Tưởng rằng mình bất lực, sẽ bất lực thật
Nếu chẳng may gặp vấn đề trong chuyện chăn chiếu, bạn cần biết rằng bạn là người trước nhất có thể chữa được bệnh cho mình.
“Trời ơi mình bị bất lực!”
Mặc dù bệnh bất lực bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, không có nghĩa rằng tự bản thân nó “bất lực hoàn toàn”. Chủ nhân của căn bệnh này đóng vai trò rất lớn trong việc hồi phục nhưng dường như những người đàn ông bất lực cứ ngày một lún sâu vào mặc cảm tự ti. Điều này đóng góp rất nhiều vào việc ‘cậu nhỏ” trở nên… liệt hẳn.
Theo Thạc sỹ Tâm lý Nguyễn Mạnh Hà, giảng viên trường ĐH KHXH&NV, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, những người mắc căn bệnh bất lực luôn tự dằn vặt mình trước:
“Họ cho rằng cái nam tính trong họ được thể hiện nhiều ở chỗ họ làm chuyện đó có tốt hay không. Và khi niềm kiêu hãnh đó cứ dần mất đi thì tự bản thân họ cứ tự gặm nhấm mình, nghĩ mình kém cỏi. Hậu quả của sự tự ti trong mọi trường hợp đều không tốt, đặc biệt trong việc tế nhị như chuyện chăn gối thì lại càng tệ”.
Điều khiến người đàn ông thấy khổ tâm đó là dù điều đang gặm nhấm họ hết sức đau khổ nhưng họ không thể chia sẻ với ai. Nói với người ngoài thì chắc chắn là không rồi, đặc biệt là nói với một thằng bạn trai vì đối với các con thuộc giống đực nói chung, luôn có một sự ngấm ngầm so sánh với nhau về khả năng “đáng mặt đàn ông” đó.
Vậy nói với vợ chăng? Khó hơn nữa bởi đó chính là “con cái” của họ, người họ muốn chinh phục bằng “khả năng đàn ông” đó hơn cả. Và thế rồi họ cứ chìm dần vào nỗi đau giới vô cùng đen tối đó. Từ sự tự trách mình, cộng với ức chế sinh lý không được giải thoát, người đàn ông trở nên cáu kỉnh, giận dữ và trách móc lây sang người vợ, ghen với từng nụ cười bình thường nhất của vợ với những đàn ông khác.
Những người có vấn đề chăn gối thường cảm thấy mình bị coi thường. Bao nhiêu giận dữ đau khổ đó cứ tích lại, ức chế lên thần kinh và các hoocmon sinh dục, khiến cho bệnh của họ ngày càng trầm trọng.
Hãy chia sẻ với vợ
Thạc sỹ Mạnh Hà khuyên rằng việc cởi mở chia sẻ giữa hai vợ chồng là nhân tố quyết định giúp người chồng hồi phục:
“Ở Việt Nam, cứ mỗi khi nhắc đến chuyện chăn gối là người ta lại cho rằng đó là chuyện gì xấu xa cho nên người ta tránh tuyệt đối nói về chuyện đó. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến quan hệ vợ chồng vì khi gặp vấn đề gì đó họ không thể chia sẻ để đưa ra hướng giải quyết và rồi từ vấn đề tình dục họ xung đột về tình yêu”.
Trường hợp của vợ chồng chị Liên ở quận Long Biên là một ví dụ. Buổi đầu của anh chị rất đẹp, nhưng rồi anh lên chức và sự mệt mỏi khiến anh không còn sung mãn như xưa nữa. Mỗi lần thấy vợ nằm ỉu xìu sau khi yêu nhau, anh tự dằn vặt mình, rồi anh bỗng trở nên ghen tuông vô cớ, không cho phép vợ ra ngoài vào buổi tối.
Anh buộc vợ cũng phải chịu nỗi đau khổ mà anh phải chịu. Anh nghi ngờ vợ không còn yêu mình nữa và cuối cùng, sự tự ám thị đó làm cho anh nghĩ rằng chính vì tình yêu của vợ anh với anh đã hết nên chăn gối của họ không còn ngọt ngào nữa.
“Cho nên, chia sẻ là rất quan trọng. Có thế mới đi đến giải pháp được”, chuyên gia Mạnh Hà nói. Một trong những giải pháp rất dễ mà rất khó để giúp cải thiện tình hình, đó là kỹ thuật chăn gối. Từ bỏ ngại ngùng để “phát triển kỹ thuật” là điều rất quan trọng đối với những đôi vợ chồng có vấn đề trong quan hệ. Càng những đôi vợ chồng này, tình yêu càng phải nồng hơn để gây men cho tình dục”.
Tuy nhiên, mọi kỹ thuật chỉ là tình thế nếu như tình cảm giữa hai người không nồng nàn. Ngoài cái ngoại tố như khung cảnh, kỹ thuật thì chỉ có sự yêu thương chăm sóc và chia sẻ mới là liều thuốc tốt nhất để đàn ông vượt qua được cửa ải rất khó khăn này. “Ngoài ra, kiên nhẫn cũng là một yếu tố không thể thiếu”, chuyên gia Mạnh Hà khuyên.
Kim Sen