Văn hóa nam nữ tắm chung của Nhật Bản: Truyền thống "lạ đời" của người dân xứ Phù Tang và lịch sử hình thành từ thời cổ đại đầy thú vị
Người Nhật Bản rất thích tắm rửa với quan niệm dòng nước thanh khiết có thể rửa trôi những điều bẩn thỉu và mọi tội lỗi.
Trong văn hóa Nhật Bản, phong tục nam nữ tắm rửa chung rất phổ biến. Dường như từ thời xưa, người dân Nhật Bản đã không bị ràng buộc quá nhiều bởi truyền thống Nho giáo như các nước đồng văn. Người xưa không chỉ tắm ở sông hồ mà còn bắt chước động vật hoang dã ngâm mình dưới dòng suối nước nóng khi bị thương.
Người Nhật thích tắm rửa là sự thật. Họ tôn sùng Thần - Phật, bất luận là Thần đạo hay Phật giáo đều chú trọng đến việc sạch sẽ và tắm gội. Có một nghi thức ở Nhật Bản gọi là Misogi: Nghi thức tẩy rửa cơ thể và tâm hồn trước khi bước vào đền thờ, để thể hiện sự tôn trọng các vị thần. Dòng nước thanh khiết có thể rửa trôi điều bẩn thỉu và tội lỗi.
Thậm chí cho đến hiện tại, tại nhiều đền thờ Thần đạo vẫn còn các khu vực gọi là Temizuya (hoặc là Chozuya), dành cho những người đến viếng thực hiện nghi thức gột rửa cơ thể cũng như tâm hồn bằng cách rửa tay và miệng, đây là đơn giản hóa của nghi thức Misogi.
Trong Phật giáo, việc tắm rửa cũng có giá trị quan trọng tương tự.
Từ thời Nara, Nhật Bản đã có truyền thống tắm nhà tắm chung. Cái gọi là nhà tắm chung chính là dành cho các tăng nhân tu hành. Đồng thời, những nhà tắm này cũng được mở cho các tín đồ để truyền bá Phật pháp.
Đến thời Kamakura, đối tượng sử dụng các nhà tắm chung mở rộng dần từ tầng lớp quý tộc sang dân thường.
Thời kỳ Azuchi-Momoyama, khái niệm Sento (nhà tắm công cộng) xuất hiện.
Khi bước vào thời kỳ Edo, hình thức nhà tắm công cộng dành cho cả nam lẫn nữ tắm chung phát triển.
Với việc mở rộng quy mô thành thị, dân cư đông đúc, không chỉ giá than đắt đỏ mà nguồn nước sinh hoạt của thành phố cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, ngoài các Samurai cấp cao và thương nhân lớn có điều kiện tắm rửa, đa số các Samurai cấp thấp và dân nghèo đều gặp khó khăn trong việc tắm rửa, nhu cầu vệ sinh cá nhân bỗng trở thành một thứ xa xỉ.
Đến cuối thời Edo, đã có hơn 600 nhà tắm công cộng khắp thành Edo. Nhà tắm công cộng thời Edo chủ yếu có 2 tầng, tầng 1 là phòng tắm chung, tầng 2 là phòng chờ, dành cho nam giới giải trí. Đầu thời Kan'en (năm 1748 - 1750), phòng chờ trên tầng hai được thiết kế cho Samurai cất kiếm. Sau đó dần dần trở thành một không gian công cộng. Đến thời Tenpo (1830 - 1844), phòng chờ mở cửa hoàn toàn cho dân thường.
Khách nam khi đến tắm có thể thưởng thức trà, điểm tâm, massage và các dịch vụ khác với một khoản phí nhỏ. Bên cạnh đó, các nhà tắm công cộng dần trở thành "trung tâm phân phối thông tin" khi được chọn làm nơi thảo luận công việc và các tin tức xã hội khác.
Nhà tắm công cộng cũng là một nơi giải trí trứ danh dành cho nam giới. Tại đây thường có các cô gái có nhiệm vụ kì lưng cho khách (gọi là Yuna), mỗi nhà tắm thường có 20, 30 cô gái như thế. Dần dần, dịch vụ này phát triển hơn, cung cấp những biểu diễn ca hát và vũ đạo, thậm chí sẵn sàng quan hệ tình dục nếu khách nam có nhu cầu. Một số Yuna còn xinh đẹp hơn các Oiran (Kỹ nữ hạng sang) ở kỹ viện nổi tiếng Yoshiwara (Tokyo).
Việc nam nữ tắm chung đã phát sinh ra các hành động xâm phạm đến những người phụ nữ độc thân. Nhiều gã đàn ông đến tắm ở nhà tắm công cộng chỉ để trêu ghẹo người khác giới, khiến rất nhiều cô gái trẻ không dám đến tắm tại đây.
Do đó, vào ngày 25/1/1791, đại thần Matsudaira Sadanobu đã đưa ra thông báo cấm những người nam nữ thành niên tắm chung. Nhưng lệnh cấm này không kéo dài, vì nam nữ tắm chung đã trở thành thói quen trong dân gian thời điểm đó nên sau khi Matsudaira mất quyền lực, truyền thống tắm chung lại một lần nữa phổ biến trở lại.
Lần thứ 2 phong tục nam nữ tắm chung bị cấm là vào thời kỳ Minh Trị Duy Tân, khi Nhật Bản nóng lòng liên minh với Châu Âu. Hành động nam nữ tắm chung mà người phương Tây xem là thiếu văn minh hoàn toàn bị cấm. Ngày 24/5/1900, Thiên Hoàng Minh Trị ban lệnh cấm nam nữ tắm chung, từ bỏ văn hóa truyền thống của đất nước.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sau khi chiếm đóng Nhật Bản, Hoa Kỳ đưa ra Luật tắm công cộng. Theo đó, tất cả nhà tắm mới đều phải có phòng tắm riêng cho nam và nữ. Chính Luật tắm công cộng này đã khiến cho văn hóa tắm chung ở Nhật Bản suy giảm, dẫn đến giới trẻ hiện nay không còn ưa chuộng nữa.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm nam nữ tắm chung, truyền thống này vẫn được duy trì với dạng Bí Thang - Hitou (bồn tắm bí mật, ám chỉ những suối nước nóng ít người biết đến).
Ở Nhật Bản không chỉ phải tắm rửa thật sạch mới được bước xuống suối nước nóng mà còn không được mặc đồ tắm hay quấn khăn tắm. Do đó, có một quy định nghiêm ngặt đối với hình thức nam nữ tắm chung, mọi người khi bước vào suối nước nóng không được có hành vi xúc phạm người khác bằng lời nói hoặc đụng chạm cơ thể.
Nguồn: Zhihu