Tuổi thọ con người có "giới hạn tuyệt đối" là 150 năm?
Một nghiên cứu mới cho thấy, con người có thể sống từ 120 đến 150 năm và không thể sống lâu hơn "giới hạn tuyệt đối" này.
Trong nghiên cứu được công bố trực tuyến vào ngày 25/5 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình toán học để dự đoán rằng, sau 120 đến 150 tuổi, cơ thể con người sẽ mất hoàn toàn khả năng phục hồi sau những tổn thương như bệnh tật và chấn thương, dẫn đến tử vong. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, việc áp dụng các liệu pháp được phát triển để kéo dài khả năng phục hồi của cơ thể có thể giúp con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Bà Judith Campisi, giáo sư tại Viện Nghiên cứu về lão hóa Buck ở Novato, California, nói: "Các nghiên cứu như thế này dựa trên dữ liệu lịch sử và hiện tại từ các quần thể người. Con số được đưa ra là phỏng đoán, nhưng phỏng đoán này dựa trên những số liệu đáng tin cậy".
Các nhà nghiên cứu đã phân tích những nguồn dữ liệu lớn từ Mỹ, Anh và Nga, bao gồm hồ sơ y tế ẩn danh của hơn 500.000 người. Họ sử dụng dữ liệu từ một xét nghiệm máu đơn giản, có sẵn trong hầu hết hồ sơ y tế của các cá nhân. Những cá nhân này đã thực hiện các xét nghiệm máu nhiều lần trong một vài tháng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2 chỉ số thu thập được từ các xét nghiệm máu ở 3 nhóm tuổi khác nhau gồm tỷ lệ của 2 loại tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật và chỉ số về sự thay đổi kích thước của các tế bào hồng cầu. Tiến sĩ Marc J. Kahn, Hiệu trưởng Trường Y dược Kirk Kerkorian và Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề sức khỏe của Đại học Nevada, Las Vegas, cho biết, một người có thể có tóc bạc khi họ già đi, hai yếu tố này tăng lên cùng với mức tăng của tuổi con người. Các nhà khoa học gọi đây là những dấu ấn sinh học của quá trình lão hóa.
Tuổi thọ tối đa của con người là 120 đến 150 tuổi. (Ảnh: iStock)
Từ những xét nghiệm máu này, các nhà nghiên cứu sử dụng một mô hình máy tính để xác định cái mà họ gọi là chỉ báo trạng thái sinh vật động (hoặc DOSI) cho mỗi người. Về căn bản, đây là thước đo "tuổi sinh học" mà họ có thể sử dụng cùng với thời gian giữa các lần xét nghiệm máu để định lượng một người sẽ có thể phục hồi sau căng thẳng, chẳng hạn như bệnh tật hoặc chấn thương.
Các tác giả có thể sử dụng DOSI để đo lường thời gian phục hồi của cơ thể con người. Vấn đề là ở một thời điểm nào đó trong quá trình lão hóa, thời gian phục hồi quá lớn khiến chúng ta mất đi khả năng phục hồi. Dựa trên dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, vào khoảng thời gian tuổi đời từ 120 đến 150 tuổi, khả năng phục hồi sẽ hoàn toàn chấm dứt và một người sẽ không thể tiếp tục sống.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét dữ liệu về hoạt động thể chất được đo bằng số bước đi trong mỗi ngày để xác nhận kết quả của họ. Họ phát hiện ra cùng một kết quả, theo đó, những người trẻ tuổi có xu hướng đi nhiều bước hơn mỗi ngày, trong khi những người lớn tuổi hơn hàng ngày đi ít hơn khi họ già đi. Từ dữ liệu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy giới hạn tuổi gần giống như đã xác định được từ phép đo DOSI.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên sử dụng mô hình để kiểm tra tuổi thọ của con người. Trước đó, vào năm 2016, Jan Vijg, một nhà di truyền học tại Đại học Y Albert Einstein, đã dẫn đầu một nghiên cứu phân tích các xu hướng trong dữ liệu về tuổi thọ và ước tính rằng, con người khó có thể sống quá 125 tuổi.