Tương lai u ám của rừng Amazon: Chuyên gia nhận định một phần khu rừng đang trên đà sụp đổ không thể cứu vãn

J.D,
Chia sẻ

Giống như hiệu ứng domino, tình trạng chặt phá rừng gia tăng có thể kéo theo rất nhiều hệ quả xấu. Và nếu tiếp tục như vậy, một phần khu rừng sẽ chạm đến ngưỡng cực hạn, không thể phục hồi.

Cháy rừng, biến đổi khí hậu và lạm dụng tài nguyên, đó là những vấn đề mà rừng Amazon - khu rừng mưa lớn nhất Trái đất hiện nay đang phải đối mặt. Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.

Theo một báo cáo mới đây của nhà địa chất học Robert Toovey Walker từ ĐH Florida (Mỹ), các nghiên cứu gần nhất về Amazon đang cho thấy số phận của khu rừng này đang trở nên u ám hơn bao giờ hết. Mùa khô đang kéo dài hơn qua từng năm, dần dần sẽ không cho phép khu rừng kịp phục hồi sau những vụ cháy, và rồi tạo điều kiện cho cháy rừng lan rộng hơn rất nhiều.

"Khu vực phía Nam Amazon được dự đoán sẽ đến điểm cực hạn trước năm 2064 với tình hình kéo dài như hiện nay," - Walker cho biết.

 - Ảnh 1.

Số lượng những vụ cháy trong năm 2020 đã vượt qua cả đợt cháy rừng khủng hoảng nhất vào tháng 10/2019. Cùng với đó là việc con người đã hủy hoại thêm 1202km2 rừng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020 - cao hơn 55% so với cùng kỳ trước đó 1 năm.

Các mô hình dự đoán tình hình của rừng Amazon sẽ giống như hiệu ứng domino vậy. Một khi tỉ lệ tàn phá rừng lên tới 30% - 50% về phía nam, nó sẽ khiến lượng mưa ở phía tây giảm 40%, đồng thời làm thay đổi môi trường tại đây từ một khu rừng mưa trở thành đồng cỏ savanna.

"Có thể coi hệ sinh thái của khu rừng là một cái máy bơm. Nó sẽ liên tục tái cấp độ ẩm, qua đó cải thiện lượng mưa. Nhưng nếu cứ tiếp tục phá rừng, lượng mưa sẽ giảm, và cuối cùng chiếc máy bơm sẽ hỏng."

Nếu kịch bản đáng sợ này xảy ra, nguồn cung nước cũng sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng đến ít nhất 35 triệu người sinh sống trong khu vực.

 - Ảnh 2.

Biến đổi khí hậu cùng chặt phá rừng tại Amazon đang gây ra hậu quả nghiêm trọng

"Những người ở đây, họ không để ý quá nhiều đến đa dạng sinh thái, môi trường. Bởi lẽ, họ còn phải chạy ăn từng bữa," - Walker chia sẻ.

Hệ sinh thái sụp đổ cũng đồng nghĩa với việc sẽ có vô số sinh vật - bao gồm cả động vật lẫn cây cối - rơi vào cảnh tuyệt chủng. Một báo cáo vào giữa năm 2020 đã chỉ ra rằng rừng Amazon đang đến điểm cực hạn không thể cứu vãn trong vòng 1 thế hệ nữa, đồng thời khả năng hấp thụ carbon cũng đang giảm rất nhanh - dự đoán đến năm 2035 có thể bắt đầu đẩy ngược lượng carbon đã hấp thụ lên mặt đất.

Trong quá khứ, trên thực tế Amazon đã từng "sống sót" qua những đợt khí hậu ấm nóng hơn rất nhiều. Tuy nhiên lần này mọi chuyện không đơn giản, vì bao gồm cả tác động của con người. Các tập đoàn lớn và chính sách của chính phủ là những tác nhân lớn nhất ảnh hưởng đến câu chuyện này.

 - Ảnh 3.

Các thỏa thuận với EU và Mỹ đã tạo ra động lực rất lớn cho nền nông nghiệp quy mô lớn tại Brazil - nơi nhiều người dân vẫn đang phải chạy ăn từng bữa ngay cả khi Covid-19 chưa chạm tới - qua đó khiến vấn nạn phá rừng lấy đất làm nông nghiệp lan rộng hơn. Theo Walker, các chính sách cùng cơ sở hạ tầng hiện nay của Brazil có thể khiến ít nhất 25% diện tích rừng mất đi trong tương lai gần - một mất mát đủ để mang đến sự sụp đổ hệ sinh thái quy mô rộng.

Nghiêm trọng hơn, đây còn là vấn đề không chỉ tồn tại ở Nam Mỹ. Hệ sinh thái ở nhiều nơi trên thế giới cũng đang mất cân bằng, với tỉ lệ 1:5 quốc gia tiến đến mức sụp đổ. Ngay cả Úc - một quốc gia lớn mạnh và giàu có hiện cũng chưa thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo vệ môi trường. Và khi hệ sinh thái nhiều nơi mất đi, một cơn khủng hoảng ở quy mô toàn cầu có thể xảy ra.

Nguồn: Science Alert

Hàng xóm bất lực đứng nhìn 3 đứa trẻ chết trong biển lửa, hiện trường tan hoang và nguồn cơn dẫn đến bi kịch càng gây căm phẫn - Ảnh 4.

Chia sẻ