Ung thư tăng nhanh và trẻ hóa
Ung thư ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa. Thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có thêm 150.000 bệnh nhân ung thư mắc mới.
Con số này sẽ tăng lên 189.000 người vào năm 2020. Cùng với nó là gánh nặng về tài chính và tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bệnh viện K: 1.000 ca khám/ngày
Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, 5 năm trước, mỗi ngày phòng khám Bệnh viện K tiếp nhận khoảng 700-800 bệnh nhân, nhưng gần đây con số này tăng lên hơn 1.000 bệnh nhân/ngày. Ngoài ra tại 2 cơ sở điều trị khác của bệnh viện luôn có khoảng 2.000 bệnh nhân điều trị nội trú. PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K cho biết, Bệnh viện K là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất nước, có lúc chịu đựng tới gần 300% so với năng lực. Mỗi năm, lượng bệnh nhân ung thư vào Bệnh viện K tăng 10-20%. Thống kê của Bệnh viện Bạch Mai năm 2014 cho thấy, hơn 73% số bệnh nhân ung thư tử vong mỗi năm. Điều này khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình do ung thư trên thế giới là 59,7%. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong trung bình là 67,8% và ở các nước phát triển, tỷ lệ này thấp hơn nhiều, chỉ có 49,4%.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Đáng chú ý ung thư phổi đã tăng gấp đôi sau 10 năm, năm 2000 số mắc ung thư phổi là 17/100.000 dân, đến 2010 đã tăng lên gấp đôi, tới mức 34 người/100.000 dân. Hay ung thư đường tiêu hóa cũng gia tăng gấp rưỡi sau 10 năm.
Bệnh nhân ung thư không chỉ gia tăng mà còn đang có những diễn biến đáng lo ngại. GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu ung thư cho biết, bệnh ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Bằng chứng là tại một số cơ sở điều trị ung bướu đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư ở độ tuổi 20, thậm chí không ít trường hợp là trẻ em. Đáng lo ngại, một số loại ung thư như dạ dày, phổi, trực tràng, vú cũng có chiều hướng tăng cao. Trong đó, chỉ riêng ung thư dạ dày ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao gấp năm lần so một số quốc gia trong khu vực.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh ung thư ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và là một thách thức lớn đối với ngành y tế, trở thành gánh nặng của toàn xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc và tử vong vì ung thư cao nhất thế giới. Kết quả nghiên cứu chi phí điều trị ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (ACTION) do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George thực hiện được tiến hành tại 8 quốc gia với 9.500 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân Việt Nam chiếm 20% cho thấy, 88% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.
Theo nghiên cứu, khó khăn về tài chính được định nghĩa khi chi phí điều trị dành cho điều trị bệnh chiếm hơn 30% thu nhập của hộ gia đình. GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết: “Sau khi điều trị một năm có 34% bệnh nhân không đủ tiền mua thuốc, 22% không thể thanh toán kể cả chi phí đi lại, 24% bệnh nhân không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện nước, gas…Đây mới chỉ là kết quả sau 12 tháng. Nếu tiếp sau đó thì không biết có bao nhiêu người bệnh còn đi tiếp được đường đi này”.
Khám bệnh tại Bệnh viện K. Ảnh: Hồng Vĩnh.
80% nguyên nhân do môi trường
GS.TS Mai Trọng Khoa nhận định, hơn 80% trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào như không khí ô nhiễm, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làm việc độc hại. Trong đó khoảng 30% căn nguyên gây ung thư là do thuốc lá, đặc biệt là ung thư phổi.
Theo đánh giá của các chuyên gia về ung thư, ăn uống thực phẩm không đảm bảo là căn nguyên hàng đầu dẫn đến ung thư. Dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn chiếm trên 30% căn nguyên gây ung thư như ăn nhiều chất béo, đạm, đặc biệt là mỡ động vật, ít rau quả, sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm hóa chất bảo quản. Các ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng, ung thư vú liên quan chặt chẽ căn nguyên này. Những thực phẩm chứa chất độc hại khi vào cơ thể thông qua ăn uống sẽ đi qua máu, tác động vào từng tế bào gây ra nhiều loại bệnh ung thư hơn. Khi cơ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào. Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh. Nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ nhờn, mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính.
Ngoài ra còn có nhiều nhóm bệnh nghề nghiệp dễ dẫn đến các dạng ung thư như: Ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng và hít phải bụi amiăng; tiếp xúc với các chất asen, cadmi, crôm, niken, silic. Một số dạng ung thư nghề nghiệp phổ biến khác như: Ung thư da, mũi, miệng, gan do tiếp xúc với hóa chất sử dụng trong công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, Việt Nam nên xem bệnh ung thư như một vấn đề mang tầm quốc gia vì mức độ ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực y tế mà mà còn liên quan đến cả sự phát triển kinh tế và xã hội. Vì thế cần những hành động thiết thực như: tăng cường tầm soát sớm, ban hành chính sách hỗ trợ điều trị, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư.
Ngày 8/12, tại Hội thảo hợp tác đa ngành trong phòng chống ung thư, Bộ Y tế đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia tổ chức Chiến dịch 1 triệu tin nhắn ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo. Theo đó, với mỗi một tin nhắn theo cú pháp UT gửi 1406 có giá trị ủng hộ 12.000 đồng. Chiến dịch nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư sẽ kéo dài đến ngày 6/2/2016. |
GS.TS Mai Trọng Khoa cho biết, việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư có thể giảm tỷ lệ tử vong do bệnh này gây ra. Với sự phát triển của y học hiện nay nhiều bệnh ung thư đã được chữa khỏi tới 80% khi phát hiện ở giai đoạn đầu của bệnh như ung thư vú, tử cung, tuyến tiền liệt, da, vòm họng... Nhiều bệnh ung thư khi phát hiện bệnh ở giai đoạn 1 chỉ mất 1-2 triệu tiền phẫu thuật, nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn 3 chi phí điều trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mà nguy cơ tử vong vẫn cao. |