Ưu tiên dạy trực tiếp các môn thi cuối cấp
Để chuẩn bị cho ngày trở lại trường của học sinh lớp 9 và 12, các trường phổ thông tại TP HCM linh hoạt sắp xếp thời khóa biểu kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp.
Hôm nay (ngày 10-12), nhiều trường phổ thông tại TP HCM cho học sinh (HS) khối 9 và 12 đến trường để sinh hoạt nội quy, dặn dò các quy định chuẩn bị cho ngày chính thức quay trở lại trường - từ ngày 13-12.
Xây dựng nhiều kịch bản
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), cho biết trường hiện có 600 HS lớp 12, do trường bảo đảm đủ cơ sở vật chất, sĩ số vừa chuẩn nên không phải chia tách lớp theo yêu cầu giãn cách. Ông Hải cũng cho biết ngoài dạy trực tiếp 24 tiết theo quy định, nhà trường cũng xây dựng nhiều kịch bản ứng phó nếu trong quá trình giảng dạy, phát hiện trường hợp HS hoặc giáo viên (GV) không may nhiễm Covid-19.
"Nhà trường vẫn tiếp tục nhờ phụ huynh hỗ trợ điện thoại có kết nối 3G cho HS để linh hoạt học tập. Chẳng hạn HS đang học trực tiếp nhưng trong lớp có một em nào phải ở nhà thì lớp trưởng hoặc lớp phó có trách nhiệm bật camera cho em đang phải ở nhà học cùng. Trường hợp HS vẫn không thể học thì GV sẽ giao bài trực tiếp. Hoặc đối với trường hợp GV không thể dạy trực tiếp thì HS vẫn ở trên lớp có giám thị theo dõi và GV sẽ dạy từ xa... Trước mắt, trường ưu tiên dạy trực tiếp cho những môn các em sẽ thi tốt nghiệp THPT" - ông Hải nói.
Học sinh TP HCM sẽ học trực tiếp kết hợp với trực tuyến. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Tại Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5), ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có hơn 200 HS khối 12, trường không tách lớp nhưng sẽ ngăn cách các phòng học để các em không tập trung, trường cũng sẽ sắp xếp dạy trực tiếp các môn HS sẽ thi tốt nghiệp.
Ưu tiên dạy trực tiếp cho những môn thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT là cách mà nhiều trường thực hiện khi tổ chức dạy học trực tiếp. Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho biết trường chỉ dạy trực tiếp 3 môn là toán, ngữ văn và tiếng Anh cho HS lớp 9, các môn còn lại sẽ bố trí dạy trực tuyến.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP HCM, khi tổ chức dạy học trực tiếp, thời khóa biểu dạy học trực tiếp của các trường THCS, THPT từ 12 - 30 tiết/tuần tùy theo cấp độ dịch, không yêu cầu các trường phải dạy trực tiếp tất cả các môn khi HS lớp 9, 12 trở lại trường. Tùy tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng các trường sẽ quyết định thời lượng học trực tiếp của các môn sao cho hiệu quả và an toàn.
Tập huấn công tác phòng chống dịch
Tại TP HCM, để chuẩn bị cho ngày quay trở lại trường của HS lớp 9 và 12, Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục; trong đó ra quy trình xử lý nếu phát hiện HS mắc Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp. Theo hướng dẫn của ngành y tế, khi dạy học trực tiếp, nếu phát hiện HS mắc Covid-19, các cơ sở giáo dục tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học; xét nghiệm, kiểm tra cho toàn bộ HS, GV, riêng các lớp học khác hoạt động bình thường. Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô: 2 lớp cùng tầng: xét nghiệm kiểm tra cho HS, GV của tất cả các lớp học trên cùng tầng; 2 lớp khác tầng, cùng khối nhà: xét nghiệm kiểm tra cho HS, GV của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà; 2 lớp khác khối nhà: nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ HS, GV của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.
Trước đó, UBND TP HCM cũng quyết định, từ ngày 13-12, chỉ thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối lớp 9, 12 đối với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và đã được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thủ Đức, các quận, huyện kiểm tra, thẩm định và phê duyệt kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị. Sau thời gian thí điểm việc tổ chức học tập trực tiếp đối với học sinh khối lớp 9, 12 (từ ngày 13-12 đến ngày 25-12), UBND TP HCM giao Sở GD-ĐT và Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thủ Đức, các quận, huyện tổng kết, rút kinh nghiệm và tham mưu UBND TP xem xét, quyết định việc tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3-1-2022.
Có nơi chỉ 1 học sinh đến trường
Tại Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội, trong ngày đầu tiên (6-12) HS đi học trở lại, khối 12 chỉ có 33 HS đến trường. Ngày 7-12, con số này dừng ở 9 HS. Các GV có tiết dạy theo thời khóa biểu vẫn phải có mặt đầy đủ ở trường để sẵn sàng dạy trực tiếp. Với những lớp không có HS nào đến học, GV chuyển sang dạy trực tuyến tại lớp học. Ngày 9-12, chỉ có 1 em đến trường.
Không riêng Hà Nội, phụ huynh nhiều địa phương có con em đi học trực tiếp cũng lo lắng vì dịch bệnh phức tạp. Trước diễn biến 2 F0 là HS của Trường THCS Bắc Hà, quận Kiến An, Hải Phòng) di chuyển và tiếp xúc nhiều người, chính quyền quận Kiến An đã thống nhất cho hàng vạn HS các cấp trên toàn địa bàn tạm dừng đến trường từ ngày 8-12 để bảo đảm an toàn trong dịch Covid-19. Tương tự, Trường THCS Hồng Bàng, quận Hồng Bàng, Hải Phòng cũng thông báo khẩn cấp cho HS nghỉ học. Lý do tạm dừng đến trường vì có 1 HS lớp 6A2 của trường là F0 (trước đó HS này thuộc diện F2 vì có mẹ là F1). Trước đó, ngày 6-12, toàn bộ cấp học mầm non, tiểu học, THCS của huyện Thủy Nguyên dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Châu - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Quỳ Châu, Nghệ An - cho biết hiện tại, qua lấy mẫu xét nghiệm đã phát hiện 9 trường hợp F0 là học sinh của Trường THPT Quỳ Châu. Tiến hành truy vết, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm F1 là HS có liên quan đến các trường hợp mắc Covid-19. Trường THPT Quỳ Châu cho toàn bộ HS nghỉ học, chuyển sang hình thức dạy học online để phòng chống dịch.
Trước đó, để bảo đảm an toàn trường học và sức khỏe HS, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho 19 trường học trên địa bàn huyện tạm dừng cho HS tới trường từ ngày 6-12, cho đến khi có thông báo mới.
Y.Anh