Tuyển sinh 2023, điểm thi càng cao, điểm ưu tiên càng giảm: Bộ GD&ĐT lý giải
Đại diện Bộ GD&ĐT lý giải quy định thí sinh có điểm thi càng cao thì điểm cộng sẽ càng giảm.
Tại buổi giao lưu trực tuyến: “Thí sinh chọn ngành học theo bản thân hay xu hướng xã hội?” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 giữ ổn định với quy chế tuyển sinh đã ban hành từ năm 2022, đặc biệt là công tác ứng dụng chuyển đổi số trong việc thi cũng như xét tuyển vào đại học.
Như vậy, tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến (online) tới tận khâu cuối cùng là xác nhận nhập học.
Bà chỉ ra 3 điểm mới kỳ tuyển sinh năm nay. Thứ nhất, hệ thống tuyển sinh hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục được hoàn thiện, cập nhật để giảm thiểu sai sót, giải quyết những vướng mắc các em từng gặp phải ở năm trước. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước đó, ở thời điểm này, tôi có thể khẳng định năm nay, việc sử dụng phần mềm sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho các em”, PGS Thủy nói.
Thứ hai , thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã ngành thay vì đăng ký theo tổ hợp hay phương thức xét tuyển. Theo đó, học sinh cần chọn ngành đào tạo mà mình yêu thích, tại ngôi trường em mong ước vào học. Còn việc xét tuyển bằng tổ hợp nào, phương thức nào, nếu các em tham gia xét tuyển sớm tại các trường đại học thì sẽ tuân thủ theo đề án tuyển sinh cũng như hướng dẫn của nhà trường. Như vậy, thí sinh cần theo dõi website của các trường đại học để có thể được cung cấp những thông tin, quy trình, thủ tục cần thiết.
Thứ ba , từ năm 2023 bắt đầu áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới. Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên.
Điểm thi của thí sinh càng cao, mức điểm ưu tiên càng thấp. Thí sinh đạt 30 điểm không còn được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, không thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao sẽ cạnh tranh công bằng hơn.
PGS Thủy lý giải, chính sách điểm ưu tiên này là để giúp cho thí sinh ở những vùng khó khăn, những đối tượng cần ưu tiên được tăng cơ hội tiếp cận đại học, được phát triển bản thân để phục vụ cho xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, khi các em đạt mức điểm cao, tức là khi các em đã có học lực giỏi, kết quả thi rất tốt thì điểm ưu tiên sẽ giảm dần để bảo đảm cạnh tranh công bằng với tất cả thí sinh giỏi trên cả nước.
Vụ trưởng cũng lưu ý thí sinh, Bộ GD&ĐT không giới hạn thí sinh đăng ký xét tuyển sớm ở bao nhiêu trường, tức thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sớm ở 10 trường đại học và được cả 10 trường nói trên thông báo trúng tuyển.
Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới được xác định là trúng tuyển chính thức, do đó mọi thời điểm xét tuyển của các trường xét tuyển sớm trước khi hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ hoạt động đều là trúng tuyển “có điều kiện”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cũng khuyên thí sinh không nên tham gia vào quá nhiều kỳ thi riêng. Bởi mỗi kỳ thi của trường đại học, nhóm trường đại học tổ chức đều có những mục đích khác nhau, áp dụng cho những lĩnh vực đào tạo khác nhau.
Các em không thể tham gia quá nhiều kỳ thi riêng, dàn trải nguồn lực như vậy, Chỉ nên chọn từ 1 đến 2 kỳ thi riêng là đủ. "Tôi cho rằng các em vẫn cần tập trung cao nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”, PGS Thủy nói.