Nhờ lên trông cháu nhưng mẹ chồng đi vào than ốm đi ra kêu đau, nàng dâu chỉ biết khóc ròng
Cả tháng nay dù mang tiếng có mẹ chồng lên chăm cháu nhưng Hạnh luôn ở trong trạng thái tất bật gấp đôi những mẹ bỉm sữa khác. Nguyên nhân là bởi ngày nào bà cũng than đau cái này, ốm cái nọ khiến cô vô cùng căng thẳng.
Hạnh và Đức kết hôn được hơn 3 năm nay. Cả hai đều là dân tỉnh lẻ nên giống như mọi cặp vợ chồng trẻ khác, đám cưới xong họ lại quay ra thành phố làm việc. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích cóp và sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại nên 2 năm sau vợ chồng Hạnh mua được một căn chung cư nhỏ.
Đến lúc này, khi đã có chỗ ra vào tử tế thì vợ chồng cô mới tính đến chuyện con cái. Còn trẻ lại sung sức nên chỉ 1 thời gian ngắn sau khi "thả" thì Hạnh có tin vui. Đương nhiên, họ hàng hai bên ai cũng mừng rỡ, nhất là phía nhà cô. Trong thời gian thai kỳ, nghe thấy ai bảo ở đâu có cái gì tốt cho bà bầu là bố mẹ cô lại tìm và gửi cho con gái. Nhà Đức cũng vui vẻ nhưng đương nhiên không chăm chút như bố mẹ Hạnh.
Đến khi Hạnh sinh nở thì cũng mẹ cô là người bên cạnh chăm sóc. Thực ra mấy ngày đầu lúc con dâu mới sinh, mẹ chồng Hạnh cũng tất tưởi lên thăm nhưng được vài hôm thì bà đòi về. Bà bảo ở nhà ruộng vườn, lợn gà không ai trông coi còn Hạnh có bà ngoại lo rồi, bà ở đó cũng không có việc gì nhiều.
Dù Đức không đồng tình nhưng thấy mẹ chồng cứ giãy nảy đòi về nên Hạnh bảo anh để bà về. Lúc đó Hạnh nghĩ nhà chỉ có một mình cô, mẹ cũng nghỉ hưu rồi nên sẽ phụ được mình chuyện con cái, kể cả khi cô quay trở lại đi làm.
(Ảnh minh họa)
Nhưng người tính chẳng bằng trời tính, đến khi hết thời gian thai sản thì bố Hạnh ở quê bị ngã gãy chân. Thế là mẹ cô phải nhanh chóng về nhà chăm bố. Trong khi đó cô lại phải quay trở lại đi làm nên đành bảo Đức gọi cho mẹ lên trông cháu. Dù có vẻ hơi miễn cưỡng nhưng chẳng thoái thác được nên bà đành phải đồng ý. Đang mừng rỡ vì không phải gửi con khi còn quá nhỏ thì Hạnh lại gặp phải sự căng thẳng khác.
Chuyện là từ hôm mẹ chồng lên chăm cháu, ngày nào bà cũng than thở đau cái này, ốm cái kia. Mấy hôm đầu, Hạnh cứ nghĩ rằng bà mới từ quê ra, chưa quen với thành phố nên cô ra sức động viên: "Chắc mẹ chưa quen với không khí ở đây thôi đấy ạ. Vài tuần nữa, quen rồi lại khỏe re ấy mà, có khi lại còn thích ấy chứ chẳng đùa."
Tuy nhiên 2 tuần rồi cả tháng nay bà vẫn cứ kêu đau với mỏi. Hôm nay bà than đau đầu thì mai bà kể đau chân, hôm sau nữa lại đầy bụng. Mà phận dâu con, Hạnh nào có thể làm ngơ được. Cô lại tất tưởi đi mua thuốc, mua thêm đồ ăn này kia tốt cho người già để đổi bữa.
Bảo bà lên trông cháu là đúng chỉ trông cháu, bà không quét nhà cũng chẳng cắm cơm gì đỡ đần cho con. Nghĩ rằng mẹ chồng trông con cho là may lắm rồi nên Hạnh không nói gì mà đi làm về là lao vào nấu nướng, dọn dẹp, lo thuốc thang cho mẹ. Thức ăn của bà cô cũng làm riêng, cẩn thận hơn, nấu nhừ hơn để bà dễ ăn. Quả thực đôi khi cô nghĩ có mẹ chồng ở đây cô còn vất vả hơn gấp đôi, giống như phải chăm thêm một đứa trẻ nữa vậy.
(Ảnh minh họa)
Vì vậy mà Hạnh luôn cảm thấy vô cùng căng thẳng nhưng không biết phải làm như thế nào. Nếu bây giờ để bà về quê thì không ai trông con, gửi con khi nó còn bé quá cũng tội mà mẹ lại chẳng an tâm. Nhưng nếu bà ở lại với tình trạng nay ốm mai đau thế này thì không biết cô có thể chịu đựng được đến lúc nào nữa.
Trong khi đó mẹ Hạnh phải ở nhà với bố đến 2 tháng nữa mới ra trông cháu được. May thay Đức là một người chồng hiểu chuyện. Biết vợ gặp không ít mệt mỏi và căng thẳng vì mẹ mình nên ngày nào anh cũng cố gắng về sớm để đỡ đần vợ. Còn Hạnh, bây giờ cô chỉ ngày ngày mong bố nhanh khỏi để mẹ mình ra trông cháu cho bà nội về quê mà thôi.