Uống nước sao cho đúng?

,
Chia sẻ

Nước rất cần thiết và quan trọng cho cơ thể. Điều đó ai cũng biết. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người ngộ nhận về lượng nước cần cung cấp cho cơ thể và không biết nên uống như thế nào là đúng.

Sau khi lao động nặng

Thường sau khi lao động ngoài trời, nhất là những ngày nắng nóng cơ thể ra nhiều mồ hôi. Do đó, một lượng nước đáng kể cũng thoát ra ngoài, cơ thể sẽ bị thiếu nước nên chúng ta thường rất khát. Rất nhiều người nghĩ rằng, cần phải uống thật nhiều nước, vừa đã cơn khát vừa bù được lượng nước đã mất. Do đó, có người uống một lần cả nửa lít nước liên tục.

Nhưng, theo các chuyên gia dinh dưỡng việc này lại hoàn toàn không có lợi cho cơ thể. Bởi vì, sau khi lao động nặng hoặc đứng lâu ngoài nắng, nhịp tim sẽ tăng nhanh nếu uống liên tục, nhiều sẽ càng làm tim vất vả hơn. Tim không có thời gian nghỉ ngơi, điều hòa mà ngay lập tức phải làm việc để vận chuyển nước đến các mao mạch và tế bào trong cơ thể.

Đồng thời, uống nhiều nước một lúc sẽ gây quá tải cho thận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giúp lọc và thải các độc tố, nước còn mang theo cả các khoáng chất trong cơ thể ra ngoài vì không xử lý kịp.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng 2 giờ trước khi bắt đầu lao động hay vận động mạnh (tập thể dục) nên uống từ 400 – 600ml nước để cơ thể kịp cân bằng nước. Trong quá trình làm việc hoặc tập luyện vẫn phải cung cấp nước thường xuyên từng ngụm nhỏ và cách nhau khoảng 15 – 30 phút/lần.

Ngoài ra, chúng ta vẫn có thói quen không tốt là đợi đến khi cơ thể khát mới uống. Lúc ấy, dù có uống nhiều nước cũng không tác dụng ngay, vì nước chưa thể thấm ngay và lan đều các tế bào nên ta vẫn thấy khát. Vì vậy, nên uống nước thường xuyên và chia nhỏ thành nhiều lần tránh trường hợp để khát mới uống và uống dồn dập một lúc.

Uống nhiều là tốt?

Một số tài liệu hướng dẫn cho rằng cần phải uống nhiều nước để giúp da dẻ mịn màng, gan, thận hoạt động tốt hơn… Điều đó không có gì sai, nhưng nhiều người trong chúng ta lại nghĩ càng uống nhiều nước càng tốt. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, điều này sẽ gây tác dụng ngược lại như đã nói.

Theo tính toán, ở điều kiện bình thường cơ thể chúng ta cần 40ml nước/1kg cân nặng. Như vậy, với thể trạng trung bình của người Việt Nam ta nên uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.

Mặt khác, cơ thể có thể có thể hấp thụ lượng nước ấy ở nhiều dạng khác nhau: nước lọc, nước ép trái cây, rau xanh, trái cây, canh, thịt, cá và các loại thực phẩm khác… Tuy nhiên, nếu cơ thể đang bị sốt, bà mẹ đang cho con bú hoặc những ngày nắng nóng… cần uống nhiều nước hơn so với bình thường. Ở những trường hợp này, cơ thể đang bị mất nước nghiêm trọng.

Đồng thời, không nên uống nhiều nước ngay trước hoặc sau bữa ăn mà khoảng 20 – 40 phút hãy uống (trừ những bữa ăn nhiều dầu mỡ, chất kích thích, thức ăn khô thời gian có thể giảm xuống 10 phút). Khoảng thời gian này đảm bảo nước đã được tống khỏi dạ dày và thấm vào tế bào.

Nếu uống ngay, nước sẽ pha loãng hoặc làm giảm hoạt tính của các men tiêu hóa, ảnh hưởng đến khả năng xử lý và hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Đặc biệt, trong những ngày lạnh, ta có thể uống ít hơn so với ngày thường.

Theo Mỹ thuật
 
Chia sẻ