Vấn đề bằng cấp của ông Vương Tấn Việt được nêu trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế
Ngày 9-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 38, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Trong năm 2024, dư luận xã hội dậy sóng với trường hợp "học giả, bằng thật" ở cấp đào tạo trình độ cao nhất, tuy nhiên cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận.
Đây là nội dung được nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Dẫn chứng cho vấn đề nêu trên, báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ vụ việc ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) bảo vệ Luận án và được cấp bằng Tiến sĩ tại Trường ĐH Luật Hà Nội sau khoảng hơn 2 năm từ khi tốt nghiệp Cử nhân luật hệ vừa học, vừa làm.
Sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã có văn bản xác nhận "Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD-ĐT TP HCM và không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD-ĐT TP HCM".
Trước đó, vào ngày 25-6, Trường ĐH Luật Hà Nội đã gửi thông cáo báo chí tới các cơ quan truyền thông, thông báo về quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, người gây ồn ào trong dư luận xã hội về việc lấy bằng tiến sĩ trong vòng 2 năm trong khi trước đó chỉ có bằng đại học tại chức ngành luật.
Theo đó, ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959, có văn bằng 1 trình độ đại học tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ, nay là Trường ĐH Hà Nội; văn bằng 2 ngành luật hình thức vừa học vừa làm của Trường ĐH Luật Hà Nội. Sau đó, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh Trường ĐH Luật Hà Nội, sau hơn 2 năm đào tạo thì được cấp bằng tiến sĩ.
Trong thông cáo báo chí, Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định trường hợp ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ là đúng pháp luật.
Sau đó, theo kết quả xác minh của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp cấp ba năm 1989 ở TP HCM. Ông cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 tại thành phố.
Cũng vào tháng 6-2024, Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang, bị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 2 năm.
Nguyên nhân được xác định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của ông không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng uy tín Giáo hội.