Tuyển sinh 2023: Điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực
Theo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) ban hành năm 2022, Bộ GD&ĐT chính thức điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển sinh bắt đầu từ năm 2023 này. Với quy định mới, thí sinh các khu vực được cộng điểm ưu tiên thi đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển sinh từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm ưu tiên giảm dần.
Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực. Thời gian qua, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
Bộ GD&ĐT cho biết, chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn. Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Trước khi đưa ra điều chỉnh này, Bộ GDĐT đã có những thống kê, phân tích trên dữ liệu tuyển sinh thực tế các năm qua. Ví dụ, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở nên thiếu công bằng. Vì thế, điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, cao đẳng như đã từng xảy ra.
Đặc biệt, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Như vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển ĐH từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.
TS Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý đến các loại giấy tờ tùy thân của thí sinh dùng trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển. Thí sinh nên dùng một loại căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân thống nhất trong suốt quá trình thi và xét tuyển. Năm 2022, nhiều rắc rối đã xảy ra khi thí sinh sử dụng hai loại giấy tờ cùng lúc.
Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, việc áp dụng này không chỉ đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mà còn với tất cả các phương thức xét tuyển khác; các trường khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh để xét tuyển cần phải quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
Không xét tuyển sớm
Bộ GD&ĐT cũng cho biết đang xem xét không thực hiện xét tuyển ĐH sớm trong mùa tuyển sinh năm 2023, trừ một số trường hợp đặc thù. Tất cả phương thức xét tuyển ĐH, bao gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, sẽ được thực hiện cùng một đợt.
Chia sẻ tại buổi tư vấn về tuyển sinh ĐH 2023 do báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức ngày 7/1, TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho biết, đến thời điểm hiện tại, những quy định về tuyển sinh, xét tuyển ĐH trong năm 2023 cơ bản vẫn được giữ ổn định như năm 2022.
TS Hùng thông tin, một trong những điểm mới trong năm 2023 đã được quy định trong Quy chế tuyển sinh là các cơ sở giáo dục ĐH phải xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa quy chế của Bộ. Quy chế này cũng sẽ dựa vào những đặc thù của từng trường. Thí sinh có thể theo dõi trên website của các trường ĐH này hoặc trên những trang báo chính thống.
TS Hùng cũng lưu ý, khi tìm hiểu quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh của các trường, thí sinh cần chú ý đến các phương thức xét tuyển, các tổ hợp môn học xét tuyển, thông tin đào tạo từ trường… để có thể lựa chọn lộ trình ôn tập và xét tuyển hợp lý. Về kỹ thuật, TS Hùng cho biết, tất cả các bước đăng ký, xác nhận trong khâu tuyển sinh, xét tuyển năm 2023 đều được thực hiện trực tuyến. Thí sinh sẽ phải đăng ký trên trang nghiệp vụ của Bộ GD&ĐT. Việc nhập học ở các trường ĐH dự kiến cũng sẽ được thực hiện hoàn toàn trực tuyến.
Về xét tuyển, TS Hùng nhắc lại, cũng giống như những năm gần đây, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng và chỉ có thể trúng tuyển nguyện vọng cao nhất. Tất cả nguyện vọng của thí sinh đều phải được đưa vào hệ thống lọc ảo chung, dù xét tuyển bằng bất kỳ phương thức nào.
Với các nhóm ngành sư phạm và sức khỏe, thí sinh sẽ phải tuân thủ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.