vất vả đưa đón. Riêng Chủ nhật, bố mẹ phải chia nhau 3 ca chở con đi và đợi đón con về cũng hết ngày.
Không riêng Hồng Anh, nhiều học sinh tiểu học, THCS, THPT đang rơi vào tình cảnh tương tự. Những đứa trẻ sau khi tan trường phải ăn vội trên yên xe, vạ vật ở cổng các trung tâm chờ học. Và cũng chính những đứa trẻ ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng, mệt mỏi trở về nhà khi trời đã tối đen vì phải học tới 3-4 ca liên tục.
Nguyễn Quỳnh Chi, học sinh lớp 9, một trường THCS ở Hà Nội, đeo ba lô trĩu nặng sách vở, mệt mỏi lết chân về đến sảnh chung cư sau khi học thêm ca 3. Em nói: “Cả tuần, em gần như kín lịch. Về đến nhà kiệt sức, em chỉ muốn ngủ nhưng còn phải gồng gánh đống bài tập trước mắt. Ngày nào em cũng đi ngủ vào khoảng 11 giờ đêm, có hôm nhiều bài phải đến 12 giờ mới xong. Sáng hôm sau dậy sớm đến lớp em buồn ngủ nhưng vẫn phải cố. Với lại, các bạn trong lớp em đều như thế”.
Một giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) nói rằng, ngày nay bên cạnh những phụ huynh sớm xác định cho con đi học nghề, xuất khẩu lao động, nhiều người đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian cho con để có thể học cao hơn.
“Có những phụ huynh ở huyện, sau khi con tan học ở trường vẫn chở con vượt chặng đường 50 - 60 cây số để về thành phố tìm lớp học thêm. Họ ngồi chờ con học 2-3 tiếng xong lại chở về nhà trong đêm để kịp giờ lên lớp vào ngày mai, rất mệt mỏi cho cả con cái lẫn bố mẹ. Tôi là người cản nhiều phụ huynh nhờ tư vấn, tìm lớp, thậm chí gửi con nhỏ tuổi đi xa nhà để trọ học, vì không phải học thêm là sẽ giỏi, sẽ đạt kết quả tốt. Có nhiều học sinh không cần học thêm vẫn đỗ thủ khoa, huy chương Vàng Olympic quốc tế”, giáo viên này chia sẻ.
Học thêm gắn mác CLB
Không chỉ xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của phụ huynh mà một số trường học hiện nay cũng “ép” trẻ học thêm dưới hình thức “tự nguyện” học ở “câu lạc bộ”.
Chia sẻ với PV, phụ huynh có con học lớp 1, một trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, anh rất bức xúc vì nhà trường “ép” cả học sinh lớp 1 học thêm.
Cụ thể, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đưa ra tờ cam kết các khoản thu chi tự nguyện để phụ huynh đăng ký. Trong đó, có một nội dung ghi rất chung chung là: CLB ngoài giờ học chính thức trong ngày khối 3, 4, 5, mức phí 240.000 đồng/học sinh/tháng; CLB ngoài giờ học chính thức trong ngày đối với học sinh lớp 1, 2, mức phí 300.000 đồng/tháng/học sinh. Với số tiền đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh ký thỏa thuận mức chi 75% cho giáo viên đứng lớp, chi quản lý 15% và 15% còn lại cho điện, cơ sở vật chất.
Điều đáng nói, “CLB ngoài giờ học” được chính giáo viên chủ nhiệm đứng lớp dạy kiến thức Toán, Tiếng Việt từ 4 giờ 30 đến khoảng 5 giờ 15 phút mỗi ngày ngay tại lớp học. “Điều tôi băn khoăn là vì sao nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với tiểu học nhưng vẫn phải dạy thêm 1 tiết ngoài giờ ngay tại trường với từng đó kiến thức”, phụ huynh này nói.
Theo phụ huynh này, mới lớp 1, các con đã phải học thêm như vậy là quá tải thế nhưng một số người khác vẫn như “lên đồng” trong cuộc họp phụ huynh đề nghị cô chủ nhiệm dạy thêm cuối tuần cho các con. Họ cho rằng, nếu không học thêm, học sinh lớp sẽ thua kém những lớp khác.
“Dù mình rất bức xúc nhưng vẫn cắn chặt môi không dám có ý kiến vì sợ bị dán nhãn phụ huynh ngược chiều, lo cô giáo trù con. Nếu không có ý kiến, cô giáo tổ chức học thêm mà mình không cho con học cũng sống trong thấp thỏm”, vị phụ huynh nói.
Thầy Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), nói rằng, ngoài kiến thức, học sinh nên được học thêm các kỹ năng bơi lội, thể dục thể thao, giao tiếp, vẽ, hát… Việc học thêm, chuyên sâu về bộ môn, lĩnh vực nào đó chỉ nên dành cho những em học sinh giỏi, có năng lực nổi trội cần bồi dưỡng, không nên học thêm đại trà chỉ để hoàn thành chương trình SGK.