Ung thư chuyển nặng sau khi dùng thuốc ‘tiêu khối u, kéo dài sự sống’ mua trên mạng
Người đàn ông mắc ung thư gan nhưng từ chối điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Về nhà, ông mua thuốc trên mạng để uống.
Báo VnExpress cho biết người đàn ông 37 tuổi phát hiện ung thư gan từ đầu năm 2025, được bác sĩ khuyến nghị điều trị nội khoa kết hợp chăm sóc giảm nhẹ do tiên lượng không khả quan.
Tuy nhiên, gia đình đã từ chối phương án điều trị tại bệnh viện và quyết định đưa bệnh nhân về nhà để áp dụng một phương pháp được quảng bá trên mạng xã hội. Sản phẩm được người bán giới thiệu là "thuốc có khả năng tiêu khối u và kéo dài sự sống", với mức giá vài chục triệu đồng.

Người đàn ông mắc ung thư gan nhưng từ chối điều trị tại bệnh viện. (Ảnh minh họa)
Khi quay lại Bệnh viện Đại học Y để tái khám, các bác sĩ nhận định tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng, cơ hội sống gần như khép lại.
Một trường hợp khác là chị Loan, 35 tuổi, sống tại TP HCM, cũng trở thành ‘nạn nhân’ của thuốc được rao bán trên mạng. Chị đã mua một liệu trình điều trị viêm khớp, được quảng cáo là "sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ".
Người bán thuộc một nhóm chuyên kinh doanh thuốc xách tay trực tuyến, với cộng đồng lên tới hơn một triệu thành viên. Chỉ sau vài giây đăng bài tìm hiểu, chị đã nhận được hàng chục tin nhắn chào mời sản phẩm. Phần lớn người bán đều cam đoan có kinh nghiệm, bán “hàng chính hãng, an toàn và nhận được nhiều phản hồi tích cực”, VnExpress đưa tin.
Tuy nhiên, sau ba tuần sử dụng, chị Loan phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy gan nghiêm trọng. Kết quả xét nghiệm cho thấy loại thuốc mà chị sử dụng có chứa chất cấm nguy hiểm đã bị cấm lưu hành từ năm 2018.

Các sản phẩm được quảng bá là "thuốc xách tay" đang tràn lan mạng xã hội. (Ảnh minh họa)
“Thuốc xách tay” tràn lan mạng xã hội
Theo khảo sát của VnExpress, tìm mua thuốc xách tay qua mạng rất đơn giản. Chỉ vài giây tìm kiếm cụm từ ngắn gọn như "mua thuốc xách tay", có đến hàng trăm nghìn kết quả hiển thị, trong đó nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Số lượng nhóm và người bán thuốc xách tay trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Youtube... không thể đếm hết.
“Thuốc xách tay” trên mạng có nhiều loại, "giá nào cũng bán, bệnh nào cũng chữa", từ ung thư, tim mạch, đột quỵ, thuốc tăng cân, giảm cân, đẹp da đến giảm đau xương khớp, chữa yếu sinh lý.
Điểm chung của các loại thuốc này là rẻ, mua bán dễ dàng, khó xác minh được nguồn gốc hoặc chỉ phát hiện hàng giả khi đã mất tiền. Khách hàng chỉ cần chọn số lượng, điền đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại, phương thức thanh toán bên dưới, sẽ có ngay thuốc trong vòng vài ngày. Để tăng uy tín, người bán thường thuê người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm hoặc thuê người trải nghiệm, thổi phồng công dụng.
“Mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người”
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng, nói với VnExpress rằng mua “thuốc xách tay” ngày càng đơn giản, "dễ như mua bó rau ngoài chợ". Đặc biệt, chiêu "thay áo" cho thuốc, trộn lẫn thuốc giả với thuốc thật, đổi nhãn mác, làm giả thương hiệu lớn ngày càng tinh vi, nhằm thao túng người tiêu dùng, rất khó phân biệt bằng mắt thường.
"Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế", bác sĩ nói.
Thuốc giả làm ảnh hưởng đến điều trị, đánh mất cơ hội sống vì bỏ lỡ thời điểm vàng, đặc biệt là bệnh lý nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư. Nhiều thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm, gây tổn thương gan, thận, tim mạch hoặc phản ứng phản vệ, có thể gây tử vong. Các loại thuốc sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, thuốc giả dạng tiêm hoặc vaccine có thể gây nhiễm trùng toàn thân...
Đặc biệt, nhóm thuốc điều trị xương khớp, vốn được tiêu thụ rất phổ biến trong cộng đồng người cao tuổi tại Việt Nam, khi làm giả thường hay trộn corticoid liều cao để nhanh giảm bớt các triệu chứng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây biến chứng ở người lớn tuổi như suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim.
Để tránh bị lừa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, không tin vào quảng cáo "thần thánh hóa" sản phẩm. Trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Người dân cần tự nâng cao cảnh giác, nhận thức để tránh sa bẫy mua thuốc không nguồn gốc. Nên tham khảo các trang web như congkhaiyte.moh.gov.vn hoặc nghidinh15.vfa.gov.vn - những địa chỉ chính thống để tra cứu thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trường hợp có bệnh lý, Bộ Y tế khuyên hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
(tổng hợp)