Ưu, nhược điểm của từng hình dáng bếp và cách bài trí "chuẩn"

Theo Đô thị,
Chia sẻ

Dưới đây là 5 kiểu bếp thông dụng nhất, mỗi kiểu bếp có những ưu, nhược điểm riêng. Hy vọng, bạn sẽ tìm được kiểu bếp phù hợp nhất với nhà mình.

Chọn mô hình bếp thực sự phù hợp sẽ giúp bạn khai thác tối đa lợi thế về diện tích trong không gian nhà bạn. Trước khi quyết định, bạn nên xem xét về mục đích bếp đơn thuần là để nấu nướng hay là nơi thư giãn, họp mặt gia đình; có bao nhiêu người sẽ tham gia nấu ăn, và đặc biệt địa hình, diện tích của ngôi nhà thích hợp với kiểu bếp nào.

Dưới đây là 5 kiểu bếp thông dụng nhất, mỗi kiểu bếp có những ưu, nhược điểm riêng. Hy vọng, bạn sẽ tìm được kiểu bếp phù hợp nhất với nhà mình:

1. Bếp song song




Với kiểu bếp này, bếp gas, bồn rửa đặt 1 bên, bên kia là không gian lưu trữ, chuẩn bị đồ nấu và tủ lạnh. Thậm chí, với mẫu bếp này, bạn có thể tận dụng hành lang cho khu vực bếp hoặc những không gian dài và hẹp. Tuy nhiên, bếp song song đôi khi chỉ thích hợp cho một người nấu, và có thể có giao thông qua lại, làm cản trở việc nấu nướng.

Ưu điểm:

- Tận dụng không gian nhỏ một cách hiệu quả.

- Dễ điều chỉnh độ dài và phân chia khu vực chức năng.

 
 


2. Bếp chữ L

 


Đây là kiểu bếp phổ biến và linh hoạt nhất. Mô hình bếp này rất phù hợp với những khu vực mở hoặc không gian hẹp. Bên cạnh không gian nấu nướng, không gian ăn uống có thể dễ dàng được đưa vào. Thiết kế này giảm thiểu khoảng cách phải đi bộ trong khi nấu và chuẩn bị, cung cấp không gian lưu trữ tốt. Tuy nhiên, kiểu bếp này chỉ phù hợp cho một người nấu và không gian bếp nhỏ.


 
Bếp chữ L tận dụng những góc trong nhà, thích hợp cho không gian hẹp.


Ưu điểm:

- Tận dụng các góc không gian hiệu quả.

- Thích hợp cho không gian bếp nhỏ và vừa.

- Không có giao thông qua lại trong khu vực nấu.

- Dễ điều chỉnh độ dài của bếp.

- Dễ phân chia bếp thành nhiều khu vực chức năng phục vụ cho việc nấu nướng.


3. Bếp hình chữ U


 


Khác với các kiểu bếp trên, bếp chữ U vừa phù hợp cho không gian lớn và cả không gian nhỏ. Kiểu bếp này giúp không gian không bị bí bách và có nhiều khoảng lưu trữ.


 

Ưu điểm:

- Dễ phân chia khu vực.

- Một chân chữ U có thể trở thành quầy bar ăn sáng, hoặc phục vụ đồ uống.

- Không có giao thông đi qua làm cản trở việc nấu nướng.

- Phù hợp với cả không gian lớn, nhỏ.


 
Một chân của chữ U có thể làm quầy bar ăn sáng hoặc phục vụ đồ uống.
 


4. Bếp hình đường thẳng

 


Bếp hình đường thẳng là giải pháp thông minh và đơn giản cho không gian hẹp. Bàn, tủ, thiết bị có thể đặt dọc theo tường. Thiết kế này tạo thành khoảng đi bộ dài, bạn thường phải đi từ bên này sang bên kia trong khi nấu. Để đảm bảo không gian không bị giới hạn, nên đặt chậu rửa ở giữa bếp, còn tủ để trữ bát, đĩa nên đặt trên cao, các thiết bị đặt ở tủ dưới.


 

Ưu điểm:

- Có thể sử dụng cho nhà lớn với thiết kế mở.

- Phù hợp với nhà nhỏ.

- Có thể 1 hoặc 2 người chuẩn bị nấu nướng

 

5. Bếp hình đảo


 
 

 


Đây là kiểu bếp phổ biến nhất, có khả năng thiết kế vô tận, với nhiều lựa chọn về phong cách cũng như chất liệu. Bạn có thể kết hợp bếp hình chữ L, chữ U, hình đường thẳng, hình song song với đảo bếp. Đảo bếp có thể có nhiều cấp độ tùy thuộc chức năng. Với đảo bếp, việc nấu nướng vô cùng thuận tiện, và nhiều người có thể tham gia nấu cùng lúc.


 

Ưu điểm:

- Khoảng lưu trữ rộng.

- Có thể kết hợp không gian ăn uống cùng bếp.

- Nhiều người có thể nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn.

- Lựa chọn thích hợp cho nhà bếp lớn.


 
Bếp đảo có không gian lưu trữ rất rộng. 
 

Chia sẻ