Tuyển sinh ĐH năm 2025: Kiên quyết loại bỏ các tổ hợp "lạ"
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiến nghị giải pháp đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học từ năm 2025.
Trong văn bản, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đưa ra nhiều ý kiến cần sửa đổi liên quan đến tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo quy định hiện hành, thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 4 môn. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn là bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Cách lựa chọn này tạo ra 36 tổ hợp môn.
Về nội dung này, Hiệp hội kiến nghị, Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập một số Trung tâm Khảo thí độc lập hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận để triển khai các dịch vụ công ích trong lĩnh vực đo lường – đánh giá giáo dục và tập trung cải thiện kì thi tốt nghiệp THPT theo định hướng.
Với kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Hiệp hội cho rằng, việc ra các loại đề thi khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh (THPT, giáo dục thường xuyên...) nhằm bảo đảm công bằng, tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Cùng đó, tăng thời gian làm bài của các bài thi môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng “đoán mò” trong dạng thức câu hỏi đúng, sai để các trường đại học thuận lợi trong phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Các thí sinh dự thi cũng cần được lựa chọn thêm các môn thi lựa chọn (kể cả khi không học môn lựa chọn trong chương trình nhà trường qui định) để đảm bảo người học phát triển hết năng lực tự học và có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học khi đảm bảo chất lượng đầu vào.
Loại bỏ phương thức xét tuyển không đảm bảo chất lượng
Về hoạt động tuyển sinh đại học từ năm 2025 , Hiệp hội dự đoán hoạt động tuyển sinh đại học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có một số khó khăn, bất cập.
Cụ thể, phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chịu ảnh hưởng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hạn chế các tổ hợp xét tuyển truyền thống do việc học môn lựa chọn và thi chỉ được dự thi 2 môn lựa chọn.
Ngoài ra sẽ xuất hiện hàng loạt trường đại học tổ chức kì thi tuyển sinh riêng thường dưới tên gọi “đánh giá năng lực”, “đánh giá tư duy” (nhà trường tự qui định nội dung, hình thức và tiêu chí lựa chọn) để phục vụ cho nhóm trường, nhóm ngành tuyển sinh có tỉ lệ cạnh tranh gay gắt.
Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng chưa đảm bảo đánh giá đúng năng lực ngoại ngữ của thí sinh THPT do các môn ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có chuẩn đầu ra khác với chuẩn của các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang được nhiều trường đại học công nhận xét đầu vào hiện nay.
Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng gây khó khăn và tốn kém cho thí sinh và phụ huynh do phải thi cử nhiều lần, phải chấp nhận ghi danh ở nhiều “lò luyện”… Việc này cũng ảnh hưởng tới chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
"Thậm chí, nhiều trường đại học tốp dưới thường đưa ra vô số phương thức tuyển sinh "lạ", phi truyền thống, không hẳn nhằm mục đích hướng nghiệp mà có lẽ chỉ nhằm mục đích tuyển sinh", Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu ý kiến.
Một vấn đề khác được nêu ra liên quan đến phương thức xét tuyển bằng học bạ được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chất lượng đầu vào của xét tuyển đại học (do cách đánh giá xếp loại ở cấp THPT và cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT có lấy kết quả học tập 3 năm cấp THPT), dẫn đến điểm học bạ của thí sinh sẽ có độ tin cậy chưa cao, chưa đảm bảo tính công bằng giữa thí sinh các trường THPT, các tỉnh, thành phố khác nhau.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào với ngành được đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kì thi riêng được sử dụng để xét tuyển sinh, bảo đảm chuẩn đầu vào năng lực cơ bản để học tập thành công ở bậc đại học. Đặc biệt, cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp “lạ”.
Bộ GD&ĐT cần làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm” hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển. Thí sinh chỉ mới đáp ứng điều kiện ‘đủ” là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện “cần” theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
"Bộ GD&ĐT đánh giá sự phù hợp của các kì thi riêng do các đại học, trường đại học tổ chức để đảm bảo không vượt quá chương trình học của học sinh cấp THPT để giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. Bộ GD&ĐT cũng cần chỉ đạo các đại học, trường đại học xây dựng các tổ hợp xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của đầu vào ngành học của bậc đại học; chỉ được đặt thêm các tiêu chí phụ cần thiết đối với những ngành năng khiếu, ngành “hot”....", Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị.
Hiệp hội cũng yêu cầu cần làm rõ cơ sở khoa học để các đại học, trường đại học thực hiện quy định theo dự thảo quy chế tuyển sinh từ năm 2025 về nội dung chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.