Ứng viên tự nhận là admin nhóm tuyển dụng có hàng nghìn thành viên mắng mỏ HR vì rớt phỏng vấn: Lại ảo quyền lực rồi?
Trong suốt quá trình trao đổi về kết quả phỏng vấn qua tin nhắn, P.T luôn cho rằng mình giỏi, có trình độ nên không thể có chuyện bị từ chối được. Nhưng đôi khi, thái độ mới là thứ quan trọng.
Thời gian gần đây, mọi người vẫn hay nhắc tới cụm “ngáo quyền lực”, “ảo tưởng quyền lực"... cứ ngỡ, cụm này chỉ dành cho những idol “tóp tóp", nghệ sĩ nhiều fan có những hành xử vượt quá giới hạn cho phép vì nghĩ mình có sức ảnh hưởng trên MXH. Thế nhưng, mới đây nhất, netizen vừa ngã ngửa vì một tình huống ảo quyền lực trong môi trường… công sở.
Câu chuyện đi xin việc rồi cãi tay đôi với phía tuyển dụng của thanh niên bị cho là ảo tưởng sức mạnh này đang trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng.
“Bóc phốt" nơi tuyển dụng trên group “nhà mình", mắng HR “làm ăn tào lao”
Ứng viên được nhắc đến có tên viết tắt là P.T, tự nhận lập ra group chuyên trao đổi thông tin tuyển dụng có hơn 5,3 nghìn thành viên trên MXH.
P.T ứng tuyển vào một công ty công nghệ trên địa bàn Hà Nội, tạm gọi là A. Sau buổi phỏng vấn, người này khẳng định với HR (Human Resources, tức là quản trị nhân sự) của công ty rằng mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ, rất oke và hào hứng chờ đến ngày được báo tin đi làm.
Tuy nhiên không lâu sau đó, HR công ty A đã thông báo rằng người này trượt phỏng vấn với lý do chưa phù hợp về mặt chuyên môn. Ứng viên liền không chấp nhận quyết định này, khẳng định phỏng vấn mới chỉ là bước đầu làm quen, chưa nói rõ được trình độ chuyên môn nên cần thử việc mới biết.
Trong suốt quá trình trao đổi về kết quả phỏng vấn qua tin nhắn, P.T luôn cho rằng mình giỏi, có trình độ nên không thể có chuyện bị từ chối được. Nếu trượt là do người tuyển dụng không biết nhìn đúng người, không phải do mình. Thậm chí người này còn tự tin thái quá về vị trí của bản thân, tuyên bố cho công ty cơ hội suy nghĩ thêm để nhận mình vào làm trước khi quá muộn.
Khi liên tục bị từ chối, ứng viên đòi “bóc” công ty lên nhóm tuyển dụng do mình làm quản trị viên vì “làm ăn tào lao” và làm tốn thời gian của mình (sau đó P.T đã làm thế thật). Chốt lại cuộc trao đổi với H.R công ty A., P.T đã văng tục.
Phía dưới bài đăng này, dân tình đã để lại nhiều bình luận ngao ngán về ứng viên, một lần nữa xác nhận sự quan trọng của thái độ khi đi phỏng vấn. Nhiều người cho rằng không rõ trình độ của ứng đến đâu nhưng với thái độ này thì việc bị trượt là hoàn toàn dễ hiểu, ngay cả khi đã đậu phỏng vấn cũng sẽ sớm bị cho nghỉ việc với cách ứng xử này.
Một số khác khẳng định P.T đang có dấu hiệu “ngáo” quyền lực và năng lực vì liên tục “bơm" khả năng của mình lên mây xanh nhưng cuối cùng chốt lại vì mãi không xin được việc nên có phần nóng nảy. Khi thái độ cư xử đã không đúng mực với phía nhà tuyển dụng, P.T còn “bóc phốt" công ty khuyến cáo members trong group tuyển dụng do mình lập ra để mọi người tránh xa công ty này.
Trình độ quan trọng, nhưng thái độ còn quan trọng hơn: Vì sao?
P.T bị sốc khi mình có kinh nghiệm lẫn sự “nổi tiếng” nhất định trên MXH mà vẫn rớt phỏng vấn. Và thật ra, không riêng P.T mà cũng có nhiều người khác phải chấp nhận và bước qua cú sốc này, khi cầm hồ sơ đi xin việc.
Thực tế cho thấy: Những người mới đi phỏng vấn hay mới bắt đầu đi làm, ngoài những bằng cấp có thể đại diện cho học vấn và một cơ thể khỏe mạnh, họ sẽ có gì khác?
Cái có thể so sánh chỉ là thái độ. Chỉ thái độ tốt mới có thể đam mê công việc, làm việc không tiếc công sức, nhanh chóng phát triển và thành công. Nhiều người cho rằng mình thông minh hay nói rằng “IQ của tôi cao hơn người khác nên tôi không sợ”.
Nhưng trên thực tế khi xét về trình độ học vấn, hầu hết mọi người đều bình đẳng và công ty tốt sẽ không tuyển dụng một cách tùy tiện. Với mặt bằng trình độ chung ngày nay, không phải là “sinh viên trường top có nhiều cơ hội lựa chọn hơn” mà phải là “đều là sinh viên trường top, thái độ là yếu tố mấu chốt quyết định có thành công hay không”.
Khi tuyển dụng, nhà tuyển dụng cũng sẽ chọn những nhân viên có thái độ tốt, tay nghề chưa tốt có thể đào tạo sau khi trúng tuyển. Thậm chí những nhà tuyển dụng lâu năm còn có một nguyên tắc chung là: Chọn nhân viên phù hợp với công ty và có thái độ tốt hơn là nhân viên có trình độ và kỹ năng cao.
Trong cuốn sách Your Attitude: Key To Success (tạm dịch: Thái độ của bạn - chìa khóa thành công) của John C.Maxwell - diễn giả hàng đầu thế giới đào tạo về lãnh đạo, ngay chương đầu tiên đã xuất hiện một số công thức thế này:
IQ cao + Thái độ kém = Điểm kém
IQ cao + Thái độ tồi tệ = Điểm trung bình
IQ cao + Thái độ trung bình = Điểm tốt
IQ cao + Thái độ tốt = Điểm xuất sắc
Tác giả cũng bày tỏ quan điểm một thái độ tốt không thể quyết định thành công của bạn nhưng một thái độ xấu có thể quyết định sự thất bại của bạn.
Cũng chính từ đây, các công ty thường có 4 kiểu nhân viên:
A. Nhân viên có năng lực cao và thái độ tốt được ưa chuộng nhất trong doanh nghiệp. Họ sẽ luôn được giữ lại bằng cách khuyến khích, công nhận và những lần thăng tiến.
B. Nhân viên năng lực chưa cao nhưng có thái độ tốt được nâng cao năng lực thông qua đào tạo và thường là nhân viên được doanh nghiệp tuyển dụng.
C. Nhân viên có năng lực cao và thái độ kém nếu được sử dụng tốt có thể phát huy tác dụng nhưng cũng phải trả giá nên cần tuyển dụng kỹ. Kiểu nhân viên này rất dễ trượt tuyển dụng vì các nhà quản lý cho rằng thay vì mạo hiểm với người như vậy thì tốt hơn nên dành thời gian đào tạo kiểu nhân viên thứ 2.
D. Nhân viên năng lực thấp, thái độ kém chắc chắn là người bị loại bỏ đầu tiên, trừ khi thay đổi thái độ thì mới có thể có cơ hội.
Rào cản khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng
Từ câu chuyện này, có thể thấy thái độ của bạn được cảm nhận bởi người khác, dựa trên cảm xúc, hành vi và ý kiến mà bạn thể hiện.
Nguyên nhân khiến bạn vấp phải rào cản khi đi phỏng vấn hay mới đi làm là do bạn chưa hiểu được tầm quan trọng của thái độ, đặc biệt là thái độ thể hiện ra bên ngoài. Người ta hay nói “Bạn hiểu sai về tôi rồi, tôi không phải như vậy, tôi không có ý đó” nhưng sự hiểu lầm lại giống như không khí, có mặt ở khắp mọi nơi.
Cụ thể hơn, việc người khác hiểu lầm thái độ là do chúng ta chưa truyền đạt được thái độ thông qua cảm xúc. Khi bạn dùng giọng điệu nhanh, lớn tiếng lúc đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn đang nóng nảy, thiếu kiên nhẫn. Khi bạn đến buổi ứng tuyển với gương mặt đờ đẫn và mí mắt nặng trĩu, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn có tâm trạng không tốt, thái độ làm việc chưa chuyên nghiệp. Những thông tin về thái độ này hoàn toàn có thể khiến bạn trượt phỏng vấn.
Tất nhiên, có thể những cảm nhận không tốt nói trên không phải là thái độ bạn muốn bày tỏ mà đó chỉ là tính cách và thói quen. Nhưng người ngoài sẽ không đồng tình với cái cớ này, ai cũng chỉ lấy tiêu chuẩn nơi công sở để đo lường.
Hành vi cũng là một yếu tố quan trọng để đánh giá thái độ của một người có tích cực hay không. Việc dành thời gian phù hợp để làm điều gì đó cho thấy bạn có coi trọng nó không. Ví dụ thái độ làm việc của một người có nghiêm túc hay không có thể được đánh giá từ sự tận tâm của anh ta đối với công việc.
Nếu một người dành rất nhiều thời gian và sức lực để hoàn thành công việc thì sẽ được đánh giá thái độ tốt, làm việc không tiếc công sức. Ngược lại một người thông minh nhưng khi làm việc hay sợ thiệt cho bản thân, muốn đạt kết quả tốt nhưng không tập trung thời gian thì chắc chắn sẽ bị nhận xét không tốt.
Làm thế nào để có thái độ tốt chốn công sở?
1. Quản lý cảm xúc của bản thân: Người chuyên nghiệp là người biết quản lý cảm xúc. Hãy thể hiện khía cạnh chuyên nghiệp tại nơi làm việc, khắc phục những khuyết điểm trong tính cách của bản thân, đừng vì cảm xúc mà khiến người khác hiểu lầm thái độ của bạn.
2. Thực hiện đúng nội quy nơi làm việc: Nội quy nơi làm việc là quy tắc ứng xử của người làm nghề, hành động theo đúng quy tắc nghề nghiệp sẽ không bao giờ gây hiểu lầm về thái độ do “không hiểu biết”.
3. Trút bỏ áp lực công việc qua các hoạt động: Ban có thể loại bỏ nỗi buồn của bạn tại nơi làm việc thông qua bằng cách chuyển giao cảm xúc vào các hoạt động khác. Chẳng hạn như tập thể dục, đi chơi, du lịch, các sở thích,... rồi quay lại đi làm với tinh thần nhiệt tình, hào hứng.
4. Thay đổi thái độ với mình và với người: Vẫn biết một khi đã hình thành những đánh giá không tốt về người khác thì khó thay đổi nhưng không phải là không thể. Hãy tôn trọng quan điểm của người khác và giữ vững quan điểm của mình để không tạo ra xung đột mà chỉ là đối lập quan điểm.