Ưu tiên phụ nữ, chuyện... khoa học viễn tưởng?!
Có lần ức quá tôi hỏi chồng: “Vì sao đàn ông sướng thế? Phụ nữ có gì thua các anh mà luôn phải chịu lép vế?”. Chồng tôi trả lời: “Đó là quy định bất thành văn rồi em ạ!”.
Ngay khi là một cô bé 8 tuổi tôi đã không thích cung cách tổ chức đám giỗ của họ hàng.
Để tổ chức một bữa giỗ, những người đàn bà phải vùi mặt cả ngày trong bếp, làm đủ mọi việc từ sớm tinh mơ cho tới tối mịt. Đến tận giờ khai tiệc khi đám đàn ông đã yên vị trên phòng khách, to mồm tán phét đủ chuyện trên trời dưới đất, vừa phì phèo thuốc lá vừa vỗ đùi đen đét thì những bà mợ, bà dì của tôi vẫn còn tất bật chạy lên chạy xuống như con thoi giữa nhà bếp và phòng khách để tiếp đồ ăn, bưng món mới...
Khi mọi việc tương đối đâu vào đó thì các dì, các mợ mới xúm xít trên bộ ván nhỏ xíu dưới bếp, vội vã ăn trong tâm trạng thắc thỏm, chỉ cần nghe một giọng đàn ông: “Thiếu ớt, thêm nước mắm...” là ngay lập tức họ bỏ đũa, tất tả đáp ứng yêu cầu kia!
Cơ quan tôi có nhiều anh chiều đến là nô nức rủ nhau đánh trần đá banh hay quẩy vợt ra sân cầu lông, tennis...Một số anh khác thì alô rủ đi nhậu, đi tẩy trần, đi tươi mát... Cũng cơ quan tôi, cũng chiều đến, chị em hớt hơ hớt hải vác túi đi đón con, đi chợ để kịp về “tổ” dọn dẹp nhà cửa tươm tất, làm cơm tối ngon lành đón những người đàn ông “chinh chiến” trở về. Thử hỏi vào những buổi chiều vàng ấy, có bao nhiêu bà vợ lả lướt đi bóng trên sân tennis? Nếu có, chỉ là thiểu số và đó là những bà chị thuộc diện phụ nữ thành đạt, đủ điều kiện dự thi hoa hậu quý bà!
Sáng sớm, chiều muộn, đi đường ai cũng dễ nhận thấy hình ảnh phổ biến của phụ nữ “năng động” thời nay. Đấy là vất vả điều khiển một chiếc xe gắn máy trông như xe thồ với đầy những túi to, túi nhỏ treo hai bên xe, trước giỏ xe là mấy chiếc cặp, trước ngực là một bé, sau lưng lại là một bé khác...
Thế những ông chồng rường cột của gia đình họ đang ở đâu? Xin thưa, các anh ấy đang “năng động” ở quán cà phê hay quán nhậu với những việc “đại sự”, còn việc lặt vặt như đón con, dọn dẹp nhà cửa thì vợ làm đủ rồi... Chả việc gì phải lấy đại đao để mổ gà cả!
Tôi đã đọc tâm sự của một chị cứ chiều đến là nơm nớp lo tin nhắn của chồng: “Hôm nay anh đi nhậu...” bay về nhà. Đấy là tâm trạng phổ biến của chị em. Nhưng thử đặt tình huống ngược lại, có bao nhiêu ông chồng sẽ nhận được tin nhắn của vợ: “Hôm nay em đi spa về trễ...” vào mỗi buổi chiều? Con số đó, nếu có, chắc chắn cũng sẽ rất ít vì nhiều ông chồng vẫn xem kiểu tin nhắn ấy từ vợ mình là dạng tin... khoa học viễn tưởng!
Dù báo chí đã nói rất nhiều đến bình đẳng giới, nhưng kỳ thị phụ nữ vẫn là sự thật hiển nhiên và được công khai. Tại nhiều công ty thông tin tuyển dụng vẫn là: “Chỉ tuyển nam. Ưu tiên nam...”. Phần lớn sự ưu ái “chỉ tuyển nữ” rơi vào các công việc lao động phổ thông, thời vụ, cần sự chăm chỉ khéo léo và ngoại hình! Thậm chí người ta không ngần ngại chỉ ra “điểm yếu” của chị em là vướng bận chuyện gia đình, con cái. Những “điểm yếu” nằm ngay trong yếu điểm của phụ nữ!
Ngay ở lĩnh vực văn hóa - mặt trận đấu tranh cho bình đẳng giới, mọi chuyện vẫn theo lệ “nam sướng nữ khổ”. Trên phim Tây, quý cô quý bà bận rộn dự tiệc tùng, dạ hội, được các chàng quỳ gối cầu hôn, được mời ăn tối dưới nến vàng và hoa hồng, được mắng và được tát đàn ông... Còn trên phim ta, các chị nếu không con đùm con đề thì bị đánh ghen, bị chồng phụ bạc, bị đánh đập, liên miên khóc lóc với nước mắt nước mũi... Đấy là chưa kể trong phim ta đàn ông có thể sờ vào mọi thứ, trừ hiện vật bếp núc là nồi niêu xoong chảo. Như thế là làm mất đi nam tính nhân vật thì phải?
Dường như xã hội quen nhìn chị em trong cái quỹ đạo hầu chồng chăm con, nên khi có ai đi chệch quỹ đạo thì đó là điều cần bài trừ. Chung cư tôi ở có một chị vừa sắm ôtô. Cứ cuối tuần chị tự lái xe đưa chồng con đi chơi. Với chị em trong chung cư, chuyện đấy là niềm tự hào, nhưng rất nhiều anh lại tỏ ra khó ở. Chị trở thành đề tài để các anh chế nhạo và bàn tán. Thậm chí khi họp tổ dân phố có anh còn “móc” chị: “Nên gắn thêm thắng tay, có gì nhờ chồng... bóp hộ!”.