Văn hoá... ăn

,
Chia sẻ

Phàm ở đời ai cũng cần phải ăn để sống, đó là một quy luật tự nhiên không có vấn đề gì phải bàn cãi. Tuy nhiên ăn như thế nào cho có văn hóa mới là chuyện để nói.

Ăn uống cũng cần phải có ý tứ

Nhiều người cho rằng ăn thì cần gì phải ra chiều khuôn phép, phải bày vẽ chi những kiểu cách rườm rà. Bởi khi đói thì con người ta cứ ngồi vào bàn mà ăn uống thoải mái cho thoả chí, miễn sao no và ngon miệng là được. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Đã xa rồi cái thời chiến tranh, mọi người sống trong cảnh đói khổ. Chuyện ăn uống thời đó rất "tạp nhạp", nghĩa là "ăn độn" qua ngày để sống, ăn cốt để no bụng... nên đôi khi muốn có văn hóa cũng thật khó khăn. Ngày nay, chúng ta đang ở thế kỉ XXI, được ăn ngon mặc đẹp nên nhu cầu ăn cần phải chỉn chu. Bởi ăn không đơn thuần là ăn mà còn đi kèm với chuyện xã giao thông thường, quan hệ đối tác, tạo mối thâm tình...

Nếu chúng ta ăn có văn hóa, chắc chắn người đối diện sẽ cảm thấy thoải mái và đánh giá tốt về con người mình, tạo tiền đề khả quan cho những khía cạnh khác. Còn ngược lại, chúng ta sẽ khó mà trụ vững trong xã hội khi sự khắt khe về lịch sự và văn hoá luôn đặt lên hàng đầu.

Những người quý phái, thanh lịch sống trong môi trường sang trọng thì chuyện ăn uống có nghệ thuật rất dễ dàng đối với họ. Nhưng một số người ngay từ lúc nhỏ đã có thói quen ăn uống bình dân, không thích chừng mực mà phải thoải mái như cách sống của họ thì... quả là khó thay đổi được. Và đôi khi ngược lại, cũng lắm kẻ trông rất văn minh nhưng vẫn có thói ăn uống "phàm tục", còn những người trông ra chiều thô thiển lại có phép ăn uống thanh tao. Thực tế này chúng ta dễ bắt gặp mọi lúc mọi nơi.

Ăn cùng gia đình

Bữa cơm gia đình rất quan trọng, nó tác động không nhỏ đến hạnh phúc cũng như kết chặt sợi dây thâm tình giữa mỗi thành viên với nhau

Bữa cơm gia đình rất quan trọng, nó tác động không nhỏ đến hạnh phúc cũng như kết chặt sợi dây thâm tình giữa mỗi thành viên với nhau. Thêm vào đó, việc ăn uống lịch thiệp, nhã nhặn sẽ làm cho bữa ăn ngon hơn, vui vẻ hơn, hài hoà hơn. Nó sẽ tạo ra một hiệu ứng sâu sắc hơn, thuần tuý hơn.

Chẳng hạn, sau một ngày lao động mệt nhoài nơi công sở, người chồng dù bụng có đói cồn cào thế nào cũng không ghé quan lề đường mà cố gắng chạy nhanh về nhà để tận hưởng cái không khí ấm cúng bên bàn ăn cùng gia đình. Đó là do anh ta nhìn nhận ra bữa ăn của gia đình thật tao nhã, văn hoá và mang phong cách nề nếp từ xưa đến giờ. Mọi người ăn uống rất ý tứ, gắp thức ăn cho nhau, mạn đàm về những vấn đề xã hội, cùng nhau nhận xét về những món ăn mà mình đã nếm thử qua trên bàn... Cảm giác hạnh phúc thăng hoa ấy ai lại nỡ đánh rơi.

Trong khi đó, một số người xem bữa ăn gia đình thật áp lực, giống như một khối đá ngàn cân đang đè nặng lên mình. Không khí trở nên u ám bao trùm ngôi nhà khi mỗi thành viên im lặng, cứ cặm cụi ăn cho xong để nhanh chóng đi về phòng mình. Đó là do một thành viên trong nhà có những cách cư xử, hành động kém văn hoá trong khi dùng cơm.

Đơn cử như một gia đình nhà nọ đang vui vẻ dùng cơm thì đột nhiên người vợ đay nghiến chồng vì tội về muộn, miệng cứ càm ràm suốt bữa ăn vì những chuyện không đâu. Trong khi ăn, chị vợ còn có hành động thiếu lịch sự như: dằn chén lên bàn, mạnh tay khi gắp thức ăn cho chồng, con...

Có dạo anh bạn tôi than thở rằng anh rất chán ngán mỗi khi về nhà dùng cơm với gia đình. Anh thường hay né tránh các bữa ăn cùng gia đình với nhiều lý do khác nhau, nào là: bận tăng ca, đi ăn với khách hàng... Nguyên do cách đây vài tháng có thằng cháu bên vợ từ quê lên ở nhờ để học hành. Khốn nỗi thằng cháu có cách sinh hoạt và tính ăn uống kiểu Trư Bát Giới, Lỗ Trí Thâm nên anh phải "trốn tránh" bữa cơm tối mãi.

Nó ăn bất cần ai, ăn không biết "chia sẻ", cứ thấy trên bàn có bao nhiêu món là quơ đũa vào chén mình. Tệ hơn là 20 tuổi đầu mà còn làm rơi cơm ra khỏi chén, chan canh đổ nước ra bàn, ngồi ăn kiểu "miền Tây nước lũ"... Thậm chí nó ăn sau cùng cũng chẳng chịu bê bát đi rửa mà bỏ tại bàn rồi đi về phòng nghe nhạc. Nói ra thì sợ mếch lòng bên vợ nhưng chứng kiến thói ăn uống kém văn hoá của thằng cháu cứ làm anh bực mình. Cũng rất nhiều lần anh thẽ thọt cùng vợ nhưng nhận được đôi mắt hình viên đạn nhìn trừng trừng vào anh. Thế là anh đành cam chịu.

Ăn nơi công cộng

Chốn công cộng là một nơi hết sức tế nhị vì nhất cử nhất động của chúng ta đều có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Ý thức lịch sự và văn hóa là điều hết sức cần thiết, dù là tối thiểu. Nó không những làm cho mọi người có ấn tượng tốt về mình mà còn xây dựng nên một cộng đồng văn minh. Tuy nhiên, có một số nam thanh nữ tú ăn mặc rất sáng trọng, đi xe tay ga, ôtô đắt tiền nhưng khi vào quán ăn thì ôi thôi... họ lại đánh mất đi cái sự giàu sang, quý phái, văn mình của mình ở chốn đông người.

Có lần, chính tôi đã bắt gặp một đôi tình nhân vào một quán phở trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Họ là cặp tình nhân ăn uống xấu tính nhất mà tôi từng thấy. Chàng trai vừa ngồi xuống đã nhả khói thuốc lá phì phèo, chân thì gác lên một chiếc ghế bên cạnh và nhịp nhịp theo nhạc sôi động đang phát ra từ cái máy nghe nhạc mà anh ta đang đeo ở tai.

Cô gái có "động thái" còn kinh khủng hơn, vừa ngồi xuống đã xé hơn nửa cuộn khăn giấy của quán chỉ để lau chiếc xắc tay đắt tiền của mình cho khỏi bụi. Sau đó thì cô phàn nàn oang oang với nhân viên rằng quán ở đây kém vệ sinh quá, tẻ nhạt quá, u ám quá (?!). Khi anh nhân viên bê hai tô phở ra, cả hai lao vào... ăn như chưa từng được ăn.

Trong lúc ăn, họ sai nhân viên đến bơ phờ, quay như chiếc chong chóng, nào là: "Lấy giùm tôi hũ tương ớt sạch hơn. Chai nước chấm này gần hết rồi, có lẽ sẽ váng cặn, mau đem chai mới ra đi. Hình như có vài con ruồi vừa bâu vào đĩa rau này, đổi cho tôi đĩa khác...". Quá đáng hơn, họ bỏ xác chanh, ớt, xương gà... vương vãi trên sàn nhà mà không chịu để vào sọt rác nằm ngay dưới chân mình. Họ còn đút cho nhau ăn, cười nắc nẻ, vừa ăn họ vừa ca hát một cách say mê... Họ bất chấp hàng chục cặp mắt xung quanh đang sững sờ nhìn mình với vẻ khó chịu. Quả thật phong cách ăn uống của họ rất ư là "khiêm tốn" văn hoá.

Ăn chốn tiệc tùng

Chúng ta rất dễ để đối mặt với những bữa tiệc bù khú như: đám giỗ, đám cưới, tân gia, sinh nhật... Đây là dịp để ta gặp gỡ bạn bè, người thân, xã giao và xua tan đi những căng thẳng trong cuộc sống thường nhật. Có những người ta gặp một lần rồi rơi vào quên lãng nhưng cũng có một số người làm ta không thể nào quên. Cuộc sống là thế, điều gì đó không hay ho thường dễ làm cho người ta nhớ lâu, nhớ dai và nhớ "dây chuyền" từ ông bán nước cho đến bà bán cháo..., đại loại là vậy.

Cũng phải thôi, quên sao được khi trong bữa tiệc, trên một bàn ăn có 10 người mà lại có một người (hoặc một vài người) rơi vào trạng thái không kiểm soát được mức độ ăn uống vừa phải của mình. Những loại người này được gọi là háu ăn, cốt đến dự tiệc để ăn cho... xứng đáng với số tiền mà mình bỏ ra chứ không phải đến đây vì mục đích san sẻ niềm vui hạnh phúc cùng gia chủ. Thế đấy, sau bữa ăn, ai cũng biết lý lịch của kẻ "mạnh ăn" đó thông qua những người khoái "buôn dưa lê".

Có lần tôi đi dự tiệc cưới ở nhà một người bạn. Vì đây là bữa tiệc tại gia nên có phần thoải mái, chứ không hạn chế giờ giấc như ở nhà hàng. Ngồi cạnh tôi trong bàn ăn là một ông trạc 40 tuổi, trông rất lịch sự, tướng người phúc hậu. Thế nhưng ngồi với ông suốt buổi tiệc mà tôi không sao bắt chuyện được vì ông ta bận... ăn. Đôi khi tranh thủ những lúc ông ngước mặt lên uống nước để hỏi ông tên gì, ở đâu thì ông lại tiếp tục cúi xuống cặm cụi ăn. Thấy ông ăn quá ngon lành nên tôi cũng chẳng dám phiền. Mà công nhận ông ăn khoẻ thật, ăn liên tục và ăn không... chừa phần người khác.

Thực đơn hôm ấy có một đĩa tôm hấp bia gồm 10 con, vậy mà ông xơi đến hai con, lại còn lăm le định gắp thêm con nữa nếu như người khác không kịp nhanh tay. Khi thấy một món khác còn dư quá nhiều, ông sợ ăn không kịp sẽ bị đem dọn xuống nên nhanh nhẩu cho hết vào cái chén nhỏ bé của mình. Báo hại hôm đó cả bàn ăn uống không ngon miệng, cũng chẳng lấy làm vui vẻ vì có vị khách như ông. Và sau lễ tân hôn, bỗng dưng ông... "nổi tiếng".

Thế đấy, nói rằng ăn uống rất dễ nhưng xem ra lại "khó nuốt" chứ chẳng chơi. Nếu bạn ăn uống kém văn hóa, thiếu tế nhị chẳng những sẽ ảnh hưởng đến hình tượng của chính mình mà còn làm "phá huỷ" nét văn hoá ăn uống đẹp đẽ trong gia đình, trong cộng đồng nơi ta sinh sống. Chính vì lẽ đó mà ông bà xưa đã đúc kết ra câu nói: "Ăn trông nồi ngồi trông hướng" để nhắc nhở con cháu ăn sao cho có văn hoá, có ý tứ và biết người biết ta.

Theo Trung Thành
Món ngon
Chia sẻ