Vai trò nổi bật của tỷ phú Elon Musk trong lễ nhậm chức của ông Trump
Đưa con người lên sao Hỏa từ lâu đã là nỗi ám ảnh đối với tỷ phú Elon Musk – tổng giám đốc điều hành của SpaceX. Ngày 20/1, dự án đó đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ vị tổng thống mới của Mỹ.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Donald Trump hứa sẽ "theo đuổi sứ mệnh hiển nhiên của chúng ta lên các vì sao, đưa phi hành gia người Mỹ cắm cờ Mỹ trên sao Hỏa".
Đứng cách đó chỉ vài mét, ông Musk cười tươi và giơ nắm tay lên. Khoảnh khắc đó thể hiện rõ nét mối quan hệ đối tác đặc biệt mà tỷ phú công nghệ, người nhận được hợp đồng béo bở với chính phủ liên bang, đã thiết lập với vị tổng thống mới.
Mối quan hệ tốt đẹp đó được thể hiện đầy đủ trong suốt buổi lễ nhậm chức. Tỷ phú Musk dành nhiều lời khen ngợi ông Trump trong cuộc mít tinh ngay sau lễ tuyên thệ, nhắc lại lời hứa của ông Trump về một "thời kỳ hoàng kim" đang chờ đợi đất nước.
"Nhờ có các bạn mà tương lai của nền văn minh được đảm bảo", ông Musk nói trước đám đông khán giả tại nhà thi đấu Capital One Arena. Trên mạng xã hội X của mình, tỷ phú Musk đăng bài ủng hộ ông Trump trở lại nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai: "Sự trở lại của nhà vua".
Tại lễ nhậm chức bên trong hội trường Rotunda của Điện Capitol, tỷ phú Musk ngồi cùng hàng với những ông trùm công nghệ khác, nổi bật là CEO Google Sundar Pichai và CEO Meta Mark Zuckerberg.
Tất cả đều ngồi sau Đệ nhất phu nhân Melania Trump và các con, nhưng tỷ phú Musk ngồi gần ông Trump nhất. Ngay sau khi con trai út Barron của ông Trump đến chỗ ngồi của mình ở hàng thứ hai, anh quay lại và bắt tay tỷ phú Musk, người xuất hiện trong cảnh quay trên bục phát biểu trong phần lớn lễ tuyên thệ. Trước đó, ông Trump dành cho vị tỷ phú giàu nhất thế giới cái ôm nồng nhiệt.
Tỷ phú Musk đã đóng góp khoảng 200 triệu USD cho uỷ ban hành động chính trị America PAC để ủng hộ ông Trump tranh cử trong mùa thu năm ngoái.
Sự gần gũi của rất nhiều người giàu nhất thế giới với chính phủ mới của ông Trump khiến cựu Tổng thống Joe Biden cảnh báo về một chế độ đầu sỏ công nghệ đang phát triển ở Mỹ.
Không chỉ toàn hoa hồng
Trong số các dự án mà ông Trump giao cho tỷ phú Musk là phối hợp với cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy để lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ.
Nhiệm vụ của nhóm cố vấn ngoài chính phủ này là cắt giảm bộ máy hành chính liên bang, giảm các quy định và chi tiêu. Mục tiêu mà tỷ phú Musk đặt ra từ năm ngoái là giảm 2 nghìn tỷ USD, gần bằng mức thâm hụt.
Cắt giảm ở quy mô đó có thể sẽ đòi hỏi phải nhắm vào các chương trình phúc lợi như an sinh xã hội và chương trình y tế giá phải chăng Medicare, cũng như sa thải hàng trăm nghìn nhân viên liên bang.
Mặc dù vẫn lạc quan về triển vọng cắt giảm sâu, tỷ phú Musk phát biểu trong một diễn đàn công khai đầu tháng này rằng mục tiêu 2 nghìn tỷ USD có thể khó đạt được.
"Tôi nghĩ nếu bạn cố gắng đạt 2 nghìn tỷ USD, tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được 1 (nghìn tỷ)", tỷ phú Musk nói trong một phiên hỏi đáp trên mạng xã hội X với chuyên gia thăm dò ý kiến Mark Penn.
Kể từ cuộc bầu cử, tỷ phú Musk thường xuyên ở trong khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Palm Beach, Florida và đã tham gia các cuộc trao đổi để quyết định ứng cử viên cho nội các và những cuộc điện đàm với lãnh đạo thế giới.
Không phải tất cả đều suôn sẻ. Đã xảy ra một số căng thẳng ban đầu giữa ông Musk và những người có ảnh hưởng ở phe ông Trump, trong đó có cựu cố vấn chiến dịch và người dẫn chương trình podcast Steve Bannon, về việc tỷ phú Musk ủng hộ thị thực nhập cư để đưa lao động nước ngoài có tay nghề đến Mỹ.
Dù ông Trump có vẻ đứng về phía ông Musk và những người khác trong ngành công nghệ, Bannon chỉ trích chương trình này đi ngược với phương châm "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền.
Trong dấu hiệu thể hiện sự chia rẽ trong phe ủng hộ ông Trump, Bannon gần đây tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Ý rằng "sẽ đuổi Elon Musk ra khỏi đây".