Tượng Nhân sư Ai Cập hình thành do gió?
Theo các nhà khoa học, sinh vật huyền bí khổng lồ được khắc vào đá cách đây 4.500 năm có khả năng được tạo ra bởi thiên nhiên, sau đó mới được con người hoàn thiện.
Với khuôn mặt của một người phụ nữ và cơ thể của một con sư tử, bức tượng Nhân sư vĩ đại ở thành phố Giza đã khiến các nhà khảo cổ học phải tranh cãi trong hàng ngàn năm.
Ban đầu nó trông như thế nào? Nó được thiết kế để đại diện cho ai? Đây là một trong những câu hỏi phổ biến mà các nhà sử học đã phải đối mặt. Nhưng vẫn còn một bí ẩn khác- liệu Mẹ Thiên nhiên có đóng vai trò gì trong việc tạo ra nó không? Phải chăng các thế lực tự nhiên đã làm xói mòn khối đá thành một sinh vật thần thoại, trước cả khi người Ai Cập xuất hiện?
Đó là những câu hỏi mà một nhóm các nhà khoa học từ Đại học New York (Mỹ) đang cố gắng tìm câu trả lời. “Chúng tôi đưa ra giả thiết về cách các hình dạng giống như Nhân sư có thể được hình thành từ sự xói mòn đất”, ông Leif Ristroph, phó giáo sư, giải thích. “Các thí nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng trên thực tế, tác động của gió lên những khối đất cát có thể tạo nên những hình dạng giống Nhân sư”.
Nghiên cứu tập trung vào việc tái tạo các dạng đá được hình thành từ lực gió kéo dài ở các vùng sa mạc - một hiện tượng địa chất gọi là “yardang”. Để làm điều này, những nhà khoa học bọc ụ đất sét mềm xung quanh những miếng đất cứng hơn, ít bị xói mòn hơn để mô phỏng địa hình ở phía đông bắc Ai Cập, nơi có tượng Nhân sư Giza.
Sau đó, họ xối dòng nước mạnh lên những khối đất này để mô phỏng những cơn gió trong tự nhiên, cuối cùng tạo ra một bức tượng trông giống Nhân sư.
“Trong sa mạc, có những bức tượng yardang trong tự nhiên trông giống những động vật đang ngồi hoặc nằm với đầu ngẩng cao”, giáo sư Ristroph giải thích. “Một số trông rất giống một con sư tử, hoặc một con mèo đang ngồi, đến nỗi chúng thi thoảng được gọi là “Sư tử bùn”. Các thí nghiệm của chúng tôi giúp mở rộng hiểu biết về cách hình thành các yardang này”.
Các nhà nghiên cứu của Đại học New York tin rằng kết quả của họ cho thấy các cấu trúc giống Nhân sư có thể hình thành trong điều kiện sa mạc khá phổ biến.
“Câu hỏi đặt ra ở đây là bao nhiêu phần của bức tượng đã tồn tại trong tự nhiên và sau đó được sửa đổi thêm”, ông Ristroph cho biết. “Nghiên cứu của chúng tôi có thể tiết lộ là phần lớn phần đầu, cổ và bàn chân của tượng Nhân sư đã có thể được hình thành tự nhiên”.