Tuyên án vụ Alibaba: Nghìn người cay đắng với niềm hy vọng mong manh

Anh Tú,
Chia sẻ

Ngày 29/12, TAND TPHCM đã tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền đối với 23 bị cáo, xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba.

Sau gần một tháng xét xử, ngày 29/12, TAND TPHCM đã tuyên án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền đối với 23 bị cáo, xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba. Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty này bị tuyên án chung thân.

Giảm mức án cho hầu hết bị cáo

TAND TPHCM đã bác bỏ quan điểm bào chữa của các luật sư bảo vệ cho Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm. HĐXX đã tuyên Nguyễn Thái Luyện án chung thân, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện, Giám đốc tài chính Công ty Alibaba) bị tuyên 30 năm tù giam cho 2 tội danh rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

So với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM (trừ bị cáo Luyện và Mai), các bị cáo còn lại đều được tuyên mức án nhẹ hơn.

HĐXX cho rằng, hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai cho thấy có đủ căn cứ xác định Luyện phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của VKS.

Theo đó, tháng 5/2016, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và 22 bị cáo đã dựng nên 58 dự án “ma” tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của 4.550 người.

Theo HĐXX, toàn bộ 58 dự án được vẽ trái phép trên diện tích đất nông nghiệp mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng.

Bằng các thủ đoạn này, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm là nhân viên dưới quyền đã chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng. HĐXX cũng nêu Nguyễn Thái Luyện có vai trò xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của công ty.

“Hành vi của bị cáo không chỉ chiếm đoạt tiền của các bị hại, mà còn phá vỡ quy hoạch của địa phương nên cần có mức án nghiêm khắc... Do toàn bộ đều là dự án “ma” nên không có căn cứ xác định trách nhiệm của các bị cáo khác theo tỉ lệ diện tích đứng tên như đề nghị của luật sư”, HĐXX nhận định.

Đối với các bị cáo bị truy tố tội rửa tiền, HĐXX lưu ý trách nhiệm của Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, vợ Nguyễn Thái Luyện); Huỳnh Kim Thắng (kế toán trưởng) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) đồng thời là trợ lý của Luyện.

Đặc biệt, sau khi vụ án khởi tố, Luyện bị tạm giam, vợ Luyện là bị cáo Võ Thị Thanh Mai sợ tài khoản bị phong tỏa nên ngày 19/9/2019 đã chỉ đạo Nguyễn Thế Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng) rút 13 tỷ đồng đưa cho Mai. Đến nay, số tiền này chưa thu hồi được. Vì vậy, HĐXX bác gần như toàn bộ các ý kiến của luật sư bào chữa cho Mai, Lực và Thắng.

Chỉ còn biết hy vọng

Nguyễn Thái Lực bị tuyên 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 10 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt là 27 năm tù. Các bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Trang Chí Linh: 19 năm tù; Trương Thị Hồng Ngọc: 18 năm tù; Nguyễn Thái Lĩnh: 17 năm tù; Bùi Minh Đức: 17 năm tù; Huỳnh Thị Ngọc Như: 17 năm tù; Nguyễn Lê Hoàng Lan: 16 năm tù; Phan Ngọc Nguyên: 15 năm tù; Trịnh Minh Pháp: 13 năm tù, Nguyễn Trần Phúc Nguyên: 12 năm tù, Vũ Hoàng Hải: 12 năm tù, Nguyễn Thị Vân Anh: 12 năm tù, Đào Thị Thanh Lợi: 12 năm tù, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh: 12 năm tù tổng hợp với hình phạt 4 năm 6 tháng tù của bản án của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bị cáo chấp hành chung cho cả hai bản án là 16 năm 6 tháng tù. Nguyễn Quang Sơn: 10 năm tù, Nguyễn Văn Kiên: 10 năm tù, Nguyễn Trung Trường: 10 năm tù, Vi Thị Hiến: 10 năm tù, Võ Văn Trần Quang: 10 năm tù. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị tuyên 3 năm tù nhưng đang ung thư nên HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù nên cho hưởng án treo.

Ngoài tuyên án 23 bị cáo, HĐXX cũng đã buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai bồi thường hơn 2.400 tỷ đồng cho 4.550 bị hại, do 2 bị cáo này chiếm đoạt và sử dụng toàn bộ số tiền này. HĐXX buộc bị cáo Mai nộp lại 13 tỷ đồng mà bị cáo đã lấy từ hành vi rửa tiền.

Là người trực tiếp có liên quan và chịu nhiều áp lực tài chính khi đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng vào 6 nền đất ở 3 dự án của Alibaba, bà Nguyễn Thị Phương Minh (64 tuổi) cho biết cảm thấy rất âu lo vì với những gì nắm được trong những ngày tòa xét xử, cũng như mức án mà Nguyễn Thái Luyện đã bị tuyên, bà sợ mình sẽ không lấy lại được tiền.

“Tôi không làm đơn tố cáo Luyện nhưng tôi có khai báo và nộp những minh chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra và tòa theo yêu cầu. Mục tiêu lớn nhất của tôi là lấy lại được tiền của mình vì trong hơn 4 tỷ đồng đầu tư, tôi vay mượn người thân, ở ngoài là rất nhiều. Vì vậy, với mức án mà tòa đã tuyên cho những người chủ mưu, tôi không biết đến bao giờ mình mới có cơ hội lấy lại được tiền”, bà Minh nói.

Ngay sau khi HĐXX tuyên án và tuyên tiếp tục thu giữ toàn bộ các tài sản nhằm đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả của việc Nguyễn Thái Luyện đã lừa và chiếm đoạt (2.400 tỷ đồng), anh Lê Thái Cường cho biết chỉ tạm yên tâm một phần nào.

Với mức án Luyện bị HĐXX tuyên anh Cường hoàn toàn đồng ý và cho rằng đó là cái giá tất yếu mà Luyện phải trả cho việc làm ăn thiếu lương tâm và trách nhiệm. Tuy chỉ bị lừa hơn 2,6 tỷ đồng khi mua 3 nền đất từ Công ty Alibaba nhưng anh Cường vẫn hy vọng sẽ được nhận đất của mình khi tòa tuyên án. Tuy vậy, với những diễn biến cùng tuyên bố từ HĐXX điều anh mong muốn nhất lúc này là được nhận lại 1 phần số tiền mình đã bị lừa.

“Tôi mua đất là do có nhu cầu ở thật sự. Với 2 dự án giáp ranh TPHCM mà Luyện rao bán, tôi và anh em trong gia đình đều rất hy vọng sẽ có được một nơi an cư sau bao nhiêu năm vất vả bươn chải. Tuy vậy, điều tôi nhận lại sau 3 năm vẫn chỉ là lời hứa hẹn và cả gia đình vẫn phải đi ở trọ.

Nay Luyện đã bị tuyên án chung thân, quá trình tố tụng chưa vì thế mà đã dừng, rồi quá trình thi hành án, thực hiện trách nhiệm bồi thường cho khách hàng như chúng tôi từ Luyện còn cả một chặng dường dài. Tôi hiểu, muốn lấy lại số tiền mà mình đã dành dụm cả đời sẽ không thể trong ngày một ngày hai”, anh Cường cay đắng nói.

Chia sẻ