Văn hóa... ly dị

,
Chia sẻ

Theo thống kê ở nước ta cũng như ở tất cả các nước trên thế giới, số vụ ly dị cứ đều đặn năm nọ tăng cao hơn so với năm kia.

Nguyên nhân của vấn đề này thì quá nhiều, nhưng có thể nói một cách đơn giản: cuộc sống càng phát triển thì con người càng độc lập tự do, dễ dàng vứt bỏ những ràng buộc mình không ưa thích. Cho nên, nếu ly dị không là một phần tất yếu của cuộc sống thì cũng là phần đáng được quan tâm. Hành động ly dị có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, nhân cách đối với hai người và đặc biệt, đối với con cái.

Ở nhiều nước văn minh, sự ly dị có thể diễn ra rất nhanh chóng, dễ dàng và… thuận tiện. Có khi vợ chồng chả cần gặp nhau, chỉ cử luật sư đến nói chuyện rồi ra toà ký là xong. Mọi rắc rối, nếu có, thường chỉ ở chỗ phân chia tài sản. Để đề phòng khoản này, nhiều đôi trước khi cưới đã thảo sẵn hợp đồng, tuy sống chung, tài sản của ai người nấy giữ, nếu có chia tay thì chỉ tốn một… câu chào.

Vấn đề nan giải nhất là con cái đã có tòa án phân chia. Trong khi toà nước ta thường tuyên bố cho con ở với mẹ do thói quen, do yêu cầu, hoặc do…lười suy nghĩ thì toà bên Tây điều tra rất kỹ về hành vi, về hạnh kiểm và về kinh tế của hai vợ chồng, nhằm mang đến cho đứa trẻ sự giáo dục tốt nhất và an toàn nhất. Tòa cũng quy định rất kỹ số tiền ông bố hay bà mẹ phải đóng để nuôi con, trốn là… tù ngay. Ngoài ra, số lượt thăm viếng và đón con về thăm cũng được tuyên bố rành mạch.
 
Tóm lại, việc ly dị tuy chả mấy khi được khuyến khích, nhưng luôn được xã hội quan tâm, phân xử sao cho tốt nhất để mọi người ít bị chấn thương nhất về mặt tinh thần.

Bên ta thì không thế. Bên ta, cha mẹ thường ly dị sau những trận cãi cọ kéo dài, trong những trận đôi co này, nhiều khi chả còn thứ từ ngữ nào mà vợ hay chồng không dùng để mạt sát nhau, kể cả trước mặt con cái, bất kể chúng còn nhỏ hay đã trưởng thành.

Sau đó là tài sản. Tuy nhiên trên thực tế không có bao nhiêu, nhưng do thiếu ý thức, do lòng tham và do thiếu hiểu biết về pháp luật, cả chồng hay vợ đều cố gắng giành mọi thứ về mình. Những người “cao thượng” ra đi để lại toàn bộ tài sản cho bạn đời cứ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong quá trình thủ tục ly dị tiến hành (mà ở nước mình, cái thủ tục chả khi nào nhanh) điều thường gặp là hai bên ra sức chứng minh với họ hàng, cha mẹ, con cái những cái đúng của “ta” và cái sai của “nó”. Phổ biến nhất là khóc lóc với mọi người, than thở với con cái, chứng minh với con cái rằng mẹ hay bố là đứa có lỗi, còn mình thì trong sạch như… pha lê.

Không phải ngẫu nhiên mà thống kê cho thấy trong những đứa trẻ vị thành niên phạm pháp, tỷ lệ các em có cha mẹ bỏ nhau rất cao. Chính những vết thương do người lớn gây ra khi tiến hành sự chia tay ấy đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý trẻ em, biến chúng thành người cô độc và không tin vào những tình cảm tốt đẹp.

Điều đáng phê phán nữa là thái độ sau khi ly hôn. Nếu là dân nghèo, ít học thường trốn biệt, coi như chả còn vợ con gì trước nữa. Nếu là dân tri thức thì cũng chỉ gửi tiền những lúc nhớ hoặc những lúc… còn tiền. Tuy tòa có tuyên án số kinh phí phải đóng góp nhưng làm gì có biện pháp chế tài những kẻ bỏ chạy.

Có lẽ không kể sao cho hết những nỗi vất vả, đau đớn và bất công của việc ly dị mà nhiều đôi vợ chồng đã trải qua trong quá trình ly dị. Thêm vào đó, đa số kẻ bị thiệt thòi trong cuộc lại là phụ nữ. Sau khi ly hôn, người phụ nữ với nhan sắc kém mặn mà, với sức khoẻ giảm sút và với khả năng kiếm tiền hạn chế, lại thường nhận nuôi con cái nên thiệt đủ mọi đường.

Chúng ta đừng quên rằng phần lớn người mà chúng ta nhất quyết ly dị bao nhiêu năm trước cũng chính là người mà ta nhất quyết… yêu. Như vậy rõ ràng cô ấy hay anh ấy phải có nhiều phẩm chất tốt đẹp chứ không thể toàn xấu xa như sau này ta cố chứng minh. Rất nhiều nguyên nhân ly dị có lỗi của cả hai người. Chỉ có đứa con là chẳng có lỗi gì, đừng để nó phải chịu hậu quả.

Một bộ phim Mỹ rất nổi tiếng có tên “Kramer chống lại Kramer” tả người cha ly dị nuôi đứa con trai nhỏ đầy xúc động, những ai sắp và đã ly dị nên cố gắng tìm xem, nó đang bán ở các cửa hàng băng đĩa chỉ có mười lăm ngàn!

Cuộc sống của chúng ta luôn là một quá trình của chia tay và gặp gỡ, của tức giận và tha thứ. Hãy sống làm sao cho cái đẹp nhiều hơn!

Hiện đại như thế, nên có những kiểu ly dị ở tây mà ta chắc chả bao giờ hình dung nổi. Ví dụ như hai anh chị cưới nhau, sau đó ly dị nhau nhưng vẫn ở chung để “chia” tiền nhà. Rồi anh có vợ mới, chị có chồng mới, hai gia đình lại thân thiết với nhau khéo còn… hơn cũ.

Theo Mỹ Thuật
Chia sẻ