Uyển chuyển không gian đệm
Đó là những không gian chuyển tiếp, làm trung gian giữa ngoài nhà với trong nhà hoặc giữa các phòng với nhau.
Đây luôn là khoảng lặng cần thiết và đầy ý nghĩa. Đó có thể là lối sảnh từ thềm bước lên nhà phố, một hành lang nhỏ trước khi rẽ vào các phòng, một khoảng nhỏ giữa phòng khách và ăn thông nhau...
Một khoảng đủ rộng cho người ta lau mồ hôi và nhẹ chân bước vào sảnh
Với những căn nhà phố, khoảng đệm thường được người ta hình dung như là một chiếu nghỉ ngay khu vực cửa nhà. Đó là nơi cởi bỏ giày dép, nón mũ,... đồng thời cũng là một “sảnh đón” cần thiết dành cho khách trước khi bước vào nhà.
Đối với nhà ống có chiều ngang nhỏ, tuy tấc đất là chục tấc vàng, bạn vẫn nên lùi một chút để chừa khoảng đệm dạng thềm nhà hoặc ban công hay loggia tầng trên. Chính khoảng đệm này sẽ làm nên một bức bình phong ngăn bụi bặm, làm nên những khoảng nghỉ thư giãn hoặc để cây cảnh. Với nhà ở hướng tây, không gian đó còn làm dịu lại khí nóng khi vào phòng.
Khoảng đệm trước khi lên cầu thang như một sảnh đón trang trọng
Ở những không gian chuyển tiếp trong nội thất như hành lang, khoảng lùi chiếu nghỉ trước khi bước vào phòng,... có thể đặt những chiếc tủ con hay bàn dạng console, vừa để đồ lặt vặt vừa có tác dụng trang trí và bày biện. Thêm một chiếc ghế cùng kiểu cũng là một sáng kiến hay.
Một khoảng đệm cầu kỳ và duyên dáng. Ngoài nhiệm vụ giao thông, đây còn là chỗ dừng chân để ngắm nghía!
Hiện nay có xu hướng thông giữa phòng khách và khu vực ăn. Tuy nhiên giữa 2 không gian vẫn phải có vùng đệm ước lệ. Ngoài ra việc thay đổi cao độ sàn nhà bằng cách giật cấp cũng tạo nên một khoảng đệm cần thiết, không làm vướng tầm nhìn nhưng vẫn có sự chuyển tiếp từ không gian phụ dẫn đến không gian chính.Với các bậc cấp, sàn của phòng ăn hay bếp cũng có thể được nâng cao hơn nơi tiếp khách hay sinh hoạt, tạo sự đa dạng, phong phú về không gian...
Khoảng nghỉ chân quyến rũ ở chiếu nghỉ cầu thang
Với nhà có diện tích rộng, có thể dùng những khoảng đệm để tạo nên sự liên kết giữa các không gian, đó có thể là một góc trang trí hoặc một góc thư giãn, một khoảng nghỉ chân giữa các tầng ở khu vực cầu thang, góc sinh hoạt chung giữa các phòng... Không gian này có thể mở rộng, thoáng hoặc làm các vách lửng, chạm lộng, vách kính... Có thể kết hợp với giếng trời hoặc khoảng thông tầng.
KTS. TH